Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
“Phương pháp giảng dạy tích cực” hướng đến phát huy vai trò của người học

Sáng ngày 29/10/2014, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo khoa học “Phương pháp giảng dạy tích cực” với sự chủ trì của PGS.TS Hoàng Văn Hải - Chủ nhiệm khoa.


Hội thảo là nơi gặp gỡ và trao đổi các vấn đề về phương pháp giảng dạy tích cực trong đó tư tưởng chủ đạo là hướng vào “kết quả đầu ra”. Chủ đề hội thảo cũng chính là một nội dung quan trọng và hữu ích đối với các giảng viên trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.
TS. Đỗ Tiến Long, giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhiều khóa học ở cấp độ khác nhau, đã có bài tham luận về phương pháp giảng dạy có sự tham gia của người học. Phương pháp này phát huy vai trò của người học vào quá trình tạo ra nhận thức, định hướng đến việc xây dựng năng lực theo khả năng hành động thực tế dựa trên kiến thức, kỹ năng, thái độ, thành tích và đam mê. Triết lý của phương pháp này là “teachership”. Bài tham luận đã đề cập đến mô hình phát triển năng lực thông qua hành động - liên tưởng - tư duy, nhấn mạnh quá trình phát triển từ trong ra ngoài. Người học tự biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân từ đó phát huy và thành công. Nội dung của phương pháp giảng dạy có sự tham gia của học viên sẽ bao gồm quá trình tác động đa chiều thông qua nghe, nói và thực hành, kết hợp thuyết trình và thảo luận. Tiền đề cho sự thành công của phương pháp là sự say mê, đẳng cấp, tính thực tiễn và định hướng vì người học của giảng viên kết hợp với sự ham học, độc lập và cởi mở của học viên. Bài tham luận cũng đưa ra khái niệm “hiệu quả và sự cam kết”, theo đó sự cam kết cao của học viên kết hợp với nỗ lực của giảng viên sẽ tạo ra hiệu quả đào tạo vượt trội so với nỗ lực chỉ từ một phía. Cuối cùng, bài tham luận cho biết quá trình đào tạo là sự học hỏi từ cả hai phía và giáo dục tạo nên nền tảng cho quá trình tự học suốt đời.

TS. Đỗ Tiến Long chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy

Tiếp theo, TS. Nguyễn Đăng Minh chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy của Đại học Uppsala - một trong những đại học hàng đầu thế giới về chất lượng đào tạo. Trên lớp, giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn và để sinh viên tự chủ động trong việc tiến hành tiết học và hoàn thiện mục tiêu tiết học, sinh viên đóng vai trò chủ động hơn trong học tập và nghiên cứu, hơn nữa sinh viên được tiếp cận với những bài học thực tế. Để kích thích tư duy đa chiều và tư duy phản biện, các giáo sư đưa ra nhiều câu hỏi mang tính phản biện và phân tích cao, giúp sinh viên có sự đối chiếu rõ ràng hơn giữa lý thuyết và thực tế. Để áp dụng phương pháp giảng dạy này vào Việt Nam, cần chú ý xây dựng “tâm thế” cho người học tức là nắm vững nguyên tắc “hai thấu, một ý”.

PGS.TS. Đỗ Minh Cương - Giảng viên cao cấp Khoa QTKD đã bày tỏ sự đồng tình với việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, đồng thời chia sẻ cần gắn kiến thức với kinh nghiệm thực tiễn. Người học nên có một buổi đi thực tế tại các doanh nghiệp đối với mỗi môn học, khuyến khích họ quan sát, thu thập thông tin để kiểm nghiệm lý thuyết. Tham gia các chuyến đi thực tế và làm việc theo nhóm sẽ khiến cho người học có tâm trạng vui vẻ, thoải mái và tích cực hơn trong việc học. 

Trong phần thảo luận, hầu hết các ý kiến cho rằng, việc áp dụng phương pháp giảng tích cực với sự tham gia của người học là cần thiết và tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển của trường và xã hội. Tuy nhiên, cần có sự linh hoạt trong mức độ áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cho từng đối tượng học viên và cho từng hình thức đào tạo khác nhau. Ngoài ra, do đặc thù của từng môn học, khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cũng cần cân nhắc đến nội dung và mối liên hệ với thực tiễn của từng môn học. Một điểm hạn chế của phương pháp này là nó chỉ có thể áp dụng hiệu quả với các quy mô nhỏ, đảm bảo được tính tương tác và chủ động của học viên. Đối với quy mô lớp học lớn, việc áp dụng phương pháp này sẽ gặp khó khăn và có yêu cầu cao về học liệu.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Hoàng Văn Hải đã nhấn mạnh đến sự khác biệt xuyên suốt của công nghệ giảng dạy tích cực là “Dạy ít - Học nhiều” và đề nghị các giảng viên của Khoa QTKD từng bước áp dụng một cách sáng tạo phương pháp giảng dạy tích cực vào thực tiễn giảng dạy của mình ở mọi cấp độ khác nhau.


Trần Kim Loan (Khoa QTKD) - Ảnh: Thùy Dung