Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Doanh nghiệp do nữ điều hành có khả năng giám sát và quản trị rủi ro tốt hơn

Buổi công bố kết quả thu hút đông đảo nữ doanh nhân
Ý kiến trên được đông đảo đại biểu đưa ra tại buổi công bố kết quả nghiên cứu dự án “Trao quyền cho phụ nữ trong quản trị doanh nghiệp - nghiên cứu so sánh giữa Úc và Việt Nam ngày 31/7 tại trụ sở CPA Úc tại Việt Nam.


Dự án do hai nhà khoa học PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng và TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN thực hiện.

Tham gia buổi công bố kết quả nghiên cứu có sự tham gia của đại diện các tổ chức phụ nữ, doanh nghiệp như bà Trần Thiên Hương - Trưởng đại diện CPA Úc tại Việt Nam; bà Đinh Tuyết Nhung - Phó ban Kinh tế, Hội Phụ nữ Việt Nam; bà Trịnh Thị Giới - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Thanh Hóa; chị Lê Thị Thu Hường - Giám đốc Công ty Sao Vàng Lạng Sơn cùng rất nhiều nữ đại diện doanh nghiệp khác.

Dự án được hai nhà khoa học nghiên cứu từ 3 tháng trước và đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát phỏng vấn sâu tại Úc, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hưng Yên.

 Bà Trần Thiên Hương - Trưởng đại diện CPA Úc tại Việt Nam đánh giá cao vai trò dự án đối với xã hội

Mở đầu, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy đã trình bày tổng quan về trao quyền cho phụ nữ trong quản trị doanh nghiệp. Bà Thúy chỉ ra rằng, tại Việt Nam trong tất cả các vị trí trong hội đồng quản trị của 100 tập đoàn hàng đầu chỉ có 130 người hoặc tương đương 19% là phụ nữ, trung bình phụ nữ có xu hướng chiếm khoảng 20% trong ban giám sát của các công ty cá nhân.

 
 TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy cho rằng tỷ lệ nữ doanh nhân Việt Nam thành đạt cao hơn cả ở Nhật Bản 16%

Các ngành công nghiệp có tỷ lệ phụ nữ cao trong ban giám sát là dịch vụ tiêu dùng (trong đó phụ nữ chiếm khoảng 45% số ghế trong hội đồng quản trị), phân bón (chiếm 40%) và truyền thông (40%). Ngược lại phụ nữ chiếm 75 số ghế trong ban giám sát trong lĩnh vực năng lượng, 11% số ghế trong lĩnh vực tiện ích và 12% trong số tất cả các vị trí ban giám sát tài chính đa dạng.

 
 Đông đảo nhà khoa học, nữ doanh nhân đến lắng nghe công bố kết quả dự án

Bà cũng chỉ ra rằng các yếu tố thành công của phụ nữ khá nhiều nhưng ngược lại rào cản cho nữ doanh nhân không phải là ít. Nghị lực và tâm huyết với nghề của phụ nữ được đánh giá cao hơn đàn ông, am hiểu khách hàng, sự tận tâm, vươn lên vì hoàn cảnh gia đình, hỗ trợ của mạng lưới hiệp hội cũng là điểm mạnh của phụ nữ. Đặc biệt, phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp sẽ chi tiết và an toàn hơn, hạn chế được việc thỏa thuận trên bàn tiệc, hoặc đưa ra ra quyết định nhưng lúc không tỉnh táo.

Rào cản với phụ nữ được thể hiện ở chỗ quỹ thời gian hạn hẹp do còn phải chăm sóc gia đình, ngoài ra còn là định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội, văn hóa kinh doanh và sự thiếu tin tưởng của chồng, gia đình chồng khi làm kinh doanh. Tỷ lệ này ở nữ doanh nhân Việt Nam cao hơn so với mặt bằng chung trên thế giới.

Bà Trịnh Thị Giới, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Thanh Hóa chia sẻ tại khán phòng, “Định kiến về giới là rào cản lớn nhất để phụ nữ làm kinh doanh, nói đơn giản như phụ nữ mà đẻ con gái thì sẽ ít được gia đình chồng ủng hộ trong công việc, thậm chí đẻ con trai nhưng dành nhiều thời gian cho công việc không chăm sóc chu đáo được cho con cũng sẽ không nhận được sự hài lòng từ nhà chồng. Phụ nữ Việt Nam có đức tính cam chịu, nhẫn nại vậy nên thường cố chịu đựng, không muốn phân bua với chồng làm cho việc kinh doanh nhiều lúc đang lên mà phải bỏ dở".

 Bà Trịnh Thị Giới cho rằng định kiến giới ở Việt Nam còn khá nặng nề, tư tưởng trọng nam - khinh nữ tồn tại ở hầu hết các gia đình

 Các đại biểu đều cho rằng phụ nữ làm doanh nghiệp an toàn, ít rủi ro hơn nam giới

Các tham luận trong khán phòng đều có chung quan điểm rằng nên trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ trong quản trị doanh nghiệp, khảo sát tại một số tập đoàn lớn có nữ doanh nhân đứng đầu đều cho thấy sự phát triển vượt bậc và cực kỳ an toàn điển hình như bà Mai Kiều Liên tại Vinamilk, bà Ba Huân, Công ty Ba Huân…
Tổng kết kết quả nghiên cứu, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú nêu ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như cần điều chỉnh hành vi từ khi còn nhỏ thông qua giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội, tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ từ các hiệp hội, tăng cường hỗ trợ từ Chính phủ và phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng như tỷ lệ phụ nữ trong hội đồng quản trị đạt trên 30%.
 PGS.TS Trần Thị Thanh Tú nêu ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

 
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Văn Công