Trang Đào tạo sau đại học
 
Thông tin và tóm tắt luận án của NCS Trần Long

Tên đề tài luận án: Quản trị chiến lược của các ngân hàng thương mại nhà nước sau cổ phần hoá: Nghiên cứu điển hình tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.


1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Long

2. Giới tính: Nam

3. Ngày sinh: 16/03/1976

4. Nơi sinh: Thanh Hoá

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 4741/QĐ-ĐHKT ngày 10/11/2014

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không

7. Tên đề tài luận án: Quản trị chiến lược của các ngân hàng thương mại nhà nước sau cổ phần hoá: Nghiên cứu điển hình tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

8. Chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng

9. Mã số: 62 34 02 01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học:

  • TS. Đinh Xuân Cường
  • PGS.TS. Đào Văn Hùng

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Tác giả đã hệ thống hóa những vấn đề lý thuyết nền tảng về quản trị chiến lược (QTCL) ngân hàng thương mại, làm rõ các nhân tố tác động ảnh hưởng đến quản trị chiến lược, các mô hình QTCL phổ biến cũng như các thông lệ tốt về QTCL ngân hàng thương mại ở một số quốc gia khác nhau. Tác giả đề xuất khung phân tích nghiên cứu, các giả thuyết nghiên cứu, đề xuất mô hình QTCL áp dụng cho các NHTMNN sau cổ phần hóa ở Việt Nam. Mô hình QTCL được tác giả đề xuất sẽ là mô hình hữu ích cho các NHTM ở Việt Nam nói chung vận dụng, tham khảo để xây dựng và thực thi QTCL. Trên cơ sở đó, tác giả thực hiện phân tích đánh giá thực trạng ứng dụng QTCL tại BIDV. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực trạng quản trị chiến lược tại BIDV về cơ bản đã phù hợp với cơ sở lý thuyết, mô hình đề xuất và các thông lệ tốt về QTCL. Tuy nhiên, vẫn còn các khoảng trống và các khía cạnh cần được xem xét điều chỉnh và kiện toàn.

Tác giả vận dụng mô hình phương trình cấu trúc SEM (Structural Equation Modelling) dựa trên cách tiếp cận PLS (Partial Least Squares) đề xuất và đo lường tác động của 6 nhân tố ảnh hưởng đến QTCL của ngân hàng (bao gồm môi trường vĩ mô, cạnh tranh giữa các đối thủ, danh tiếng của ngân hàng, tính chất sở hữu của ngân hàng, phong cách quản lý của ban lãnh đạo, các nguồn lực của ngân hàng), trong đó danh tiếng là nhân tố mới được tác giả đưa vào mô hình để nghiên cứu. Đồng thời, thực hiện kiểm tra (back test) ảnh hưởng của QTCL đối với kết quả hoạt động của ngân hàng (bao gồm tình hình tài chính, sự hài lòng của khách hàng, hiệu quả của nhân viên, tăng trưởng hoạt động ngân hàng, danh tiếng của ngân hàng).

Kết quả kiểm định mô hình cho thấy có mối quan hệ tương quan giữa 6 nhân tố theo giả thuyết nghiên cứu và quản trị chiến lược; tất cả 6 nhân tố này đều có ảnh hưởng đến QTCL của BIDV với mức độ tác động khác nhau. Danh tiếng của ngân hàng có ảnh hưởng tích cực nhất đến yếu tố QTCL tại ngân hàng. Các yếu tố khác xếp theo thứ tự giảm dần về ảnh hưởng tích cực đến QTCL tại ngân hàng bao gồm: môi trường vĩ mô; phong cách làm việc của ban lãnh đạo; nguồn lực của ngân hàng và cạnh tranh giữa các đối thủ. Trong khi đó, tính chất sở hữu của ngân hàng lại có tương quan nghịch chiều với QTCL ngân hàng. Kết quả kiểm tra back-test cho thấy, việc áp dụng QTCL có ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động của ngân hàng thông qua các biến bao gồm tình hình tài chính, sự hài lòng của khách hàng, hiệu quả của nhân viên, tăng trưởng hoạt động ngân hàng, danh tiếng của ngân hàng.

Tác giả đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị có tính ứng dụng thực tiễn cao cho các nhà quản lý ngân hàng nhằm thực thi hiệu quả quản trị chiến lược tại BIDV nói riêng, các NHTM ở Việt Nam nói chung.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

Việc làm rõ thực tiễn QTCL tại BIDV từ đó so sánh đối chiếu với cơ sở lý thuyết, mô hình đề xuất và thông lệ tốt sẽ là nền tảng để các NHTM khác, nhất là các NHTMNN sau cổ phần hoá xem xét đối chiếu và vận dụng vào thực tiễn hoạt động QTCL của ngân hàng mình. Mô hình QTCL và các giải pháp được tác giả đề xuất có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các NHTMNN sau cổ phần hóa ở Việt Nam đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2, trong đó tập trung vào một số mục tiêu chính như lành mạnh hoá tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị, điều hành theo thông lệ quốc tế, phấn đấu có ít nhất từ 1 đến 2 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

  • Mô hình SEM có hạn chế là chỉ khảo sát được tại một thời điểm nhất định (tại thời điểm thu thập dữ liệu) mà không có tính thời kỳ. Trong thời gian tới, để hoàn thiện nghiên cứu, tác giả sẽ tiếp tục khảo sát định kỳ với bộ câu hỏi này để tiến tới có thể đánh giá tác động thông qua phương pháp “panel data” khi thu thập dữ liệu theo chuỗi thời gian đủ lớn.
  • Các nghiên cứu tiếp theo có thể được thực hiện mở rộng đối với toàn bộ các NHTM Việt Nam trên cơ sở vận dụng khung phân tích nghiên cứu của luận án để làm rõ sự khác biệt trong ứng dụng QTCL giữa các NHTM do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và các NHTM cổ phần khác, hoặc vận dụng nghiên cứu đối với các định chế tài chính phi ngân hàng và các định chế tài chính là các ngân hàng thương mại.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

  1. Trần Long, 2004. Phát triển khu vực tài chính vi mô bền vững ở Việt Nam. Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ, số 6, trang 21 - 26.
  2. Đào Văn Hùng và Trần Long, 2005. Hạn chế tác động tiêu cực của hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tới hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ, số 10, trang 24 - 29.
  3. Trần Thị Thanh Tú, Phạm Thuỳ Linh và Trần Long, 2017. Emperical test on impact of customer experience on customer loyalty in the Vietnamese banking industry. Hội thảo quốc tế: Financing For Innovation, Entrepreneurship & Renewable Energy Development, trang 319 - 333. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, tháng 9 năm 2017.
  4. Trần Long, 2017. Đánh giá thực hành quản trị chiến lược tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, số 20, trang 26 - 31.
  5. Trần Long, 2017. Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị chiến lược của các ngân hàng thương mại Việt Nam - nghiên cứu thực chứng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và kinh doanh, Tập 33, Số 4, trang 74 - 81.
  6. Dinh Xuan Cuong, Hoang Thi Hien and Tran Long, 2018. Multi-criteria decision-making model evaluating the performance of Vietnamese commercial banks. International Journal of Financial Research, Vol 9, No 1, pp. 132-141.
  7. Trần Thị Thanh Tú, Phạm Châu Lam và Trần Long, 2018. The impact of BOD characteristics on the performance of listed companies in Vietnam stock market. Tạp chí kinh tế phát triển số tháng 4/2018 (Đã được Ban biên tập xác nhận xuất bản).
>>> Xem hoặc download tóm tắt luận án tại đây.

Trường ĐHKT - ĐHQGHN