Sáng ngày 9/3/2018, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã mời Giáo sư Hermann Waibel (từ Đại học Leibniz University Hannover, Đức) và đoàn nghiên cứu của Dự án Điều tra Panel Kinh tế Xã hội Thái Lan - Việt Nam (TVSEP) tới thỉnh giảng cho các sinh viên của Khoa.
Tham dự buổi thỉnh giảng, về phía Khoa Kinh tế Phát triển có TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm khoa, ThS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà - Quyền trưởng Bộ môn Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, ThS. Lương Thị Ngọc Hà - Giảng viên bộ môn Chính sách công. Đoàn nghiên cứu tham dự buổi thỉnh giảng còn có PGS.TS. Nguyễn Trung Thành - Điều phối nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam và cô Mai Thanh Tú - Quản lý thu thập số liệu. Buổi thỉnh giảng đã thu hút hơn 30 bạn sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học.
TVSEP là dự án điều tra kinh tế - xã hội ở hai quốc gia Thái Lan và Việt Nam do Giáo sư Hermann Waibel làm trưởng nhóm điều phối phụ trách thu thập và quản lý dữ liệu. Dự án do Quỹ Khoa học Quốc gia Đức tài trợ, được tiến hành hàng năm từ 2007 và dự kiến kéo dài tới năm 2024. Dự án TVSEP điều tra lặp lại với khoảng 2.000 hộ gia đình gồm 10.000 người thuộc 110 xã của 3 tỉnh Đăk Lăk, Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh.
Giáo sư Hermann Waibel đã có bài thuyết trình về: “Sử dụng bộ số liệu điều tra panel về kinh tế - xã hội của hộ gia đình để thúc đẩy phát triển nông thôn ở Việt Nam”. Bài giảng bàn về 3 vấn đề cơ bản bao gồm: (1) Một số vấn đề chung về phát triển kinh tế và đói nghèo và Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội ở các nước Châu Á hiện nay nói chung và Việt Nam nói riêng; (2) Một số thách thức và triển vọng đối với phát triển kinh tế ở vùng nông thôn Việt Nam; (3) Vai trò của bộ số liệu TVSEP trong nghiên cứu phát triển và tư vấn chính sách.
Ông cho rằng Việt Nam còn có nhiều tiềm năng để phát triển, giống như bài học từ các quốc gia trong khu vực như Singapore, Nhật Bản. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển nói chung hiện nay trong phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo là năng suất lao động có xu hướng giảm (trong khi năng suất ở các nước phát triển lại tăng), tác động của khủng hoảng giá lương thực thế giới và chuyển dịch cơ cấu tiêu dùng lương thực thực phẩm. Do đó, Việt Nam cần phải có những nghiên cứu thực tế đáng tin cậy để có thể đưa ra những chính sách phù hợp với thực trạng phát triển hiện nay và tương lai. Với những thông tin đầy đủ từ các hộ gia đình theo chuỗi thời gian, bộ số liệu TVSEP giúp các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách tại Việt Nam trả lời một loạt câu hỏi về thực trạng kinh tế hộ gia đình cũng như so sánh các chỉ số tương đồng với các quốc gia khác trên thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Trung Thành trao đổi với các giảng viên và sinh viên ĐHKT
Bài thuyết trình thứ hai của PGS.TS. Nguyễn Trung Thành về “Thay đổi về đầu tư cho nông nghiệp và cơ cấu: Bằng chứng từ vùng nông thôn Miền Trung Việt Nam”. Nghiên cứu sử dụng bộ số liệu TVSEP từ năm 2007 đến 2015. Bằng phương pháp định lượng “khác biệt trong khác biệt” tác giả đã xem xét mối quan hệ giữa đầu tư cho nông nghiệp và thay đổi cơ cấu nông nghiệp của hộ gia đình, cũng như tác động của chúng tới mức sống của hộ gia đình (đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập) ở Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu cho thấy dấu hiệu rõ ràng về sự thay đổi cơ cấu ở cấp nông trại và các trang trại lớn hơn có đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp. Tuy nhiên, những cú sốc về thu nhập là rào cản đối với đầu tư nông nghiệp, năng suất cây trồng và do đó cản trở sự thay đổi cơ cấu. Ngoài ra, vật nuôi góp phần giảm nghèo đói và bất bình đẳng về thu nhập, nhưng yếu tố bệnh tật của vật nuôi làm giảm tác động tích cực này.
Với những kiến thức rất thực tế, hai bài trình bày đều đã được các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe và mạnh dạn trao đổi với các vị khách mời nhằm mở rộng và làm rõ vấn đề như: lựa chọn địa bàn của điều tra TVSEP tại Việt Nam, phương pháp chọn mẫu, cách thức để xây dựng nghiên cứu sử dụng bộ số liệu TVSEP...
Kết thúc buổi thỉnh giảng, TS. Nguyễn Quốc Việt đã thay mặt các thầy cô giáo và sinh viên của Khoa cảm ơn đoàn đã nhận lời thăm quan và thỉnh giảng tại Khoa Kinh tế Phát triển. Ông cho rằng buổi thỉnh giảng là cơ hội vô cùng quý giá để các bạn sinh viên có thêm những kiến thức về kinh tế phát triển, về nghiên cứu phát triển từ những giáo sư đầu ngành tại những trường đại học lớn của Đức. Ông cũng rất hy vọng trong tương lai, Khoa Kinh tế Phát triển và Trường Đại học Hannover sẽ có nhiều những hợp tác nghiên cứu, đào tạo và trao đổi sinh viên hơn nữa.