Ban hành kèm theo Quyết định số 718 /QĐ-ĐT, ngày 12/3/2013 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Về kiến thức
1.1. Kiến thức chung trong ĐHQGHN (đối với NCS từ cử nhân)
Khối kiến thức chung gồm các môn lí luận chính trị (Triết học) và Ngoại ngữ cơ bản, giúp học viên có nền tảng về ngoại ngữ và phương pháp luận trong việc nhìn nhận, phân tích, đánh giá các hiện tượng và quá trình kinh tế.
1.2. Kiến thức nhóm chuyên ngành (đối với NCS từ cử nhân)
Khối kiến thức nhóm chuyên ngành gồm các học phần bổ sung, nâng cao kiến thức cơ sở và liên ngành, giúp cho NCS có thể phát triển năng lực và kĩ năng sử dụng ngoại ngữ thông qua hoạt động chuyên môn (Ngoại ngữ học thuật).
1.3. Kiến thức chuyên ngành (đối với NCS từ cử nhân)
Khối kiến thức chuyên ngành gồm những học phần chuyên sâu cho chuyên ngành kinh tế quốc tế.
1.4. Kiến thức học phần và chuyên đề tiến sĩ
- Tổng hợp, phân tích và luận giải các vấn đề kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế một cách khoa học.
- Sử dụng thành thạo các phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng trong nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, đưa ra các giải pháp và kiến nghị.
1.5. Yêu cầu đối với luận án
- Luận án phải là một công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo của chính nghiên cứu sinh, có đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội.
- Luận án có khối lượng không quá 150 trang A4, không kể phụ lục, trong đó có ít nhất 50% số trang trình bày kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh. Cấu trúc của luận án bao gồm các phần và chương sau:
+ Phần mở đầu: giới thiệu ngắn gọn về công trình nghiên cứu, lí do lựa chọn đề tài, mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài;
+ Tổng quan về vấn đề nghiên cứu: phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu liên quan mật thiết đến đề tài luận án đã được công bố ở trong và ngoài nước, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại mà luận án sẽ tập trung giải quyết, xác định mục tiêu của đề tài, nội dung và phương pháp nghiên cứu;
+ Nội dung, kết quả nghiên cứu (một hoặc nhiều chương): trình bày cơ sở lí thuyết, lí luận và giả thuyết khoa học; phương pháp nghiên cứu; kết quả nghiên cứu và bàn luận.
+ Kết luận và kiến nghị: trình bày những phát hiện mới, những kết luận rút ra từ kết quả nghiên cứu; kiến nghị về những nghiên cứu tiếp theo;
+ Danh mục các công trình công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án;
+ Danh mục tài liệu tham khảo được trích dẫn và sử dụng trong luận án và Phụ lục của luận án (nếu có).
1.6. Yêu cầu về số lượng và chất lượng của công trình khoa học sẽ công bố
- Trước khi đăng ký bảo vệ Luận án cấp cơ sở, NCS. phải có tối thiểu 2 bài báo đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc danh mục các Tạp chí được tính điểm công trình theo quy định của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. Nội dung bài báo phải phù hợp với định hướng nghiên cứu của đề tài Luận án.
2. Về kĩ năng
2.1. Kĩ năng cứng
- Phát hiện, phân tích, đánh giá, dự báo, phản biện và tư vấn giải pháp cho các vấn đề kinh tế quốc tế dựa trên những kiến thức chuyên sâu về kinh tế quốc tế.
- Tự nghiên cứu, tìm ra cách tiếp cận mới, tương quan mới, phân tích lý giải mới đối với các vấn đề lý thuyết và thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
- Tư duy hệ thống, phương pháp nghiên cứu liên ngành, có cách tiếp cận riêng biệt từ góc nhìn của kinh tế quốc tế hiện đại.
- Nghiên cứu độc lập hay tổ chức nhóm nghiên cứu, tìm ra cách thức mới hay vận dụng các kiến thức, các kỹ năng vào nhận diện và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề kinh tế quốc té hiện đại.
- Viết hoặc thuyết trình một cách chuyên nghiệp và khoa học các công trình nghiên cứu cứu chuyên sâu về kinh tế quốc tế.
2.2. Kĩ năng mềm
NCS tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế quốc tế có các kĩ năng cơ bản như sau:
- Có kỹ năng nghiên cứu độc lập, tổ chức và quản lý hoạt động nghiên cứu.
- Có kỹ năng viết và thuyết trình, lý giải các nghiên cứu kinh tế một cách chuyên nghiệp.
- Tiếng Anh đạt Chuẩn B2 của Khung tham chiếu Châu Âu chung tương đương 5.0 IELTS, hoặc 500 TOEFL.
- Sử dụng thành thạo phương pháp nghiên cứu định lượng dựa trên các phần mềm như SPSS, Eviews hoặc STATA...
3. Về năng lực
3.1. Những ví trí công tác mà người học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
- Nhóm 1 - Chuyên gia hoạch định, phân tích, tư vấn chính sách
- Nhóm 2 - Nghiên cứu viên và giảng viên trình độ cao
3.2. Yêu cầu kết quả thực hiện công việc
- Nhóm 1 - Chuyên gia hoạch định, phân tích, tư vấn chính sách: Có đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng và khả năng tư duy độc lập để làm việc với tư cách là các chuyên gia có trình độ cao trong việc hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách về các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế; tài chính quốc tế; đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tại các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, cơ quan quản lý của chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế như UN, ADB, IMF, WB, iNGOs...
- Nhóm 2 - Nghiên cứu viên và giảng viên trình độ cao: Có khả năng tự nghiên cứu sáng tạo và giảng dạy chuyên sâu tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học khối ngành kinh tế; có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
4. Về phẩm chất đạo đức:
4.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân
- Bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đương đầu với rủi ro, có tinh thần tự tôn, linh hoạt và sáng tạo.
4.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
- Đam mê nghiên cứu, khám phá kiến thức và có trách nhiệm trong công việc, thích ứng với môi trường kinh tế quốc tế thường xuyên biến động.
4.3. Phẩm chất đạo đức xã hội
- Tôn trọng pháp luật, làm việc với tinh thần kỷ luật cao, có lối sống tích cực và có tinh thần hướng về cộng đồng và vì cộng đồng.