Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 9

Chiều ngày 3/5/2013, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Seminar nghiên cứu kinh tế và chính sách số 9 với chủ đề “Ứng dụng các mô hình VAR và VECM trong phân tích tác động của tỷ giá lên cán cân thương mại Việt Nam 1999-2012”.


Diễn giả là nghiên cứu viên Nguyễn Đức Hùng, Khoa Kinh tế phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I.

Buổi Seminar có sự hiện diện của TS. Lê Kim Sa, ThS. Phạm Minh Thái đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;, ThS. Phạm Văn Đại - Nghiên cứu viên Ngân hàng Hàng hải; cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên đến từ một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Tham luận của ông Nguyễn Đức Hùng đã đề cập tóm tắt một số lý thuyết cơ bản về tỷ giá và cán cân thương mại, tổng hợp các công trình nghiên cứu trước đây, đồng thời đưa ra một cái nhìn sơ lược về thực trạng tỷ giá và thương mại Việt Nam hiện nay. Sử dụng chuỗi số liệu cán cân thương mại song phương của Việt Nam và các quốc gia khác, tỷ giá thực hiệu lực (REER) của Việt Nam từ năm 1999 đến năm 2012 được tính toán lại và so sánh với các kết quả nghiên cứu trước đó. Những tính toán này sau đó được đưa vào các mô hình VAR và VECM nhằm phân tích tác động của tỉ giá thực hiệu lực này lên cán cân thương mại của Việt Nam trong giai đoạn này. Từ kết quả thu được, ông Nguyễn Đức Hùng đã nêu lên một số giải pháp đề xuất nhằm cải thiện tình hình cán cân thương mại của Việt Nam trong tương lai.

Tại phần thảo luận, ThS. Phạm Minh Thái và ThS. Phạm Văn Đại đã đưa ra những góp ý mang tính kỹ thuật rằng bài nghiên cứu còn thiếu sót những giả định hợp lý cần thiết về mối quan hệ giữa các biến trong mô hình. Mặc dù kết quả các hàm phản ứng sau khi chạy mô hình cho thấy sự tác động của tỉ giá lên cán cân thương mại Việt Nam thể hiện đúng lý thuyết đường cong chữ S, nhưng chính bởi chưa có được phương pháp luận đầy đủ và rõ ràng ngay từ đầu, nên tác giả cũng không thể đi xa hơn bằng cách đưa ra được những hàm ý chính sách hợp lý cho Việt Nam. TS. Lê Kim Sa cũng nêu một số nhận định về những vấn đề liên quan đến cán cân thương mại và tỉ giá của Việt Nam, đồng thời dựa trên hướng nghiên cứu của tác giả và đưa ra một số góp ý nhằm giúp tác giả có thể tiếp tục hoàn thiện và phát triển công trìnhnghiên cứu của mình.

Đây là seminar số 9 nằm trong chuỗi seminar trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế và chính sách được tổ chức định kỳ do VEPR chủ trì, với mong muốn đây sẽ là diễn đàn để các nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi với sự hợp tác và hỗ trợ của nhiều tổ chức lớn khác như Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Trung tâm Phân tích và Dự báo (CAF) thuộc VASS; các viện chiến lược ở các bộ (như: Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương); các học viện (Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính) và viện nghiên cứu trong các trường: Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương…


Dương Vân Nga (VEPR)