Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động của cụm, khu công nghiệp đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hưng Yên”

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu đến tham dự
Ngày 2/6/2016 vừa qua, tại Hưng Yên, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động của cụm, khu công nghiệp đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hưng Yên”.


Tham dự hội thảo có ông Vũ Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên; PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Chủ nhiệm đề tài; TS. Trần Thế Nữ - Phó Chủ nhiệm Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cùng các thành viên nhóm nghiên cứu thuộc hai khoa: Tài chính - Ngân hàng và Kế toán - Kiểm toán.

Tham dự hội thảo còn có hơn 40 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Hưng Yên, đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên, đại diện lãnh đạo huyện và người dân trong và ngoài cụm, KCN, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài cụm, KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Buổi hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia thực tiễn, nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý trong và ngoài KCN, cụm công nghiệp, các cơ quan quản lý của tỉnh về các giải pháp nhằm tăng cường tác động tích cực cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của cụm, KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Các kết quả nhằm phục vụ thực hiện nội dung: “Giải pháp phát huy tác động tích cực và hạn chế tiêu cực của KCN đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở Hưng Yên” và nội dung: “Đào tạo và cẩm nang đào tạo” của đề tài: “Đánh giá tác động của cụm, khu công nghiệp đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hưng Yên”.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày các báo cáo đánh giá với 3 nội dung chính: (i) Tổng quan tác động của cụm, khu công nghiệp tới phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên; (ii) Tác động của cụm, khu công nghiệp tới doanh nghiệp và người lao động trong cụm, khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và (iii) Tác động của cụm, khu công nghiệp tới doanh nghiệp và người dân ngoài cụm, khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên. Các báo cáo đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao từ các đại biểu tham dự.

Sau phần trình bày của nhóm nghiên cứu, phần trao đổi đã diễn ra trong không khí sôi nổi, tích cực và thẳng thắn với nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho việc hoàn thiện báo cáo đề tài.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó ban Quản lý khu công nghiệp nhận định: báo cáo đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về tác động của cụm, khu công nghiệp tới phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hưng Yên. Ngoài những thực trạng mà nhóm nghiên cứu phân tích, từ góc nhìn của Ban quản lý khu công nghiệp, ông cũng bổ sung thực trạng về “sự kết nối lỏng” giữa các doanh nghiệp trong cụm, khu công nghiệp dẫn đến người lao động chưa được hưởng lợi trong chuỗi lợi ích sản xuất kinh doanh và tính “lan tỏa kém” về mặt công nghệ trong khu công nghiệp.
Ông Vũ Kim Bảng - Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Hào phát biểu tại hội thảo


Tham gia góp ý, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm và ông Vũ Kim Bảng - Phó chủ tịch UBND Huyện Mỹ Hào cùng có chung ý kiến là đề tài nên phân tích sâu hơn về các tác động tiêu cực của cụm, khu công nghiệp tới môi trường, xã hội, cơ sở hạ tầng tại địa phương. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và là vấn nạn nhức nhối đối với chính quyền địa phương và người dân trong khu vực.

Đồng ý với ý kiến từ hai huyện Văn Lâm và Mỹ Hào, đại diện Sở Tài Nguyên - Môi trường cũng gợi ý nhóm nghiên cứu nên có thêm những cuộc khảo sát, điều tra sâu các cụm, khu công nghiệp về việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, bao gồm cả các cụm, khu công nghiệp đã có và chưa có hệ thống xử lý nước thải. Đại diện Sở Tài Nguyên - Môi trường cũng tỏ ý sẵn lòng hợp tác với nhóm nghiên cứu để tiến hành các khảo sát nói trên.

Để góp ý cho đề tài, Đại diện Sở Công thương và Sở Xây dựng cho rằng nhóm nghiên cứu đã đánh giá rất chi tiết tác động của các khu công nghiệp nhưng cần đánh giá sâu thêm về tác động của cụm công nghiệp. Đại diện Sở Xây dựng cho rằng: sự phù hợp về quy hoạch (vị trí, quy mô, phân bố chức năng của các KCN) cũng nên được xem xét đánh giá. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp về quy hoạch quỹ đất để xây dựng các công trình dân sinh, phục vụ nhu cầu của công nhân và người dân địa phương có cụm, khu công nghiệp.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm đề tài gửi lời cảm ơn các đại biểu. Thay mặt nhóm nghiêm cứu, bà đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu cho đề tài và và sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến để hoàn thiện các báo cáo tiếp theo.

Theo kế hoạch, tháng 6 tới đây, nhóm nghiên cứu sẽ tới khảo sát, nghiên cứu bài học kinh nghiệm tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore VSIP Bình Dương; sau đó tiếp tục tổ chức hội thảo lần 2 với đề tài: “Giải pháp phát huy tác động tích cực và hạn chế tiêu cực của KCN đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở Hưng Yên” và tổ chức khóa đào tạo cho lãnh đạo sở/ban/ngành liên quan về chuyển giao phương pháp đánh giá tác động kinh tế xã hội của các cụm, khu công nghiệp ở Hưng Yên vào tháng 8 năm 2016.

Bảo Ngọc (Khoa TCNH)