Sáng ngày 28/11/2018 tại Khách sạn Sheraton Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức hội thảo “Ứng dụng Bigdata trong phân tích và dự báo kinh tế”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu về “Thu thập giá cả trực tuyến và Ứng báo lạm phát” phối hợp với Trường Đại học Swansea - Vương quốc Anh.
Dự án này thuộc Chương trình kết nối Xây dựng Môi trường Nghiên cứu, trong khuôn khổ chương trình Newton Việt Nam do Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghệ Anh (BEIS) tài trợ và Hội đồng Anh triển khai.
Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo ở các cơ quan Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và các trường đại học về kinh tế. Tham dự hội thảo có bà Anna Pearson - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam; GS.TSKH. Hồ Tú Bảo - Viện trưởng Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; TS. Lê Đăng Trung - Tổng Giám đốc Công ty RTAnalytics, bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành phát biểu khai mạc hội thảo
Mở đầu hội thảo là phát biểu khai mạc của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành và phát biểu chào mừng của bà Anna Pearson, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam. Tiếp đến là phần trình bày các nội dung chính của hội thảo.
Hội thảo được chia làm hai phiên tập trung vào Ứng dụng của Bigdata trong phân tích và dự báo kinh tế. Phiên đầu tiên với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu trực tuyến trong phân tích và dự báo” được điều hành bởi PGS.TS. Nguyễn Đức Thành. Trong phiên này, các nhà nghiên cứu, đại diện Vụ thống kê giá và đại diện doanh nghiệp đã trình bày 3 tham luận. Tham luận đầu tiên của GS.TSKH. Hồ Tú Bảo với chủ đề “Dữ liệu lớn trong kinh tế số” đã mang lại cái nhìn tổng quan về Bigdata trong nền kinh tế thời đại công nghệ số.
GS.TSKH. Hồ Tú Bảo trình bày tham luận tại hội thảo
GS.TSKH. Hồ Tú Bảo đưa ra những minh chứng rõ ràng về thời đại chuyển đổi số khi mọi hoạt động trong thế giới thực đều được tính toán, điều khiển trên không gian số, điều này đã làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống con người. Đồng thời, ông cũng khẳng định, nền kinh tế số đang thay đổi rất nhanh do sự kết nối giữa con người, tổ chức và máy móc đang tăng lên nhờ Internet, các công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI). Mảng hoạt động này ở Việt Nam vẫn còn sơ sài nhưng hứa hẹn nhiều khả năng phát triển trong tương lai, khi khoa học dữ liệu được đưa vào để vận hành doanh nghiệp.
Trong các bài tham luận tiếp theo, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê đã giới thiệu về dự án phát triển chỉ số giá bất động sản ở Việt Nam. Dự án này đang được thực hiện bởi Vụ thống kê giá. Trong đó, dự án đã sử dụng nguồn dữ liệu bigdata từ các tin rao bán hoặc cho thuê bất động sản để xác định những yếu tố ảnh hưởng tới giá của bất động sản tại từng khu vực, từ đó tính toán chỉ số giá bất động sản ở Việt Nam. Bài tham luận cuối cùng của phiên một được trình bày bởi TS. Lê Đăng Trung - Tổng Giám đốc Công ty RTAnalytics. Với góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ, qua tham luận về “Ứng dụng công nghệ trong phân tích và dự báo”, TS. Lê Đăng Trung đã đưa ra những ví dụ về việc sử dụng dữ liệu lớn trong nhiều ngành kinh tế đồng thời khuyến khích số hóa hoạt động nghiệp vụ thông qua sử dụng phần mềm trong lĩnh vực hành chính công, quản lý, điều hành doanh nghiệp và sản xuất…
Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - Tổng cục Thống kê
Phiên hai của hội thảo với chủ đề “Thu thập giá cả trực tuyến và ứng báo lạm phát” thu hút sự chú ý của đại biểu tham dự với phần trình bày của bà Đỗ Thị Ngọc về Phương pháp biên soạn chỉ số giá tiêu dùng và PGS.TS. Nguyễn Đức Thành về Thu thập giá cả trực tuyến và ứng báo lạm phát.
Tham luận của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra những kết quả thú vị về dự án nghiên cứu “Thu thập giá cả trực tuyến và ứng báo lạm phát”. Trong đó, các chuyên gia đã sử dụng dữ liệu lớn từ các website thương mại điện tử tại Việt Nam để tính toán chỉ số giá tiêu dùng CPI. Kết quả nghiên cứu cho thấy những điểm tương đồng trong chỉ số giá của nhóm lương thực, thực phẩm và những điểm khác biệt trong chỉ số giá của các nhóm sản phẩm khác so với cách tính CPI truyền thống.
Các tham luận của hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu về dữ liệu lớn và đại diện doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi về phương pháp tính, sai số và kỹ thuật xử lý số liệu được đặt ra với các diễn giả.