PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và GS. Joao Paulo Vieito - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo Ngân hàng và Tài chính Thế giới đồng chủ trì phiên đầu tiên của hội thảo
Trong hai ngày 17 và 18/12/2015, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Ngân hàng và Tài chính Thế giới (World Finance & Banking Symposium - WFBS).
Năm nay, hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên toàn thế giới với hơn 400 bài viết gửi về tiểu ban nội dung. Các bài viết được đánh giá nội dung chuyên môn cao, được rà soát, thẩm định và chọn lọc kỹ lưỡng, theo đó đã có gần 140 bài được lựa chọn trình bày tại 42 phiên song song trong hai ngày hội thảo. Bên cạnh các phiên song song, hai phiên thảo luận chính do hai học giả nổi tiếng về lĩnh vực tài chính trên thế giới trình bày: GS. Henrik Cronqvist, trường Đại học Miami, Hoa Kỳ và GS. Utpal Bhattacharya, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ HongKong, HongKong.
Các phiên thảo luận song song tập trung vào các nội dung như: Tài chính doanh nghiệp, Cấu trúc và chi phí vốn, Thể chế tài chính và ngân hàng, Mua bán và sáp nhập, Định giá tài sản, Tài chính quốc tế, Hiệu quả, phân khúc và hội nhập thị trường, Quản lý rủi ro, Danh mục đầu tư quốc tế, Thị trường ngoại tệ và tỷ giá hối đoái, Quản ly thu, giám sát và báo cáo tài chính, Quản lý danh mục đầu tư và Đánh giá hiệu quả, Định giá trái phiếu, Đầu tư trực tiếp nước ngoài, Tài chính doanh nghiệp nhỏ, Cổ tức và chính sách thanh toán…
Tham gia trình bày tham luận tại một phiên của hội thảo có sự góp mặt của PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trưởng nhóm nghiên cứu về Tài chính vi mô Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Tại các phiên song song của hội thảo, các cán bộ giảng viên của Khoa Tài chính - Ngân hàng cũng tích cực tham gia và đóng góp ý kiến thảo luận.
PGS.TS Trần Thị Thanh Tú (Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN trình bày nghiên cứu về “Tác động tiếp cận tài chính nông thôn đến giảm nghèo bền vững tại Việt Nam” ở tiểu ban về Tài chính quốc tế
Một số phiên nổi bật trong khuôn khổ hội thảo có thể kể đến như: tại phiên 6 có ba tham luận được trình bày liên quan tới các chủ đề về biến động của thị trường sau giai đoạn khủng hoảng 2007-2009. Trong tham luận thứ nhất, diễn giả James Bicksler (Trường ĐH Rutgers, Hoa Kỳ) đã phân tích các nguyên nhân, các chính sách được áp dụng và những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Theo diễn giả, những ảo tưởng của thị trường về các lợi ích mà quá trình chứng khoán hóa cũng như những biện pháp quản trị rủi ro là nguyên nhân chính chứ không phải sự sụp đổ của bong bóng bất động sản dẫn tới cuộc khủng hoảng 2007-2009.
Tiếp theo, tham luận của diễn giả Zan Jan Oplotnik (Trường ĐH Maribor, Slovenia) đã đánh giá thị trường CDS và thị trường trái phiếu chính phủ sau giai đoạn khủng hoảng 2007-2009. Kết quả nghiên cứu cho thấy tại Đức không có một biến vĩ mô nào có ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa giá của CDS với trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên ở Anh, Nga và Slovenia cho thấy tỷ lệ thất nghiệp là một biến vĩ mô quan trọng nhất làm tăng giá của CDS so với trái phiếu chính phủ.
Trong tham luận thứ ba, tác giả Katrin Gottschalk (Trường ĐH Công nghệ Auckland, New Zealand) đã nghiên cứu sự biến động trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong ở hai cấp độ là doanh nghiệp và thị trường để xác định những nhân tố ảnh hưởng tới sự biến động. Tác giả đã khảo sát mối quan hệ giữa lãi suất của CDS, sự biến động và lợi nhuận của chứng khoán sử dụng mô hình VAR.
Tại một phiên của hội thảo
Hay tại phiên 10, có ba tham luận được trình bày về các chủ đề liên quan tới thị trường tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Trong tham luận về Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, diễn giả Gunter Dufey (ĐH Michigan và NTU/NBS Singapore) phân tích một số khái niệm liên quan tới quốc tế hóa đồng nội tệ cũng như điểm lại một số trường hợp quốc tế hóa tiền tệ diễn ra trong quá khứ. Diễn giả cũng trình bày những mốc quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đánh giá những vấn đề phát sinh và đề ra một số dự đoán trong tương lai.
