Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Hội thảo quốc tế VSN 2014: Thế nào là một trường đại học tốt?

Ngày 18/3/2014, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Mạng lưới học giả Việt Nam (VSN), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế -ĐHQGHN (VEPR) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với tiêu đề “Thế nào là một trường đại học tốt?”.


Tham dự chương trình có GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS. Tan Eng Chye - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Singapore (NUS); TS. Antony Stokes - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đại sứ quán Anh tại Việt Nam; TS. Nguyễn Đức Thành - Trưởng ban điều hành, Mạng lưới Học giả Việt Nam; PGS.TS Lê Kim Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN; đông đảo các học giả đến từ các trường ĐH và tổ chức trong và ngoài nước như ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Southern Oregon (Hoa Kỳ); Trường ĐH New England (Australia), ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa (VASS), …

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức hoan nghênh Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề thiết thực và rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức cho rằng, Hội thảo cần tạo ra được sức lan tỏa toàn diện và triệt để hướng tới trước hết là những người làm giáo dục và rộng hơn là toàn xã hội, những vấn đề được đề cập và thảo luận tại Hội thảo chỉ thực sự hữu ích khi được áp dụng vào thực tiễn.

Phó Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ, chức năng, trách nhiệm của giáo dục đại học Việt Nam là tạo ra được “lực lượng sản xuất hiện đại”. Lực lượng sản xuất hiện đại này không chỉ là nguồn nhân lực mà còn ở tiềm năng khoa học công nghệ, các nguồn lực vật chất và trí tuệ. Lực lượng sản xuất này cần có “quan hệ sản xuất” tương thích đó chính là những cơ chế, thể chế.  

Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức, một trường ĐH tốt cần thực hiện được các chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và có trách nhiệm với cộng đồng. Tại thời điểm hiện tại, phát triển đại học tốt nằm trong trào lưu của 3 chiều hướng phát triển hay 3 cuộc “tiểu cách mạng”. Thứ nhất đó là cuộc cách mạng về quản trị ĐH. Quản trị ĐH đang chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị tầm nhìn, quản trị mục tiêu và tiêu chí. Thứ hai, cuộc cách mạng về tri thức với sự thay đổi từ mục tiêu học tập để có kiến thức sang học tập để có năng lực tốt. Chuyển việc đánh giá kết quả học tập từ kiến thức thu nhận được sang sản phẩm sáng tạo được; các hoạt động học tập không chỉ dừng lại ở xử lý các kiến thức mà chuyển sang làm việc với các kiến thức đó. Vai trò của người học chuyển từ bị động sang chủ động, vai trò của giảng viên không chỉ là truyền thụ kiến thức mà sẽ dần trở thành vai trò dẫn dắt, huấn luyện. Thứ ba đó là cuộc cách mạng số, không chỉ nhằm thay đổi phương thức dạy và học, phương pháp tiếp cận kiến thức và đưa tri thức vào áp dụng trong thực tế mà còn là phương tiện để cải tổ giáo dục dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức bày tỏ mong muốn sau Hội thảo này Tạp chí Khoa học và Tạp chí Giáo dục của ĐHQGHN sẽ đăng tải một số bài báo cáo trình bày tại Hội thảo của các học giả, nhà tư tưởng trong và ngoài nước nhằm tạo sức lan tỏa thực sự đến các nhà giáo dục và đến xã hội. Phó Giám đốc cũng bày tỏ tin tưởng, Hội thảo lần này với sự tham dự đông đảo của các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước sẽ tạo cơ hội trao đổi cởi mở, chia sẻ các thành quả nghiên cứu cũng như các kiến nghị, qua đó đóng góp thiết thực cho việc thúc đẩy phát triển nền giáo dục nước nhà.


Chủ đề trung tâm của Hội thảo năm nay xoay quanh câu hỏi: “Thế nào là một trường đại học tốt?”. Một nền giáo dục tốt là nền tảng cho sức mạnh của một quốc gia. Ở Việt Nam, việc xây dựng một môi trường giáo dục đại học xứng đáng với những gì thế hệ trẻ ngày nay đáng được hưởng thụ đang là một thách thức ngày càng lớn.

Hội thảo này quy tụ nhiều học giả, các nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách, các nhà tư tưởng, những nhà giáo tâm huyết ở trong và ngoài nước. Mục tiêu của hội thảo là cùng chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết, tầm nhìn và ý tưởng về một trường đại học tốt, về những gì chúng ta nên và có thể hy vọng kiến thiết cho sự phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tăng cường mối quan hệ giữa các nhà tư tưởng và những người cải cách tiên phong cho một hệ thống giáo dục tốt hơn ở Việt Nam.

Hội thảo được chia thành nhiều phiên thảo luận, xoay quanh các nội dung: (1) Tư duy lại về giáo dục; (2) Giáo dục đại học trong một thế giới đang thay đổi; (3) Nghiên cứu và đào tạo trong giáo dục đại học; (4) Động lực trong sáng tạo cho giáo dục đại học.




Đông đảo đại biểu, học giả đến từ các trường đại học, tổ chức trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo.


Sinh Vũ - VNUnet