1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thanh Mai
2.Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 17/07/1987
4. Nơi sinh: Hải Dương
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Số 2349/QĐ-ĐHKT ngày 25/8/2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo:
- Quyết định số 3135/QĐ-ĐHKT ngày 23/11/2018 về việc điều chỉnh tên đề tài luận án tiến sĩ của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
- Quyết định số 4113/QĐ-ĐHKT ngày 31/12/2019 về việc cho phép nghiên cứu sinh kéo dài thời gian trong chương trình đào tạo của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
7. Tên đề tài luận án: Những nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam
8. Chuyên ngành: Kinh tế quốc tế
9. Mã số: 9310106.01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: Hướng dẫn chính: PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn
Hướng dẫn phụ: TS. Nguyễn Cẩm Nhung
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Thứ nhất, nghiên cứu được tiến hành ở cấp độ địa phương. Kết quả tổng quan tài liệu chỉ ra rằng các nghiên cứu trước đây chủ yếu phân tích tại sao doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào một quốc gia mà đánh giá quá thấp tính không đồng nhất giữa các địa phương trong cùng một quốc gia.
Thứ hai, một trong những vấn đề phức tạp khi phân tích quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư là động cơ của các doanh nghiệp gắn với sự tương tác không gian giữa các địa điểm. Khuynh hướng phân tích về vấn đề này đang ngày càng gia tăng nhưng số lượng còn rất hạn chế, đặc biệt là ở Việt Nam. Luận án là một trong số ít các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật phân tích không gian để xem xét các nhân tố một cách tổng thể, bao gồm cả những nhân tố hút cấp địa phương và sự phù hợp của những nhân tố đó với động cơ và mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp.
Thứ ba, luận án đã xây dựng được khung phân tích đa chiều hơn các nghiên cứu trước đây để nhận diện các nhân tố tác động tới việc lựa chọn địa điểm đầu tư của doanh nghiệp FDI theo tỉnh/thành phố ở Việt Nam, dựa trên sự tích hợp của 4 dòng lý thuyết, gồm có: (1) Lý thuyết chiết trung; (2) Cách tiếp cận thể chế cấp địa phương; (3) Lý thuyết địa lý kinh tế về hiệu quả kinh tế do quần tụ; và (4) Lý thuyết về động cơ của các công ty đa quốc gia gắn với sự tương tác không gian. Khung phân tích đã chỉ ra các nhóm nhân tố ở bốn cấp độ: (i) Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn tổng thể của Việt Nam; (ii) Các chính sách ưu đãi cấp địa phương (iii) Các nhân tố hút cấp tỉnh; và (iv) Động cơ của doanh nghiệp.
Thứ tư, luận án đã phân tích được thực trạng thu hút FDI của Việt Nam và thực trạng phân bố đầu tư của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam từ nhiều khía cạnh và chỉ tiêu khác nhau. Đồng thời, luận án cũng đã phân tích được kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Thứ năm, luận án đã phân tích cụ thể ảnh hưởng của các nhân tố ở các cấp độ khác nhau tới việc lựa chọn địa điểm đầu tư của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, trong khi các nghiên cứu trước đây thường chỉ phân tích ở một cấp độ. Ở cấp độ quốc gia, người viết đã phân tích được mức độ hấp dẫn tổng thể của Việt Nam và những nhân tố ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới mức độ hấp dẫn đó. Từ cách tiếp cận thể chế cấp địa phương, luận án đã phân tích và chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong chính sách ưu đãi, xúc tiến và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI. Đối với các nhân tố hút cấp tỉnh, nghiên cứu đã lượng hoá ảnh hưởng của các nhóm nhân tố (Quy mô thị trường, Chi phí và chất lượng lao động, Chất lượng cơ sở hạ tầng, Hiệu quả quần tụ doanh nghiệp FDI, Hiệu quả quần tụ doanh nghiệp trong nước, Hiệu ứng đô thị hoá và Chất lượng thể chế) dựa trên mô hình tự tương quan không gian (SAR) và mô hình SAR mở rộng. Đặc biệt, dựa trên dấu hiệu của biến tương tác không gian trong mô hình SAR và SAR mở rộng, tác giả đã phân tích được hình thức FDI và động cơ/mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu có nhiều điểm giống và khác biệt so với các nghiên cứu trước đây.
Thứ sáu, luận án phân tích được bối cảnh mới ảnh hưởng tới dòng FDI vào Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng; từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách với các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương để lập và thực thi những chính sách thu hút FDI phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay.
12. Khả năng ứng dụng thực tiễn:
Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương về những nhân tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn địa điểm đầu tư của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam; từ đó các đối tượng này có thể đưa ra những chính sách thu hút FDI phù hợp điều kiện phát triển của địa phương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay.
13. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:
Các hướng nghiên cứu tiếp theo mà tác giả luận án dự kiến thực hiện bao gồm: (i) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư của doanh nghiệp FDI dựa trên phỏng vấn sâu các lãnh đạo doanh nghiệp; (ii) Đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố tới chất lượng FDI vào các tỉnh; (iii) Đánh giá tác động lan toả của FDI đối với kinh tế các địa phương.
14. Các công trình công bố liên quan đến luận án:
STT | Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án |
1 | Nguyễn Thị Thanh Mai (2019), “Tính nhúng” của công ty đa quốc gia vào nước chủ nhà: Phân tích trường hợp Samsung, Hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ khối kinh tế và kinh doanh (ICYREB 2019), NXB Đại học Huế, (ISBN: 978-604-974-282-8), tr.913-921. |
2 | Nguyễn Thị Thanh Mai (2019), Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư của MNCs: Khoảng trống nghiên cứu và một số hàm ý, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 35, 3(2019), 34-42. |
3 | Nguyen Thi Thanh Mai (2019), Spatial distribution of foreign direct investment in Vietnam: Current status and some recommendations, International Conference on Economic Cooperation and Integration 2019 (CIECI 2019): The Dynamics of International Trade and Global Supply Chains, Science and Technics Publishing House (ISBN: 978-604-67-1512-2) p. 188-197. |
4 | Nguyễn Thị Thanh Mai (2020), Chiến lược đầu tư trực tiếp nước ngoài của MNCs trong bối cảnh chuyển đổi số, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 36, 3(2020), 93-101. |
5 | Nguyễn Thị Thanh Mai, Đỗ Quỳnh Anh (2020), Tác động lấn át của FDI đến sự rời ngành của doanh nghiệp nội địa trong ngành dệt may Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 36, 4(2020), 28-37. |
6 | Nguyen Thi Thanh Mai, Bui Thi Anh and Vu Thi Hong Tuoi (2020), Megatrends in the world economy and their influences on the global foreign direct investment. Proceedings of the 7th Conference on International Economic Cooperation and Integration 2020 (CIECI 2020): Trade and Investment Facilitation in the context of global upheaval, Science and Technics Publishing House (ISBN: 978-604-67-1813-0), p. 77-88. |
7 | Nguyen Thi Thanh Mai, Pham Thi Phuong (2020), Production Relocation of Multinational Companies from China and Chances for Vietnam, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 36, 5E(2020), 21-30. |
8 | Nguyen Thi Thanh Mai (2021), The Geographic Concentration of FDI in Vietnam: Current Status, Causes and Policy Implications, Vietnam’s Socio-Economic Development, Vol.25, 4(104), 47-61. |