Trong tham luận của mình diễn giả Tô Dương Thủy (ĐH New South Wales, Úc) đã đánh giá rủi ro trên thị trường ngoại hối của các quốc gia. Tác giả nhận định các nhà đầu tư tại các thị trường khác nhau sẽ đạt được mức lợi nhuận khác nhau mặc dù sử dụng cùng một chiến lược bởi vì cũng một rủi ro sẽ gây ra những tác động khác nhau tùy theo thị trường. Tác giả nhận thấy sử dụng cùng một chiến lược thì các nhà đầu tư tại các nước có mức lãi suất thấp lại có lợi nhuận lớn hơn là các nước có mức lãi suất cao. Tác giả đã đánh giá những rủi ro đặc thù trên thị trường ngoại hối sử dụng mô hình kinh tế lượng.
Trong bài tham luận thứ ba về các yếu tố ảnh hưởng tới cấu trúc kỳ hạn của lãi suất trái phiếu chính phủ, diễn giả Stefan Trueck (ĐH Macquarie, Úc) đã khảo sát cấu trúc kỳ hạn của trái phiếu chính phủ tại 6 nước phát triển cao là Úc, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ để có một cách nhìn nhận mới hơn về các tác động của thời hạn tới lãi suất. Kết quả cho thấy sự biến động của đường lãi suất hoàn vốn chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố chính thể hiện qua sự chênh lệch lãi suất, độ dốc và độ cong, tương tự như kết quả của các nghiên cứu trước đó. Tác giả chỉ ra rằng việc dự đoán biến động lãi suất có thể hỗ trợ để dự đoán sự thay đổi trong tỷ giá hối đoái và tỷ suất lợi nhuận tốt hơn cách tiếp cận UIR thông thường.
Trong phiên 18 có hai tham luận liên quan đến chủ đề ngân hàng và các định chế tài chính. Tham luận thứ nhất của diễn giả Wolf Wagner (Trường Quản lý Rotterdam, Hà Lan) đề cập đến mô hình thể hiện mối liên kết giữa tình trạng thiếu minh bạch về thông tin tài sản với tính thanh khoản của tài sản đó sử dụng giá mua và giá bán của các doanh nghiệp Mỹ. Những tài sản có thông tin minh bạch sẽ có tính thanh khoản cao; trong khi những tài sản mà thông tin kém minh bạch sẽ tạo động cơ cho nhà đầu tư đi tìm kiếm thông tin riêng và dẫn tới hiện tượng lựa chọn nghịch và làm tài sản kém thanh khoản.
Trong nghiên cứu của mình tác giả John Nofsinger (ĐH Alaska Anchorage, Hoa Kỳ) đã kiểm định mức độ cạnh tranh của ngân hàng ảnh hưởng như thế nào tới tốc độ điều chỉnh mục tiêu của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy nếu mức độ cạnh tranh của ngân hàng cao thì các doanh nghiệp quy mô nhỏ, các danh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp địa phương có thể có được tốc độ điều chỉnh nhanh hơn.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều các tham luận thu hút sự quan tâm của các học giả, nhà khoa học cũng như giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.
Các chuyên gia giao lưu, trao đổi bên lề hội thảo
Bên lề các hoạt động học thuật của hội thảo, các học giả, nhà khoa học đã tham gia chương trình tham quan Hà Nội (city tour), cũng như thưởng thức ẩm thực, nét văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trong buổi Gala Dinner. Đây là cơ hội tốt để các học giả quốc tế có cái nhìn rộng hơn về đất nước con người Việt Nam, cũng là dịp để giao lưu, trao đổi và xây dựng mạng lưới khoa học toàn cầu. Đây cũng là cơ hội kết nối hợp tác/giao lưu cho giảng viên, đội ngũ cán bộ Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Hội thảo cũng mang lại cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh của Trường ĐH Kinh tế nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung đến với mạng lưới học giả quốc tế.
Để đạt được kết quả và thành công này, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, đặc biệt là Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển đã nỗ lực trong công tác chuẩn bị và xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo từ cách đây 1 năm. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia và phối hợp của các đơn vị trong toàn trường, sự đóng góp về chuyên môn của đông đảo cán bộ giảng viên và đội ngũ cộng tác viên là sinh viên tình nguyện của Khoa Tài chính - Ngân hàng.
Các học giả làm việc tại khuôn viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Kết thúc chương trình hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía đối tác, các chuyên gia, học giả trong nước và nước ngoài về chất lượng chuyên môn của Hội thảo cũng như công tác tổ chức chuyên nghiệp.
Một số hình ảnh của hội thảo đã được đăng tải trên trang
Thư viện ảnh của website này. Thông tin chi tiết về chương trình hội thảo và các bài viết được đăng trên
trang web của hội thảo (tham khảo mục Program).
_______________