Chỉ diễn ra chính thức trong vòng 4 ngày (từ 25 - 28/8/2010) nhưng Diễn đàn sinh viên Châu Á 2010 (Global Partnership of Asian Colleges - GPAC) đã khẳng định chất lượng của những sinh viên Châu Á không chỉ qua sự năng động mà còn bởi tri thức mà họ mang tới diễn đàn.
Tham dự diễn đàn lần này có 6 trường đại học danh tiếng của châu Á tham dự bao gồm: Trường ĐHKT – ĐHQGHN; Trường ĐH Keio (Nhật Bản); Trường ĐH Chiba (Nhật Bản); Trường ĐH Meio (Nhật Bản); Trường ĐH Seoul (Hàn Quốc); Trường ĐH Chengchi (Đài Loan).
Trường ĐHKT với tư cách là chủ nhà của Diễn đàn sinh viên châu Á 2010 đã gây ấn tượng với sự đón tiếp rất nồng hậu và tổ chức chuyên nghiệp. Ngoài những buổi gặp gỡ, giao lưu bên lề, các thành viên của nhà trường cũng đã giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế thông qua việc thăm quan Bảo tàng dân tộc học, các điểm du lịch của Hà Nội và di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Sau 1 ngày làm quen, Diễn đàn sinh viên châu Á 2010 đã chính thức khai mạc với buổi thảo luận giữa các giáo sư của 6 trường đại học với 150 sinh viên quốc tế với chủ đề “Các nước Châu Á cần hành động như thế nào để duy trì sự phát triển tự lực”. Ngoài những nhận định về tình hình kinh tế thế giới, các giáo sư cũng đã chia sẻ ác phương pháp học tập, nghiên cứu mà mình có được cho sinh viên. Với kinh nghiệm của mình, các giáo sư đều khẳng định, sinh viên các nước châu Á có lợi thế được học tập và thử sức trong một nên kinh tế trẻ, năng động. Tuy nhiên, những kinh nghiệm, bài học có được từ các nước châu Âu cũng rất cần thiết và đáng để học hỏi. Vì vậy, điều quan trọng với những sinh viên ưu tú tham gia diễn đàn này chính là phải trau dồi kiến thức kinh tế thế giới, giỏi ngoại ngữ để giao tiếp và học hỏi bạn bè quốc tế. Và quan trọng hơn hết chính là tự tin vào khả năng bản thân. Buổi trao đổi khá cởi mở này đã nhận được sự tán dương cũng như các ý kiến chia sẻ của các sinh viên.
Ngay sau buổi gặp gỡ và trao đổi mang tính chia sẻ của các giáo sư, 150 sinh viên quốc tế tham dự diễn đàn đã bắt tay vào “công việc” của mình. Đó là chia nhóm, thảo luận và đưa ra các đề tài liên quan đến nền kinh tế thế giới. Sau khi thống nhất đề tài và tổ chức thảo luận, các nhóm sinh viên sẽ thuyết trình trước các giáo sư kinh tế về đề tài của mình. Các chủ đề chính được các nhóm sinh viên tập trung vào bao gồm: Kinh tế thị trường; Kinh tế quốc tế; Tài chính quốc tế; Đầu tư và thương mại quốc tế; Kinh tế lao động phổ thông; Kinh tế học vi mô; Những thách thức đối với nhà quản lý; Du lịch và kinh tế. Với khả năng giao tiếp tiếng Anh chuyên ngành kinh tế thuần thục, các nhóm sinh viên đã thực hiện xuất sắc các bài thuyết trình của mình và gây được sự chú ý của các giáo sư chuyên ngành kinh tế. Đa số các nhận xét cho rằng, các sinh viên đã sử dụng các công cụ hiện đại, thông tin, số liệu cụ thể… Điều đó đã mang lại 1 bài thuyết trình xuất sắc.
Cũng liên quan đến diễn đàn GPAC, Trường ĐHKT đã gây ấn tượng khi tổ chức hai bữa tiệc chào đón và chia tay gây nhiều cảm xúc đối với các trường bạn. Ngày 24/8, trong buổi gặp mặt đầu tiên giữa thành viên các đoàn, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã nhiều lần phải dừng bài phát biểu chào mừng khi các sinh viên bên dưới cảm thấy thực sự phấn khích vì nhận được những lời chào thân tình. Cũng trong buổi lễ đó, GS. Haruo Shimada, Hiệu trưởng Trường ĐH Chiba cũng khiến không khí trở nên sôi động hơn khi liên tục khiến sinh viên các trường ồ lên thích thú vì màn giới thiệu toàn thể quan khách có mặt tại hội trường.
Còn tại bữa tiệc chia tay, khi tất cả đã trở nên thân thiết hơn sau 4 ngày làm việc cũng như giao lưu, không khí đã thật sự cởi mở. Không còn bất kỳ khoảng cách nào giữa các sinh viên các nước. Các giáo sư của 6 trường đại học tham dự diễn đàn cũng rất hòa đồng trong mọi cuộc vui của sinh viên. Mặc dù chỉ có vài tiếng ngắn ngủi nhưng những cái ôm chặt, những nụ cười tươi đã khẳng định tình đoàn kết giữa các sinh viên Châu Á.
Bên lề Diễn đàn sinh viên Châu Á 2010, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn đã có một số buổi gặp mặt, làm việc, trao đổi học thuật và thông tin với đại diện các trường. Theo đó, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn đã giới thiệu về sự hình thành và phát triển Trường Đại học Kinh tế nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung, cơ hội hợp tác của nhà trường trong công tác đào tạo, chất lượng sinh viên… Ngoài ra, với tư cách là những nhà nghiên cứu kinh tế, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng đã trao đổi các thông tin về kinh tế giữa Việt Nam với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… qua đó đánh giá tiềm năng quan hệ về kinh tế giữa các bên. PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, qua diễn đàn lần này, các bên không chỉ hiểu nhau hơn mà còn tìm thấy cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực đào tạo nhân lực quản lý kinh tế chất lượng cao.