Hoàng Huyền Ngọc (bên trái)
Đây là những dòng chia sẻ về cuộc sống sinh viên của bạn Hoàng Huyền Ngọc - Thủ khoa tốt nghiệp khóa học 2010-2014 của trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN!
Thoáng háo hức, thoáng hụt hẫng, thoáng vui, thoáng buồn…, có lẽ không chỉ riêng mình mà bạn sinh viên nào cũng có trong lòng những cảm xúc đan xen khi phải rời xa cánh cổng trường đại học để bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời. Bốn năm đại học trôi qua thật nhanh, cho đến tận bây giờ, cầm trên tay tấm bằng đỏ mà vẫn có cảm giác mình đang là sinh viên, hai tiếng “người lớn” sao vẫn xa lạ quá. Tuy thế, trưởng thành là một quá trình tất yếu mà chẳng ai cưỡng lại được, dù ta có tha thiết với thời sinh viên trẻ trung, sôi nổi của mình đến thế nào đi nữa.
Thời sinh viên của mình đã diễn ra tương đối êm đềm, dù không phải không có những thất bại, những lần vấp ngã. Điều khiến mình tự hào nhất sau bốn năm đại học, không phải là thành tích học tập, là điểm số và bằng khen mà chính là sự trưởng thành của bản thân qua từng ngày, từng giờ. Mình rất vui khi có cơ hội được nhìn lại những gì mình đã trải qua, và chia sẻ cùng các bạn những điều mình đã học hỏi được trong bốn năm học dưới mái trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Là một học sinh chuyên Văn, suốt những năm học cấp ba chỉ làm quen với những tác giả, tác phẩm văn học, những bài tiểu luận, phê bình,…, nhưng đứng trước kỳ thi đại học, mình đã quyết tâm thi vào ngành Kinh tế. Vào thời điểm đó, tuy chưa tiếp cận nhiều với kinh tế, nhưng mình lờ mờ nhận ra rằng các quy luật kinh tế vẫn đang chi phối nhiều, hay có thể nói là mọi mặt của đời sống con người. Mình chọn đăng ký thi vào Đại học Kinh tế do tin tưởng vào truyền thống lâu dài và chất lượng giảng dạy của Đại học Quốc gia, và đến bây giờ thì mình hoàn toàn hài lòng về quyết định lớn đầu đời ấy của bản thân. Thi đỗ vào khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế với số điểm khiến mình hài lòng (25 điểm khối D), sau đó lại thi đỗ vào lớp Chất lượng cao với điểm số khá cao, nhưng lúc đó mình không mấy tự tin vì nghĩ rằng bản thân thiếu đi nền tảng về Toán học và cách tư duy rất logic của các bạn học khối A. Suy nghĩ ấy đeo bám mình rất lâu, và phải mất rất nhiều thời gian mình mới nhận ra rằng, đôi khi điểm yếu lại trở thành điểm mạnh nếu biết phát huy đúng cách. Sự thiếu nhanh nhạy trong tính toán và tư duy đã được mình cố gắng bù đắp bằng khả năng đọc, hiểu tài liệu (nhờ suốt ngày ngồi đọc sách và tiểu thuyết J), phân tích và trình bày vấn đề. Ý thức được tầm quan trọng của Tiếng Anh như một công cụ hữu ích cho quá trình học tập và làm việc sau này, mình cũng đã cố gắng cải thiện Tiếng Anh từ những ngày đầu tiên bước vào Đai học. Những môn học với những cuốn giáo trình dày cộp và nhiều biểu đồ, số liệu, công thức tính toán đã không thể làm mình nản chí; trái lại, càng học mình càng cảm thấy say mê và hứng thú tìm hiểu, có lẽ cũng nhờ mục đích ban đầu có phần “ngây thơ” khi đến với Kinh tế học: để hiểu rõ hơn thế giới mà mình đang sống.
Cũng chính vì niềm ham thích tìm tòi, khám phá những vấn đề mới mẻ mà mình đã đến với nghiên cứu khoa học. Bắt đầu làm quen với nghiên cứu khoa học từ năm thứ hai, tham gia nghiên cứu với thầy cô, rồi tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên ở trường, với mình khái niệm “nghiên cứu” đã không còn gắn liền với bàn giấy và các nhà khoa học đầu tóc rối bù vùi mình trong thư viện, phòng lab với hàng chồng tài liệu và công thức tính toán. Nghiên cứu khoa học cho mình cơ hội được làm việc một cách nghiêm túc và sâu sắc; và làm nghiên cứu cũng thực tế không khác gì việc chạy một dự án kinh doanh. Nghiên cứu cũng bắt nguồn từ một ý tưởng, rồi từ ý tưởng ta lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch, và tạo ra sản phẩm. Tuy hai năm liền đều tham gia mà không được giải thưởng nghiên cứu khoa học của trường, sự yêu thích với nghiên cứu của mình không hề giảm sút. Các bạn sinh viên hãy tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường mình ít nhất một lần nhé, mình tin rằng đây là cơ hội tốt để các bạn áp dụng các kiến thức mình đã học, và có thể, các bạn sẽ nhận ra đam mê của mình với công việc nghiên cứu và có được định hướng cho sự nghiệp tương lai.
Thật may mắn khi mình đã lựa chọn Đại học Kinh tế. Đây là môi trường lành mạnh, thân thiện, rất lý tưởng cho việc học tập. Đặc biệt, khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (FIBE) đối với mình như một ngôi nhà thứ hai. Trước khi vào đại học, mình đã luôn nghĩ môi trường đại học không thể nào gần gũi và đầm ấm như thời cấp 2, cấp 3; tuy nhiên, FIBE đã đem tới cho mình một ấn tượng khác. Thầy cô trong khoa rất quan tâm đến sinh viên và luôn tạo điều kiện, giúp đỡ sinh viên trong cả học tập cũng như trong cuộc sống. Các anh chị khóa trên cũng luôn quan tâm và giúp đỡ chúng mình rất nhiều, từ việc cho chúng mình các tài liệu và kinh nghiệm học tập cho đến việc tổ chức những chương trình, những hoạt động tập thể nhằm thắt chặt hơn tình đoàn kết của sinh viên trong khoa. Đặc biệt, mình rất yêu quý tập thể lớp K55CLC, với những người bạn học rất giỏi, làm việc rất hiệu quả, và chơi cũng rất hăng J Mỗi người tới từ một vùng miền, mỗi người có một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau, nhưng chúng mình đã luôn thân thiết với nhau, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống để tạo thành một tập thể lớp vững mạnh, gắn bó.
Những nỗ lực của bản thân cùng với sự động viên, giúp đỡ từ thầy cô và bè bạn cuối cùng đã đem lại cho mình những kết quả xứng đáng. Được nhận tấm bằng khen và giấy khen từ thầy Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và thầy Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, trong lòng mình ngập tràn niềm vui sướng và tự hào. Tuy thế, mình cũng nhanh chóng ý thức được, tất cả chỉ là khởi đầu. Mình tự nhủ bản thân phải không ngừng nỗ lực, để tìm được cho mình một hướng đi đúng đắn trong tương lai.
Thay lời kết, mình hy vọng rằng các bạn sinh viên hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá của tuổi trẻ mà mình đang có, hãy sống hết mình khi các bạn còn trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết. Hãy nắm bắt mọi cơ hội mà bạn có để tham gia vào các hoạt động học tập, nghiên cứu, làm việc, vui chơi, đặc biệt là trong một môi trường thuận lợi như Đại học Kinh tế của chúng ta!