Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Chiến lược phát triển Khoa Kinh tế Phát triển - Trường ĐHKT

Giai đoạn 2015-2020


1. Giới thiệu chung

Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) là một trường đại học thành viên của ĐHQGHN được thành lập theo Quyết định số 290/QĐ-TTg ngày 6/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN. Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT) là một đơn vị trực thuộc của Trường ĐHKT, được thành lập năm 2008 theo Quyết định số 876/QĐ-TCCB ngày 3/3/2008 của Giám đốc ĐHQGHN. Khoa KTPT có hai chức năng chính là thực hiện đào tạo bậc đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KTPT. Trong lĩnh vực đào tạo, Khoa KTPT thực hiện đào tạo cử nhân ngành KTPT, đồng thời tham gia đào tạo trong các chương trình đào tạo đại học và sau đại học khác của Trường ĐHKT và một số đơn vị khác của ĐHQGHN. Trong lĩnh vực nghiên cứu, Khoa KTPT thực hiện các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, chính sách công, phát triển bền vững, kinh tế môi trường.

Cơ cấu tổ chức của Khoa KTPT gồm Chi uỷ Khoa, Ban chủ nhiệm Khoa, Công đoàn Khoa. Khoa có 04 bộ môn là Kinh tế học, Thống kê và phương pháp nghiên cứu kinh tế, Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, và Chính sách công. Đội ngũ cán bộ của Khoa KTPT bao gồm các giảng viên, chuyên viên có năng lực chuyên môn giỏi, có đam mê nghiên cứu và giảng dạy, chịu được áp lực cao, sáng tạo, nhạy bén, có tư duy tốt, có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm. Tính đến cuối năm 2015, Khoa KTPT có 17 giảng viên cơ hữu, trong đó có 01 Phó giáo sư/tiến sĩ (chiếm 5%), 08 tiến sĩ (chiếm 47.5%) và 08 cử nhân + thạc sĩ (chiếm 47.5%) được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm Kinh tế học, Kinh tế tài nguyên và môi trường, Chính sách công, Thống kê và phương pháp nghiên cứu kinh tế,... Bên cạnh đó, Khoa KTPT còn có đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, cộng tác viên nghiên cứu đến từ các đơn vị nghiên cứu và trường đại học ở Việt Nam.

Chiến lược phát triển đầu tiên của Khoa KTPT được thể hiện tại Đề án thành lập Khoa vào năm 2007 (Khoa được thành lập từ năm 2008). Từ đó đến nay, Chiến lược phát triển Khoa chưa được cập nhật mới, trong khi bối cảnh chung và tình hình của Khoa đã có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi Khoa KTPT cần xây dựng chiến lược phát triển mới, nhằm định hướng và hoạch định sự phát triển của Khoa trong giai đoạn 2015-2020.

2. Quan điểm phát triển

- Trở thành một trong những đơn vị đào tạo và nghiên cứu uy tín ở Việt Nam trong lĩnh vực KTPT.

- Các sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao, là nền tảng để nâng cao chất lượng giảng dạy và tư vấn chính sách, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội của đất nước.

3. Sứ mệnh và tầm nhìn

3.1. Sứ mệnh

Sứ mệnh của Khoa KTPT là đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực KTPT nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

3.2. Tầm nhìn

Năm 2020, Khoa được biết đến như một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học uy tín về KTPT.

4. Mục tiêu phát triển

4.1. Đào tạo

- Trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực uy tín, chất lượng cao về KTPT trong cả nước.

- Mở rộng các chương trình đào tạo dựa trên kế thừa các chương trình đã triển khai thành công. Xây dựng mới chương trình đào tạo bậc đại học gồm Kinh tế và Quản lý, Kinh tế Phát triển (chất lượng cao). Mở mới các chương trình đào tạo bậc thạc sỹ (thạc sỹ Chính sách công & Phát triển và thạc sĩ Kinh tế biển).

4.2. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

- Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa và trường ĐHKT

- Phát triển quan hệ hợp tác về nghiên cứu và đào tạo với các tổ chức, trường đại học trong nước và quốc tế về KTPT

- Đẩy mạnh tìm kiếm và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế nhằm góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, thu nhập cho giảng viên và đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Gia tăng số lượng công bố quốc tế ISI/Scopus

4.3. Phát triển đội ngũ

Quy mô giảng viên của Khoa tới năm 2020 là khoảng 25 giảng viên với 100% có trình độ sau đại học, trong đó, có 70% là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; 30% là thạc sĩ.


Khoa KTPT