Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Đồng tổ chức Hội thảo, Trường ĐHKT thắt chặt quan hệ với ĐH Đồng Nai

Sáng ngày 17/4/2019, trường Đại học Đồng Nai phối hợp với trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học “An ninh nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai: những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn”.


Đây là một trong những hội thảo thuộc chuỗi Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu đánh giá an ninh nguồn nước phục vụ xây dựng quy hoạch tài nguyên nước: áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Đồng Nai” mã số: BĐKH.12/16-20 do PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN là chủ nhiệm đề tài.

Trường ĐH Kinh tế còn có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng đoàn, Thư ký khoa học - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và TS. Nguyễn Thế Kiên - thành viên chính của đề tài, Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế.

Tham dự có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai; TS. Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai; các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các trung tâm, trường đại học; các thầy cô là lãnh đạo các đơn vị, phòng, khoa, bộ môn, trung tâm; giảng viên, sinh viên Đại học Đồng Nai.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Đại học Đồng Nai nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của sông Đồng Nai đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai nói chung; những vấn đề thực tiễn và tính cấp thiết của chủ đề buổi hội thảo: “An ninh nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai: những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn”.

       
 TS. Phạm Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo

Lưu vực sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của cả 11 tỉnh/ thành phố khu vực phía Nam Việt Nam, chỉ sau lưu vực sông Mê Kông. Tuy nhiên hiện nay vấn đề an ninh nguồn nước đang đối mặt với nhiều thách thức trước mắt và lâu dài, đặt trong bối cảnh tác động của cả thiên tai và nhân tai. Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng cư dân địa phương và cả cộng đồng quốc tế. Mục tiêu nâng cao an ninh nguồn nước hướng tới phải là phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan khi tham gia vào cơ chế điều phối nguồn nước. An ninh nguồn nước là một nội dung quan trọng của an ninh phi truyền thống và là một vấn đề nghiên cứu liên ngành. Phần thảo luận đã nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng của việc quy hoạch, quản lý khai thác nguồn nước sông Đồng Nai, hiệu quả kinh tế của sử dụng nguồn nước và giải pháp định hướng đảm bảo an ninh nguồn nước tại khu vực.

Thảo luận đề cập tới những chia sẻ, bình luận và câu hỏi về: Các chiều cạnh khác nhau của an ninh nguồn nước như khoa học liên ngành tự nhiên, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, kinh tế, thiên tai và biến đổi khí hậu; Hiện trạng, những vấn đề tồn tại và các giải pháp định hướng trong sử dụng và quản lý tài nguyên nước tại các địa phương trên lưu vực sông Đồng Nai; Công cụ chính sách trong quản lý tài nguyên nước. Vai trò điều phối sử dụng nước liên ngành, liên vùng, liên khu vực; Phương pháp và kỹ thuật áp dụng trong nghiên cứu điều tra an ninh nguồn nước.

 
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, đại diện Trường ĐHKT phát biểu tại Hội thảo

TS. Nguyễn Thế Kiên, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN với bài báo cáo “Áp dụng mô hình AHP mờ xác định mức độ tác động của các nguy cơ gây mất an ninh nguồn nước tại lưu vực sông Đồng Nai” đã nhận được sự đánh giá rất cao từ các nhà khoa học, mô hình đã trực tiếp chỉ ra mức độ của các nguy cơ bằng những thông số cụ thể, mức cảnh báo và đưa ra những lời khuyên nhằm giảm thiểu mức độ.

 
Phần trình bày báo cáo của TS. Nguyễn Thế Kiên nhận được sđánh giá cao

Kết thúc các phiên thảo luận, các nhà khoa học đưa ra được một số kết luận mang tính tổng kết. Thứ nhất, Hội thảo đã góp phần làm rõ tính cấp thiết của việc nghiên cứu vấn đề an ninh nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai. Thứ hai, Hội thảo đã góp phần truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong đảm bảo an ninh nguồn nước trong hệ thống sông ngòi Việt Nam nói chung và sông Đồng Nai nói riêng. Thứ ba, Hội thảo cũng góp phần làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu. Thứ tư, các nghiên cứu tại Hội thảo đã đề cập thực trạng về quy hoạch, quản lý và khai thác tài nguyên nước trên lưu vực sông Đồng Nai; đề xuất các giải pháp, kiến nghị để đảm bảo an ninh nguồn nước sông Đồng Nai và các mô hình tập mờ, phân tích đa biến trong đánh giá an ninh nguồn nước. Các bài viết tham gia Hội thảo lần này với sự đồng ý của tác giả sẽ được phản biện, hoàn thiện và đăng trên số tiếp theo Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai.

Thay mặt Ban Giám hiệu Trường Đại học Đồng Nai, Ban tổ chức Hội thảo, TS. Phạm Văn Thanh đã cảm ơn các vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các thầy cô giáo và các em sinh viên đã tới tham dự Hội thảo. Ông cũng tỏ ra rất lạc quan về mối quan hệ hợp tác với Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN trong lĩnh vực nghiên cứu, và cho rằng sự thành công của đề tài này sẽ là cơ sở để 2 trường phối hợp với nhau trong việc nghiên cứu các đề tài lớn khác, kết tinh lại tri thức để chuyển giao cho các cơ quan quản lý đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Văn Công