Từ ngày 28/10 - 2/11/2018, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự Diễn đàn quốc tế về Cải cách; Hội nhập và Giảm nghèo tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Diễn đàn do chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp tổ chức.
Diễn đàn năm nay có chủ đề “International Cooperation on Poverty Reduction: Building a Community with a Shared Future for Mankind”, là dịp để các đại diện từ các chính phủ, các viện nghiên cứu và các cơ quan phát triển trong khu vực cùng thảo luận và thúc đẩy việc học hỏi các mô hình xóa đói giảm nghèo qua góc nhìn thực tế từ bối cảnh Trung Quốc hậu đổi mới.
Trong hai ngày đầu tiên của chuyến công tác, đoàn đại biểu đã có dịp tới thăm thành phố Thâm Quyến - biểu tượng hiện đại về chính sách cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trong giai đoạn từ 1979 đến 2018, Thâm Quyến đã chuyển mình một cách đáng kinh ngạc từ một thị trấn nằm sát ranh giới Hồng Kông với 30.000 dân đến một trung tâm đô thị công nghệ cao, một cảng giao thương quốc tế quan trọng của Trung Quốc với dân số trên 10 triệu.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành cùng đoàn lần lượt được giới thiệu các điểm tham quan nổi tiếng như Bảo tàng Thâm Quyến, công viên Liên Hoa Sơn, cũng như khu du lịch Làng chài, nơi lưu giữ nguyên vẹn không gian quá khứ của Thâm Quyến càng giúp nhấn mạnh một sự thay đổi mang màu sắc kì tích của thành phố này.
Trong hai ngày Hội thảo chính từ ngày 1-2/11 tại bắc Kinh, các đại biểu, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đã cùng ngồi vào bàn tròn thảo luận, lắng nghe các câu chuyện thay đổi, các bài học rút ra từ quá trình mở cửa, cải cách và xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc. Các khía cạnh được thảo luận bao gồm: Các nhân tố thúc đẩy cải cách, Kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, Hợp tác quốc tế, Vai trò của các tổ chức tài chính trong xóa đói giảm nghèo…
Tham gia hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đã đóng góp những quan sát của mình từ quá trình đổi mới và phát triển tại Việt Nam. Vốn có nhiều nét tương đồng trong văn hóa, địa chính trị, với lịch sử giao thoa trong nhiều thời kỳ, câu chuyện từ Việt Nam đã giúp phản ánh và làm sáng tỏ nhiều bài học quan trọng về quá trình mở cửa và xóa đói giảm nghèo.