Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Triển vọng cho phát triển xanh

Ngày 8/11/2012, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức buổi seminar với hai bài giảng của TS. Tim DiMuzio (Giảng viên Trường ĐH Wollogong - Australia) và TS. Nguyễn Thị Kim Anh (Giảng viên Khoa KT&KDQT, Trường ĐH Kinh tế).


Tham dự buổi seminar có bà Elodie Journet - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Australia; TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT cùng các chuyên gia nghiên cứu kinh tế, cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN.
Đây là buổi seminar nằm trong chuỗi các bài giảng kiến thức đại chúng do Đại sứ quán Australia phối hợp tổ chức cùng các trường đại học, viên nghiên cứu ở Việt Nam. Tại đây, bà Elodie Journet - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Australia và TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã phát biểu nêu rõ bối cảnh và sự cần thiết của những hội thảo cùng mục đích.
Mở đầu phần thuyết trình, TS. Tim DiMuzio - Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế và Chính sách Công tại Trường ĐH Wollogong đã có bài thuyết trình chủ đề “Triển vọng của tăng trưởng xanh: Sự chuyển đổi của nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ 21”. Theo TS. Tim DiMuzio, các nguồn năng lượng ổn định và tin cậy là thiết yếu, tuy nhiên lại không đáp ứng đủ với nhu cầu phát triển của con người. Mức tiêu thụ năng lượng giữa các quốc gia không đồng đều, trong đó dầu mỏ chiếm đa số năng lượng hóa thạch. Theo số liệu và dự báo, đến 2020, năng lượng hóa thạch, đặc biệt là dầu mỏ sẽ có nguy cơ cạn kiệt. Do đó, giá cả năng lượng sẽ trở nên đắt đỏ, dẫn đến việc các quốc gia bắt buộc phải tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Sau khi trích lời nhận định của Tổng thống Mỹ Barack Obama “quốc gia nào sản xuất được năng lượng sạch và có thể tái tạo sẽ dẫn đầu trong thế kỷ 21”, TS. Tim DiMuzio đưa ra một số kết luận về triển vọng phát triển cho năng lượng xanh - nguồn năng lượng sẽ thay đổi các nền kinh tế và sản xuất trong tương lai. Năng lượng hóa thạch sẽ được chuyển đổi thành năng lượng xanh bền vững và có thể tái tạo, đảm bảo cho tăng trưởng xanh, thân thiên với môi trường và nhu cầu ngày càng tăng của con người.


TS. Tim DiMuzio - Giảng viên khoa Khoa Quan hệ Quốc tế và Chính sách Công (Trường ĐH Wollogong) trong bài thuyết trình “Triển vọng của tăng trưởng xanh: Sự chuyển đổi của nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ 21”.


TS. Nguyễn Thị Kim Anh - Giảng viên Khoa KT&KDQT, Trường ĐHKT cung cấp nhiều thông tin hữu ích về FDI carbon thấp tại Việt Nam

Tiếp đó, với bài thuyết trình về triển vọng của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào carbon thấp (FDI carbon thấp), TS. Nguyễn Thị Kim Anh đã cung cấp thông tin và chuyên đề sâu hơn về tình hình ở Việt Nam. Cụ thể, phân tích thực tế FDI tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam luôn có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên cùng với đó, năng lượng tiêu thụ cũng tăng theo và dẫn tới tăng phát thải CO2. Mặc dù chưa cam kết giảm phát thải CO2 nhưng nếu không có điều chỉnh về tiêu chí lựa chọn dự án liên quan tới môi trường và đối tác đầu tư, chẳng bao lâu Việt Nam sẽ trở thành bãi thải các dự án có cường độ CO2 cao và thâm dụng năng lượng hóa thạch. TS. Nguyễn Thị Kim Anh cũng đưa ra một số dẫn chứng số liệu về dấu hiệu của FDI carbon thấp, tuy nhiên chưa đáng kể và chưa thực sự bền vững. Tiến sĩ khuyến nghị cần có những giải pháp kịp thời để Việt Nam tránh khỏi tình trạng trở thành bãi thải các dự án ô nhiễm, tăng cường thu hút FDI carbon thấp bởi đây là dòng FDI giúp giảm thiểu phát thải carbon ở các nước nhận đầu tư, qua đó góp phần đối phó với sự nóng lên của trái đất.
Sau phần thuyết trình, các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên và sinh viên tham dự seminar đã chia sẻ ý kiến để cùng nhau nhận thức rõ hơn tình hình năng lượng, thực tế cấp bách của việc giảm khai thác và tiêu thụ năng lượng hóa thạch cũng như thảo luận một số phương án giải quyết các vấn đề môi trường, đảm bảo cho tăng trưởng xanh bền vững.


Hải Đăng