Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Hội thảo “Cách mạng công nghiệp – Tiếp cận dưới góc độ Kinh tế Chính trị”

Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài Trường
Sáng ngày 24/9/2020, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo “Cách mạng công nghiệp – Tiếp cận dưới góc độ Kinh tế Chính trị”.


Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Đinh Quang Ty - Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, PGS.TS Lê Danh Tốn - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế - ĐHQGHN; PGS.TS Phạm Văn Dũng - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; PGS.TS Hà Quang Thụy - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN; TS. Phạm Duyên Minh - Trưởng khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng cùng các giảng viên đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Về phía Khoa Kinh tế Chính trị có PGS.TS Trần Đức Hiệp - Chủ nhiệm khoa cùng các giảng viên trong Khoa.

 

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Trần Đức Hiệp gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học đã dành thời gian để đến tham dự Hội thảo, đặc biệt là 3 diễn giả đã dày công chuẩn bị tham luận. PGS.TS Trần Đức Hiệp cho biết, với mục đích nhận diện cách mạng công nghiệp lần thứ tư dưới góc độ kinh tế chính trị; những điều kiện cần thiết để tiếp cận và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp này; những cơ hội, thách thức và định hướng lớn nhằm thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, hội thảo giúp các giảng viên nhận thức đầy đủ hơn về cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn Kinh tế Chính trị Mác - Lênin.

 

PGS.TS Trần Đức Hiệp phát biểu khai mạc Hội thảo

Sau phần phát biểu khai mạc của PGS.TS Trần Đức Hiệp, TS. Đinh Quang Ty đã trình bày một số nội dung về các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử, đặc biệt là đặc trưng của các cuộc cách mạng đó và chỉ ra những điểm khác biệt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ông cũng cho biết, cách mạng công nghệ là cách mạng về thể chế, cạnh tranh qua công nghệ, đặc trưng liên quan đến tư liệu sản xuất gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. “Cạnh tranh dựa vào công nghệ đang là lợi thế lớn nhất, 4.0 còn là cuộc cách mạng gắn với thể chế, gắn với những thay đổi lớn về quan hệ sản xuất” TS. Đinh Quang Ty nhấn mạnh.

 

TS. Đinh Quang Ty trình bày một số vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0

Đứng ở góc độ là một chuyên gia về công nghê, PGS.TS Hà Quang Thụy cho rằng giữa công nghệ và kinh tế chính trị có mối quan hệ khăng khít với nhau và không tách rời nhau. Trong thời đại 4.0, doanh nghiệp phải có chiến lược về công nghệ, con người, đạo đức trong chuyển đổi số và nắm được bản chất chuyển đổi số thì mới có thể thành công. Các công ty công nghệ là lực lượng lạc quan còn các lực lương khác có thể lại bi quan, nếu như không có một sự bám sát lẫn nhau thì dễ dẫn đến thất bại. PGS.TS Hà Quang Thụy còn đưa ra những vấn đề thảo luận về cách tính năng suất lao động phù hợp hơn trong thời đại 4.0.

PGS.TS Hà Quang Thụy trình bày tham luận tại Hội thảo

Diễn giả thứ ba trình bày tham luận là TS. Đinh Thế Thuận, Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Chính trị. Ông đã trình bày một số vấn đề kinh tế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0. Một số vấn đề chính được ông đề cập đến đó là: Vấn đề công nghiệp hóa gắn với kinh tế tri thức, vấn đề sở hữu và thành phần kinh tế, vấn đề quản lý kinh tế Nhà nước, vấn đề phân phối, quan hệ lợi ích và vấn đề lựa chọn chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế. TS. Thuận cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm phân hóa mạnh mẽ lực lượng lao động, lực lượng lao động sẽ chia ra thành nhóm có ý tưởng sáng tạo, nhóm kỹ sư, công nghệ có tay nghề và nhóm lao động phổ thông. Sự chênh lệch thu nhập sẽ ngày càng sâu sắc.

 

TS. Đinh Thế Thuận nêu ra một số vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam

Sau các phần trình bày của diễn giả, Hội thảo đã nhận được các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để làm rõ nhiều vấn đề. Tuy buổi hội thảo chỉ diễn ra trong một buổi sáng nhưng thật ý nghĩa với các nhà khoa học, các đại biểu từ các trường đại học, các giảng viên và nghiên cứu sinh của Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đai học Kinh tế - ĐHQGHN thông qua những chia sẻ thẳng thắn và tập trung.

PGS.TS Phạm Văn Dũng điều hành các cuộc thảo luận tại Hội thảo 

Hội thảo nằm trong chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên Khoa Kinh tế Chính trị nói riêng và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung.

 Các nhà khoa học chăm chú lắng nghe tham luận


Văn Công - Hương Lan