Tên luận án: Năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Vương Quốc Thắng
2. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
3. Mã số: 62 34 05 01
4. Tên luận án: Năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
5. Tên đơn vị đào tạo sau đại học: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Người hướng dẫn khoa học:
- PGS.TS Trần Anh Tài
- PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân
7. Thông tin chính của luận án:
- Mục đích của luận án: Luận án tập trung xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn, qua đó đề xuất những giải pháp khả thi cũng như các điều kiện cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
- Đối tượng nghiên cứu của luận án: Năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong các doanh nghiệp của ngành, Tập đoàn cao su Việt Nam có vai trò chủ đạo cả về qui mô và định hướng phát triển. Vì vậy, trong một số nội dung phân tích về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt nam, luận án trình bầy và phân tích tình hình của Tập đoàn cao su Việt Nam như là một điển hình nghiên cứu.
- Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận án:
+ Phương pháp nghiên cứu tài liệu.
+ Phương pháp nghiên cứu định tính.
+ Phương pháp điều tra chọn mẫu.
+ Phân tích thống kê và so sánh.
- Những đóng góp mới của luận án, các kết quả đạt được của luận án:
Nét mới của Luận án là nghiên cứu năng lực cạnh tranh của một ngành có thị trường vượt ngoài biên giới. Kết quả cho thấy, năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp và ngành, thậm chí cả bởi các nhân tố quốc tế. Luận án đã có một số đóng góp mới sau đây:
- Về phương diện học thuật: Luận án đã cho thấy mối quan hệ hữu cơ giữa các cấp độ năng lực cạnh tranh: sản phẩm, doanh nghiệp, ngành và quốc gia. Đặc biệt, luận án đã lựa chọn khung lý thuyết phù hợp trên cơ sở phân tích so sánh các tiếp cận lý thuyết khác nhau và xác định và nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam.
- Về phương diện thực tiễn: Luận án đúc kết các bài học về năng lực cạnh tranh của ngành cao su của một số quốc gia - đối thủ cạnh tranh và/hoặc thị trường của cao su Việt Nam. Luận án đã nêu ra một số năng lực cạnh tranh cốt lõi của ngành cao su Việt nam như; (i) cơ cấu sản phẩm đã có những thay đổi theo hướng tích cực; (ii) cơ cấu thị trường xuất khẩu ngày càng được đa dạng hoá và không ngừng được mở rộng; (iii) các doanh nghiệp cao su Việt Nam cũng đã bước đầu giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, một thị trường nhiều tiềm năng nhưng cũng có rất nhiểu rủi ro. Đặc biệt, luận án đã làm rõ những hạn chế của ngành cao su Việt Nam, điển hình như quy mô xuất khẩu cao su còn nhỏ trong khi giá sản phẩm lại thấp; chất lượng và nhất là cơ cấu sản phẩm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Một cách tổng thể, thị trường mới chỉ dừng ở mức độ phát triển theo chiều rộng mà chưa chú ý đúng mức phát triển mạnh theo chiều sâu.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam, luận án đã đề xuất quan điểm và các giải pháp phù hợp với bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, luận án đã xây dựng mô hình chuỗi giá trị cho ngành cao su Việt Nam và qua đó, khẳng định lợi thế chi phí trên cơ sở chất lượng sản phẩm tiêu chuẩn. Về cơ bản, các giải pháp này tuân theo tiếp cận “mô hình kim cương” và “chuỗi giá trị” của M.Porter. Hai tiếp cận này không thay thế mà bổ sung cho nhau. Chúng đảm bảo tính toàn diện và tổng thể của việc xây dựng và phát triển năng lực cạnh tranh của ngành cao su của Việt Nam.