Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Tọa đàm về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu

Các thành viên nhóm nghiên cứu trình bày về các chuyên đề tại tọa đàm
Là tọa đàm do Khoa Kinh tế Phát triển tổ chức ngày 6/8/2015 nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).


Nhằm góp phần tham mưu chính sách với Chính phủ về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, trên cơ sở hợp tác giữa BIDV và Trường ĐHKT - ĐHQGHN, nhóm nghiên cứu gồm các thành viên từ Khoa Kinh tế Phát triển phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và Nhóm Kinh tế vĩ mô của Trung tâm nghiên cứu BIDV đã triển khai đề tài “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020”. Đề tài sẽ tập trung phân tích về kinh nghiệm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu của một số quốc gia, đánh giá thực trạng mô hình tăng trưởng của Việt Nam; đánh giá quá trình tái cơ cấu và thực hiện các đột phá chiến lược nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Đặc biệt, nghiên cứu sẽ tập trung phân tích quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu từ góc độ ngành kinh tế nhằm đề xuất khuyến nghị cụ thể và sát với yêu cầu thực tế. Tọa đàm lần này được tổ chức để nhóm nghiên cứu và các chuyên gia cùng thảo luận về các chuyên đề thuộc đề tài.
Tham dự tọa đàm có các thành viên nhóm nghiên cứu vĩ mô của Trường ĐHKT - ĐHQGHN và đại diện Trung tâm nghiên cứu BIDV. Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển thay mặt nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu là một vấn đề cấp thiết đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên với một nguồn lực có hạn, cũng như bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam không thể khuyến khích phát triển đồng thời tất cả các ngành kinh tế hiện có mà cần lựa chọn những ngành có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tiềm năng tăng năng suất lao động và tạo ra sức lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. Cách tiếp cận phát triển kinh tế theo cấp độ ngành - theo hướng từ dưới lên (bottom-up) dựa trên sự cân nhắc về ưu thế và tiềm năng của ngành càng trở nên quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, bởi như vậy sẽ giúp giảm được lãng phí và tập trung nguồn lực đúng trọng điểm. Tiếp theo sau đó, các thành viên nhóm nghiên cứu đã lần lượt trình bày các chuyên đề trong khuôn khổ đề tài.
Nhìn chung, các chuyên đề đã bám sát vào mục tiêu nghiên cứu tổng thể của đề tài, đảm bảo đúng theo yêu cầu thực hiện của thuyết minh. Các nội dung tập trung cung cấp các lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu. Kết hợp phân tích, đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế nội tại của Việt Nam, đặc biệt đi sâu phân tích các yếu tố thuộc khía cạnh ngành kinh tế. Từ đó, chỉ ra những ngành trọng điểm, quan trọng để đề xuất ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới. Ngoài ra, các chuyên đề còn phân tích các chỉ số đầu tư tại Việt Nam, quy mô đầu tư và cơ cấu các lĩnh vực đầu tư của toàn nền kinh tế, vai trò của tái cấu trúc trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng,...

Nhóm nghiên cứu Trường ĐHKT cùng các đại diện Trung tâm nghiên cứu BIDV
Các chuyên đề đã nhận được sự đóng góp hữu ích từ phía đại diện Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng như của các thành viên nhóm nghiên cứu. Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Việt cảm ơn sự có mặt của nhóm nghiên cứu và các chuyên gia của BIDV. Buổi tọa đàm đã cung cấp những thông tin hữu ích cho cả hai phía. Sau tọa đàm này, các chuyên đề sẽ được điều chỉnh và hoàn thiện về nội dung để phù hợp với mục tiêu và định hướng nghiên cứu của đề tài.

                                                                                                                                                                             

Hoa Hạnh (Khoa Kinh tế Phát triển)