Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Cán bộ và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham gia GPAC 2009 - Châu Á, đường dẫn đến một mô hình phát triển mới của thế giới

Trong 6 ngày, ngày 25/8 đến 30/8/2009, cán bộ và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự hội thảo quốc tế GPAC 2009 (Global Partnership of Asian Colleges) với chủ đề “Asia, Road to a new world paradigm” (Châu Á, đường dẫn đến một mô hình phát triển mới của thế giới).


GPAC là một hội thảo quốc tế lớn dành cho sinh viên diễn ra thường niên lần lượt tại các quốc gia Châu Á đã có lịch sử 17 năm hoạt động, và được khởi xướng bởi GS. Min Sang Kee, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và GS. Haruo Shimada, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại Chiba, Nhật Bản.
Năm nay, GPAC diễn ra tại Đại học Thương mại Chiba (Chiba University of Commerce), Nhật Bản. Đại diện tham dự GPAC 2009 là các giảng viên, và 116 sinh viên đến từ 7 trường đại học lớn ở Châu Á: Đại học Keio, Đại học Meio, Đại học Thương mại Chiba - Nhật Bản, Đại học Quốc gia Chengchi - Đài Loan; Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc; Đại học Quốc gia Seoul - Hàn Quốc và Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - Việt Nam.
Đoàn tham dự GPAC 2009 của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do ThS. Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Phòng NCKH&HTPT dẫn đầu cùng 4 sinh viên, trong đó có 3 sinh viên lớp QH-2008-E chương trình đào tạo cử nhân đạt trình độ quốc tế ngành QTKD (Trịnh Tuấn Anh, Nguyễn Quốc Tú, Nguyễn Linh Phương) và 1 sinh viên lớp QH-2007-E CLC Kinh tế quốc tế (Nguyễn Thị Loan).
GPAC 2009 bao gồm 7 chủ đề thảo luận lớn bao gồm (I): Tài chính và Kinh tế tiền tệ trong đó tập trung vào các vấn đề khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, những vấn đề mới phát sinh của các thị trường tài chính quốc tế, nghiên cứu tìm kiếm một hệ thống kiểm soát tài chính mới hiệu quả: chính sách của mỗi quốc gia và vai trò của hợp tác quốc tế; (II) Kinh tế vĩ mô và nền kinh tế toàn cầu trong đó tập trung vào các vấn đề suy thoái kinh tế ở các quốc gia và suy giảm đồng loạt toàn cầu, Triển vọng hồi phục của nền kinh tế thế giới, Vai trò của Chính phủ trong khuyến khích nền kinh tế vĩ mô, Những khu vực và ngành kinh tế mũi nhọn mới: Y tế, Nông nghiệp, môi trường và những ngành năng lượng mới; (III) Thương mại và Đầu tư quốc tế tập trung vào các vấn đề như những thay đổi trong phương thức trao đổi thương mại và dòng chảy đầu tư, Thương mại và đầu tư quốc tế và tỷ giá ngoại tệ, Sự nguy hiểm của bảo hộ ngày càng tăng và phương thức hạn chế; (IV) Kinh tế môi trường và phát triển bền vững tập trung thảo luận các vấn đề sự nguy hiểm ngày càng tăng của hủy hoại môi trường, Hậu Hiệp ước Kyoto và những phản ứng kèm theo, Những chiến lược quốc gia và quốc tế để phát triển bền vững, Cách mạng xanh: Kinh tế năng lượng mặt trời và những công nghệ mới; (V) Dân số và Kinh tế lao động tập trung vào các nội dung như Sự bùng nổ dân số thế giới ở các nước đang phát triển: nguồn cung nước và lương thực, Dân số già và giảm đi ở các nước phát triển: dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, Thất nghiệp và sự mất cân đối kinh tế gia tăng, Chiến lược tạo thêm việc làm và tăng cường an ninh; (VI) Những thách thức mới đối với quản lý tập trung thảo luận như những chiến lược quản lý thiết yếu trong suy thoái kinh tế, Sự thay đổi cấu trúc và tổ chức của các ngành kinh tế, vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp và những trách nhiệm xã hội mới; (VII) Du lịch tập trung vào một số nội dung như Kỷ nguyên mới của du lịch quốc tế, Các chiến lược thúc đẩy du lịch trong nước và quốc tế.
Các chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia và người dân đang hết sức nỗ lực để tìm cách vượt qua khủng hoảng kinh tế và các vấn đề suy thoái nghiêm trọng. Để đối mặt với những thách thức này, những ý tưởng sáng tạo và những cuộc thảo luận nghiêm túc dựa trên nền tảng kiến thức, và kinh nghiệm đa dạng của sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau của Châu Á sẽ đặc biệt hữu ích để mở rộng và làm sâu thêm hiểu biết và cách nhìn của các em về vấn đề này.
Bên cạnh việc tham gia chương trình thảo luận và hội thảo, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN còn tham gia vào các hoạt động thể thao, giao lưu văn hóa với sinh viên các nước và đặc biệt được sống cùng các gia đình người Nhật một đêm để hiểu thêm về văn hóa và con người Nhật Bản.
GPAC có một sứ mệnh quan trọng và khả năng lý tưởng để sinh viên ở các quốc gia Châu Á được trao đổi với nhau những vấn đề kinh tế mang tính toàn cầu, thảo luận về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế Châu Á đồng thời chia sẻ với nhau những vấn đề văn hóa, xã hội của mỗi nước. Sinh viên đến từ các quốc gia Châu Á tuy khác nhau về nền tảng kiến thức, tín ngưỡng và lý tưởng song đều có một cơ hội tuyệt vời để hiểu biết sâu sắc hơn về những vấn đề chung và có một niềm tin mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng một thế giới mới trong tương lai.
Đây là lần thứ hai cán bộ và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham dự Hội thảo GPAC.
GPAC 2010 sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đây là một vinh dự và cơ hội để sinh viên Nhà trường giới thiệu Việt Nam, Hà Nội đến với bạn bè quốc tế đồng thời tăng cường khả năng hợp tác với các trường đại học Châu Á trong tương lai.


ThS. Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng phòng NCKH&HTPT, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự GPAC '2009 (ngồi giữa) phát biểu ý kiến tại hội thảo.


Cán bộ và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đại diện cho Việt Nam tham gia Hội thảo GPAC'2009.


Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN giới thiệu về nhà trường với bạn bè quốc tế.


Thuỳ Linh (P.NCKH&HTPT)