Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Hội thảo Quản lý tài nguyên môi trường biển và chính sách carbon xanh

Ngày 23/9, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý Tài nguyên môi trường biển và Chính sách carbon xanh.


Tham dự Hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam; TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển; PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển; TS. Phạm Thu Thủy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế; TS. Hoàng Quốc Lâm - Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cùng đông đảo nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đang theo học các ngành liên quan.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Nguyễn An Thịnh nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học đã đến tham dự Hội thảo và chuẩn bị sẵn tham luận khoa học. Ông nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường biển ở nước ta, đặc biệt là những kiến nghị để hình thành chính sách carbon xanh, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Hội thảo là một sự kiện khoa học lớn, thường xuyên, thu hút nhiều chuyên gia của Khoa Kinh tế Phát triển nói riêng và ĐHKT nói chung, Hội thảo còn mang ý nghĩa lớn trong đào tạo nghiên cứu sinh và học viên cao học, là nơi để các nhà khoa học trẻ chia sẻ và thể hiện ý tưởng của mình.

Không chỉ thu hút chuyên gia đầu ngành, Hội thảo còn thu hút rất nhiều nghiên cứu sinh, học viên ĐHKT
Tiếp theo, TS. Hoàng Quốc Lâm đã trình bày tổng quan về luật pháp, chính sách của Nhà nước về quản lý tài nguyên và môi trường biển. TS. Lâm đã nêu đầy đủ các văn bản luật pháp về quản lý tài nguyên trong nhiều năm trở lại đây, sự thay đổi về nhận thức, sự tham gia các công ước quốc tế và cam kết của Nhà nước. Từ đó ông chỉ ra một số nhiệm vụ cần làm ngay để cải thiện môi trường biển như:

Thứ nhất, Nhà nước quản lý tài nguyên và môi trường (TN&MT) biển hợp lý, hiệu quả, bảo vệ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển KT-XH, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển;

Thứ ba, tăng cường bảo vệ môi trường biển, bao gồm quy định và các nội dung về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; nhận chìm ở biển; trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường biển;

Thứ tư, nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về TN&MT biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về TN&MT biển phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh;

Thứ năm, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

Chính sách QLTN&MT biển được đặt trong tổng thể chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; theo phương thức tổng hợp nhằm quản lý TN&MT biển hợp lý, hiệu quả, bền vững.

TS. Hoàng Quốc Lâm trình bày tham luận về Luật và Chính sách quản lý tài nguyên, môi trường biển

Một số đề xuất được đưa ra để hình thành chính sách:

(1) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển theo hướng phát triển bảo vệ tính khả thi, đồng bộ, thống nhất.

- Các quy định phù hợp với Hiến pháp, không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành, phù hợp với các điều ước quốc tế;

- Bãi bỏ các quy định bất cập, bổ xung kịp thời các quy định phát sinh phù hợp với thực tiễn

(2) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quan hệ liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển đa ngành, đa lợi ích của các bên liên quan.

(3) Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển từ trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn cao.

(4) Tạo hành lang pháp lý, thể chế, chính sách để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ. Tích cực tham gia và chủ động thúc đẩy hình thành cơ chế toàn cầu và khu vực liên quan đến biển.

(5) Giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, kiểm tra tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên trên quan điểm phát triển bảo vệ…

Diễn giả Phạm Thu Thủy, đến từ CIFOR đã có bài thuyết trình về Hướng tới nền kinh tế và carbon xanh. Trong tham luận, bà Thủy đã nêu tổng thể về kinh tế biển đó là các hoạt động đánh bắt thủy sản, khai thác khoáng sản, muối, du lịch sinh thái và chỉ ra mối quan hệ tương hỗ giữa các hoạt động kinh tế này. Ngoài ra, tham luận cũng đi sâu vào các hoạt động giữ gìn bảo vệ môi trường biển như làm ẩm đất và tái sinh rừng, tạo cảnh quan, xây dựng hệ thống đê biển, tưới tiêu và nâng cao khả năng giữ nước bề mặt. Vai trò của nền kinh tế carbon xanh có ý nghĩa lâu dài và tác động đến nhiều ngành khác, đã đến lúc giảm các hoạt động kinh tế mang tính “nhất thời”.

Hội thảo còn lắng nghe tham luận Giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo về tài nguyên biển đi kịp với xu thế - Trường hợp điển hình từ PFES tại Hải Phòng của nhóm nghiên cứu Phạm Thuy Thủy, Hoàng Thị Uyên, Đào Linh Chi, Hoàng Tuấn Long, Ngô Hà Châu, Nông Nguyễn Khánh Ngọc và Nguyễn Đình Tiến.
Diễn giả Phạm Thu Thủy khẳng định vai trò của nền kinh tế carbon xanh

Trong các tham luận, nhiều nghiên cứu sinh, học viên đã đặt vấn đề tranh luận với diễn giả tạo nên không khí sôi nổi, tranh luận khoa học ở mức độ cao. GS. Nguyễn Hoàng Trí chia sẻ, đây là một Hội thảo có hàm lượng khoa học cao, tính ứng dụng rất rõ ràng, hơn nữa Hội thảo không chỉ trong hoạt động nghiên cứu mà gắn luôn với hoạt động đào tạo sau đại học của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, tôi thấy đây là một điểm mới rất thú vị, tạo được sức bật nghiên cứu trong nghiên cứu sinh, học viên - những nhà khoa học trẻ tương lai.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí đánh giá cao hàm lượng khoa học của Hội thảo và điểm mới trong hoạt động nghiên cứu - đào tạo của ĐHKT

Văn Công