Hướng tới kỷ niệm 40 năm truyền thống Trường ĐHKT - ĐHQGHN (1974-2004) và chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, tiếp nối thành công của chuỗi Career Talk, ngày 14/11/2014, Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường ĐHKT phối hợp với Silver Spring (tiền thân là AICapital group) đã tổ chức thành công buổi Career Talk với chủ đề "Nghề nghiên cứu - Dễ hay khó?" tại Phòng 801 nhà E4.
Tham gia chương trình có PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu Trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN, ThS. Quan Đức Hoàng - Chủ tịch AL Capital, TS. Lê Trung Thành - Trưởng phòng NCKH&HTPT, ThS. Phạm Bảo Khánh - Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cùng với 2 MC chương trình là TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Chủ nhiệm Khoa phụ trách Khoa TCNH, TS. Đinh Thị Thanh Vân - Phó Chủ nhiệm Khoa TCNH, các giảng viên có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và đông đảo sinh viên Khoa TCNH.
Tọa đàm lần này là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu với sinh viên Trường ĐHKT nói chung và sinh viên Khoa TCNH nói riêng, đồng thời khích lệ tinh thần say mê học hỏi và làm nghiên cứu khoa học ở sinh viên.
Ngay đầu chương trình, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã chia sẻ: Nghiên cứu không phải là những gì quá cao xa, phức tạp hay sách vở, nghiên cứu chính là biết đặt ra câu hỏi, tìm ra được nguồn gốc, bản chất của vấn đề và có thể viết ra được, nói ra được. Đó chính là nghiên cứu. Khó khăn của việc nghiên cứu là phải biết quan sát, biết nhìn nhận những vấn đề mang tính thời sự, phải xem người khác đã nghiên cứu như thế nào để xác định được vấn đề mình cần nghiên cứu. Chúng ta phải đọc, phải trao đổi với bạn bè, trao đổi với thầy, cô và phải biết tóm lược lại.
ThS. Phạm Bảo Khánh chia sẻ: mối quan tâm của sinh viên với nghề nghiên cứu chính là động lực khích lệ cho những người làm thực tiễn. Bảo hiểm tiền gửi cũng như ở tất cả các tổ chức tín dụng khác đều có vị trí nghiên cứu. Thông qua nghiên cứu ở góc độ khoa học, góc độ thực tế lại rất thú vị và ý nghĩa của nghiên cứu khoa học đã đóng góp lớn vào thực tế, nghề nghiên cứu đã đóng góp rất nhiều vào việc ra quyết định quản lý. Những người làm thực tiễn nghiên cứu sẽ giúp họ làm mà không thiếu kinh nghiệm và ra quyết định có chất lượng.
Với câu hỏi: “Các thầy, cô đa số có học vị tiến sĩ ở nước ngoài, vậy có phải học vị cao thì nghiên cứu được đánh giá cao hay không? Và cơ hội cho sinh viên ra trường nghiên cứu, làm nghiên cứu cơ bản trong các viện là như nào?”. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã trả lời: Câu hỏi này giống như câu hỏi quy luật mối tương quan giữa chất lượng nghiên cứu với học vị. Khi một người có học vị cao là do có sự nghiên cứu và được giới học thuật thừa nhận. Trình độ nghiên cứu là khác nhau, một người có học vị cao do biết sử dụng các công cụ cao so với những người chưa được tiếp cận giống như khi các bạn học tiếng Anh, cùng một sách nhưng được chia thành các level khác nhau với mức độ phức tạp cao dần. Học vị liên quan tới học thuật và trình độ khác nhau. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng người nào giỏi trong bất kỳ lĩnh vực nào đều là người thành đạt, chúng ta không nên nhìn nhận rằng người làm nghề nghiên cứu thì nghèo rồi nghi ngờ. Nếu chúng ta thực sự đam mê thì chúng ta hoàn toàn có thể sống được bằng nghề nghiên cứu. Chúng ta có nghiên cứu cơ bản phát hiện ra các quy luật và mối tương quan, nghiên cứu ứng dụng là nghiên cứu cho một vấn đề cụ thể nào đó và nghiên cứu ứng dụng phải dựa trên nghiên cứu cơ bản và phổ biến ứng dụng nghiên cứu này ra bên ngoài”. Cũng với câu hỏi này, ThS. Quan Đức Hoàng chia sẻ thêm: Không phải cứ có trình độ học vấn cao thì mới có thể làm nghiên cứu tốt. Như anh Phùng Đức Quyền, sinh viên mà thầy đã hướng dẫn. Anh Quyền đã đạt giải nhất Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ và cấp ĐHQGHN và giờ, anh Quyền đang làm công tác nghiên cứu trong Hiệp hội Nghiên cứu trái phiếu với mức thu nhập cao mặc dù mới ra trường 2 năm. Sinh viên nếu có đam mê nghiên cứu thì hãy tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng luôn có vị trí nghiên cứu với mức thu nhập tương xứng.
Để chốt lại chương trình, ThS. Quan Đức Hoàng đã nói: Các bạn hãy làm quen với công việc nghiên cứu khi còn đang là sinh viên vì chúng ta có lợi thế là có quyền nghiên cứu thật và phổ biến rộng rãi ra công chúng. Khi chúng ta nói sai, không ai trách vì chúng ta vẫn còn là sinh viên. Đề tài của các chuyên gia nghiên cứu nhiều khi không được phổ biến rộng rãi, chỉ được sử dụng nội bộ, do đó chúng ta hãy dũng cảm, thắng thua không quan trọng, quan trọng là sự trải nghiệm.
Và như ThS. Phạm Bảo Khánh khẳng định: "Nghiên cứu khoa học không hề đơn giản nhưng đem lại rất nhiều điều thú vị và có ý nghĩa rất to lớn".