Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Chính sách kinh tế vĩ mô tại Mỹ và Châu Âu: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

GS. Donald M.Peppard
Là seminar do Khoa Kinh tế phát triển (KTPT), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 8/5/2015 với sự tham gia và thuyết trình của GS. Donald M. Peppard đến từ Trường Đại học Connecticut, Hoa Kỳ.


Buổi seminar còn có sự tham dự của các chuyên gia tới từ Trường Đại học Thương mại, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, các giảng viên, cộng tác viên của Trường ĐHKT và Khoa KTPT cùng các sinh viên quan tâm tới chủ đề này.
Giới thiệu về GS. Donald và các hướng nghiên cứu chính của ông tới các chuyên gia và sinh viên tham dự, TS. Nguyễn Viết Thành - Phó Chủ nhiệm Khoa KTPT cũng nhấn mạnh các mục đích chính của seminar: (1) Tìm hiểu các chính sách kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ và EU trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; (2) Trao đổi về các vấn đề liên quan đến Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời, ông cũng hy vọng, seminar cũng sẽ nhận được nhiều đóng góp ý kiến cũng như chia sẽ kinh nghiệm thực tiễn từ phía các khách mời tham dự góp phần nâng cao năng lực cho các giảng viên, sinh viên Khoa KTPT.
Tại đây, GS. Donald M.Peppard đã trình bày tham luận "Bad macroeconomics policies in the US and Europe and some implications for Vietnam" (Các chính sách kinh tế vĩ mô sai lầm của Hoa Kỳ và EU và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam). Trong đó, ông đã làm rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Hoa Kỳ và EU; đồng thời trình bày về khái niệm và quy trình của chính sách "thắt lưng buộc bụng" (expansionary austerity) đã được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ và các nước EU trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2007-2008. Thông qua các số liệu và dẫn chứng, GS. Donald đã chứng minh rằng các biện pháp của chính sách này như giảm chi tiêu công, tăng thuế, giảm lương và giảm trợ cấp đã không đem lại kết quả như mong đợi; trái lại còn làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ và các nước EU như Tây Ban Nha, Pháp, Anh tăng trưởng thấp hơn tiềm năng của mình. Từ kinh nghiệm quốc tế như vậy, các hàm ý chính sách cũng được GS. Donald đưa ra nhằm giúp Việt Nam tránh mắc phải những sai lầm tương tự.
Sau giờ nghỉ giải lao, GS. Donald M.Peppard tiếp tục trình bày bài tham luận thứ hai với chủ đề "The political problem of the TPP in the US" (Các vấn đề chính trị liên quan tới TPP tại Hoa Kỳ). Bằng hiểu biết sâu của mình về nền kinh tế và chính trị Hoa Kỳ, GS. Donald đã chỉ ra các rào cản về chính trị phức tạp và tương đối khó giải quyết cho việc thông qua TPP tại Hoa Kỳ. Ông cũng dự đoán rằng nếu các vấn đề này không được giải quyết nhanh và triệt để, TPP khó có thể được ký kết trong tương lai gần. Cuối cùng, một số chính sách của cả Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm chuẩn bị cho việc ký kết TPP cũng được ông trình bày.
Hai tham luận của GS. Donald M.Peppard đều nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía người tham dự. Các khách mời đều cho rằng các dẫn chứng và đánh giá được nêu ra trong hai bài tham luận là rất có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với Việt Nam. Rất nhiều câu hỏi liên quan tới chính sách vĩ mô nói chung và chính sách "thắt lưng buộc bụng" nói riêng, mối quan hệ giữa nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Hoa Kỳ/EU, sự khác biệt trong tác động của chính sách vĩ mô tại các quốc gia, hệ thống chính trị và quy trình ra quyết định chính sách tại Hoa Kỳ... đã được đưa ra thảo luận sôi nổi và hiệu quả.



Phát biểu kết thúc buổi seminar, TS Nguyễn Viết Thành đã cảm ơn các chuyên gia, khách mời, giảng viên và sinh viên đã tới tham dự seminar của Khoa KTPT. Ông cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác, đóng góp từ phía các nhà khoa học, các giảng viên và chuyên gia để có thể tổ chức được nhiều seminar và hội thảo mang tính học thuật và chất lượng cao như lần này.

Tin: Ngô Minh Nam (Khoa KTPT) - Ảnh: Đỗ Chiêm