Ngày 11/4/2019 tại khách sạn Sheraton Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2019". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).
Kể từ năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã bắt
đầu công bố rộng rãi, định kỳ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô hàng Quý nhằm cập
nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt
Nam. Các buổi tọa đàm này được đóng góp ý kiến, chia sẻ từ rất nhiều
chuyên gia và thu hút sự quan tâm của báo chí.
Buổi tọa đàm có sự
tham gia của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh
tế và Chính sách, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, Trưởng Bộ
môn Kinh tế Vĩ mô, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội
cùng các chuyên gia gồm: TS. Nguyễn Trí Hiếu; TS. Phạm Văn Đại và đại
diện các cơ quan báo chí.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phát biểu khai mạc sự kiện Mở đầu toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đã có bài phát biểu chào mừng khách mời tham dự tọa đàm. Ông đánh giá cao những nỗ lực mà đội ngũ
VEPR đã dành để xây dựng các số báo cáo Kinh tế Quý trong thời gian qua,
cũng như bày tỏ hy vọng vào một tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục
khởi sắc trong các quý tiếp theo của năm 2019.
Trong báo cáo chỉ rõ, sau tuyên bố đình chiến thương mại Mỹ - Trung
và Fed quyết định không nâng lãi suất, giá bán USD của các ngân hàng gần
như ổn định. Tỷ giá trung tâm của NHNN tiếp tục đà tăng nhẹ từ đầu Quý
4/2018 cho đến hết Quý 1/2019. Cụ thể, tỷ giá ngày 31.3.2019 đạt 22.976
VND/USD, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Về tình hình các DN,
trong khi số DN thành lập mới và số việc làm tạo mới không tăng nhiều
so với quý 4/2018, số tạm ngừng hoạt động trong quý lại cao bất thường
nhất là trong tháng 1/2019 với 23.082 DN, cao nhất trong 10 năm trở lại
đây.
Về lạm phát, PGS.TS Phạm Thế Anh, đại diện nhóm nghiên cứu
của VEPR cho hay, lạm phát bình quân quý 1/2019 tăng 2,63% chủ yếu do sự
gia tăng của giá năng lượng. “Trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới lên
xuống thất thường, cùng với việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên
xăng dầu từ 1/1/2019, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần theo dõi rủi ro lạm
phát trong thời gian tới để có những biện pháp ứng phó phù hợp”, PGS.TS
Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Bản báo cáo cũng cho biết, đầu quý 1/2019, Ngân hàng Nhà nước đã bắt
đầu mua ròng ngoại hối, linh hoạt giải quyết được nhu cầu VND trong đợt
Tết và gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Nguyên nhân là nhờ tỷ giá
thị trường ngoại tệ trong quý 1 ổn định, nguồn cung ngoại tệ đầu năm
dồi dào, thanh khoản trên thị trường tốt. Báo cáo cũng chỉ ra, so với
cùng kỳ năm 2018, lãi suất liên ngân hàng quý 1/2019 có xu hướng cao,
biên độ dao động hẹp hơn trong khoảng 3,38% (giữa tháng 1) cho tới 5,6%
(cuối tháng 2 - trước Tết Nguyên đán). Tương tự như quý 1/2018, lãi suất
liên ngân hàng đạt ngưỡng cao nhất quý tại thời điểm cận Tết do nhu cầu
vốn vay ngắn hạn tăng cao. Sau mùa cao điểm tới cuối quý 1/2019, lãi
suất chỉ còn 3,32%. Nguyên nhân của sự gia tăng lãi suất liên ngân hàng
là do đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc và biến động nguồn tiền gửi từ các
ngân hàng lớn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu trong phiên thảo luận
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt
buộc sẽ làm mất đi một phần thanh khoản cho các ngân hàng, khi đó các
ngân hàng phải đẩy lãi suất lên để thu hút tiền gửi. Đây là điểm góp
phần tăng lãi suất, tuy nhiên việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa
các ngân hàng phải gửi một khoản tiền với Ngân hàng Nhà nước và khi các
ngân hàng cần tiền có thể lấy ra. Về sinh lời thì điều này không tốt
nhưng để duy trì ổn định cho ngân hàng thì đây là điều tích cực.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị chính sách
tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế. Ưu tiên hàng
đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú
sốc bên ngoài.
Lãi suất nên được giữ mức ổn định tạo điều kiện cho
doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn, đặc biệt đối với các ngành
đang trên đà tăng tưởng và tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, việc hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng cũng
cần được tiếp tục tiến hành.
Lạm phát quý 1/2019 mặc dù ở mức vừa
phải nhưng có xu hướng tăng trước những điều chỉnh giá điện và xăng dầu
gần đây. Tác động của các cú sốc này tới giá cả trong nước có thể kéo
dài tới nhiều tháng tiếp theo nên đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ
phía Ngân hàng Nhà nước đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong
thời gian tới.