Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Tết gần - Tết xa

Niềm vui giản đơn bên gia đình ngày Tết
Tiết trời se lạnh của ngày cuối đông, đầu xuân càng làm cho lòng người xốn xang, nhất là những sinh viên xa nhà đang chờ mong kỳ nghỉ Tết để đoàn tụ cùng gia đình và tận hưởng không khí chào năm mới.


Bắt đầu từ ngày 26 tháng Chạp Âm lịch - khi sinh viên các trường đồng loạt nghỉ Tết, bến xe, bến tàu bỗng trở nên đông đúc và tấp nập hơn bao giờ hết. Trong số những sinh viên xa quê ấy, có cả những sinh viên miền Trung ra Bắc học, sau một thời gian dài sinh sống và học tập ngoài Bắc, nay trở lại nơi chôn rau cắt rốn với bao hoài niệm, nhớ mong.
Có mặt tại ký túc xá một ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận thấy rõ tâm trạng của nhiều sinh viên xa nhà đang gói ghém đồ đạc và hoàn tất những công việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết. Trò chuyện với một sinh viên năm nhất, chúng tôi được nghe tâm sự rất thật về những khác biệt trong dịp Tết Nguyên đán của người miền Trung: “Nếu người miền Bắc đón tết với bánh Chưng xanh cùng thịt mỡ, dưa hành, thì người miền Trung chúng em lại đón tết với bánh Tét, dưa món và nắm tré đặc trưng. Ngày 23 Tết, ngoài Bắc thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo thì miền Trung chỉ làm mâm cỗ cũng tổ tiên. Vào những ngày đầu năm, người dân miền Trung cũng đi chúc tết họ hàng, xóm làng và mừng tuổi như ngoài Bắc. Khi khách tới thăm nhà sẽ được thưởng thức các món như chả lụa, nem chua, tai heo ngâm mắm, rồi dưa chua, dưa món,… và cùng nhâm nhi ly rượu chuyện trò trong ngày xuân cùng gia chủ. Vào những ngày này, các gia đình sẽ kiêng ăn trứng vịt lộn và tôm vì họ sợ sang năm mới sẽ đi giật lùi như tôm hay bị lộn ngược như trứng vịt lộn, đặc biệt là những người làm ăn kinh doanh. Năm đầu đại học là một trải nghiệm mới cho em về tất cả. Với bản thân em - một sinh viên năm nhất - có cảm giác gì đó rất lạ. Lần đầu xa gia đình, xa người thân làm em luôn thấy cô đơn, lạc lõng trong môi trường xa lạ, rồi lại đến cảm giác háo hức mong chờ Tết đến Xuân về để được đoàn tụ cùng gia đình thân yêu. Có lẽ phấn khởi nhất, háo hức nhất là lúc thu xếp đồ đạc chuẩn bị về quê - nơi chôn rau cắt rốn của mình. Dường như cái gì mình cũng muốn mang về, cái gì cũng muốn mua mà chẳng đủ tiền. Rồi cái cảm giác hụt hẫng khi đợi chờ mua vé tàu xe về quê mà lại hết vé. Có những bạn vì không mua được vé do giá vé cao quá đã phải ở lại đón Tết xa quê. Đối với những sinh viên sống xa nhà như chúng em, được về quê ngày Tết là một hạnh phúc lớn lao vô cùng”.
Tết đến mang theo cái không khí se lạnh, ẩm ướt đặc trưng khiến người ta nhớ đến gia đình, người thân, nhớ đến phút giây sum vầy ấm áp, ngập tràn tình yêu thương ở quê nhà. Với sinh viên năm nhất, sau một học kỳ nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm ở môi trường đại học, Tết được xem là những ngày đặc biệt trong đời mà họ sẽ không thể nào quên được. Còn với những sinh viên đã trải qua nhiều cái Tết - họ nghĩ sao?
Hãy cùng chúng tôi gặp một sinh viên năm 3 và lắng nghe chia sẻ của bạn ấy: “Hiện tại mình là sinh viên năm 3 rồi, tuy đây không phải là lần đầu về quê đón Tết nhưng cái cảm giác mong ngóng, háo hức trong những ngày này thì năm nào cũng vậy. Là sinh viên miền Trung ra Bắc học tập, với mình Tết thực sự là dịp để sum họp với gia đình, bạn bè sau một thời gian dài xa quê. Cứ mỗi khi Tết đến là mình lại tất bật chuẩn bị về quê: nào là dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nào là gói ghém quần áo, đồ đạc,.. rồi đến mua sắm chút quà Tết Hà Nội mang về và mệt mỏi nhất là khoản mua vé tàu xe. Nếu ngày thường vé tàu xe khá rẻ, thì những ngày này, giá vé thường cao hơn, nếu không mua sớm thì chỉ còn vé của “cò”, mà loại vé này thì giá thường đội lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Cả năm chỉ có một, hai dịp là được nghỉ dài nên ai cũng mong được trở về quây quần bên gia đình để đón một cái Tết trọn niềm vui. Chính vì vậy mà lượng người ở các bến xe, ga tàu tăng một cách đột biến. Nhiều khi phải mua vé trước cả tháng nhưng vẫn phải ngồi nhồi nhét hai người một ghế, rồi phải ngồi cả ở ghế phụ, thậm chí là phải đứng suốt mấy giờ đồng hồ. Ai không say tàu xe còn đỡ, với những người bị say xe lại càng khổ cực và vất vả hơn.’’

Dòng người nô nức ngày trở về

Cũng chính vì chi phí tàu xe quá đắt đỏ nên trong những ngày nghỉ lễ thế này, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã tranh thủ ở lại đi làm để kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Hơn nữa, tiền lương những ngày này thường cao gấp 2-3 lần ngày thường nên chỉ với mấy ngày nghỉ, họ cũng có thể kiếm thêm cho mình một khoản tiền kha khá để trang trải cuộc sống. Nhưng cái cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa thành phố ồn ào, tấp nập khi không có người thân bên cạnh trong những ngày năm hết Tết về ấy khiến nhiều sinh viên phải rơi nước mắt…
“Gia đình mình không có điều kiện, tiền tàu xe mỗi lần đi về cũng bằng cả tháng tiền nhà, tiền ăn trên này, chưa kể ngày Tết giá còn tăng cao. Đón Tết xa quê, nhìn thấy cảnh gia đình người ta quây quần cùng nhau đến chùa cầu phúc, cầu an, mình không khỏi chạnh lòng nhớ nhà, nhớ quê. Đêm 30 Tết gọi điện về nhà, nhưng chưa nói chuyện được mấy câu mà nước mắt đã rơi…”
Một sinh viên tâm sự.

Thấu hiểu nỗi nhớ nhà, nhớ quê của sinh viên khi đi học xa, Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức chương trình hỗ trợ vé tàu xe về quê cho sinh viên trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Những sinh viên ở xa không còn phải lo chen chúc đón xe từ sáng sớm cho đến tối mịt, bớt lo lắng chuyện tiền bạc, tránh được cảnh nhồi nhét, đón khách dọc đường... Nhiều sinh viên dù hoàn cảnh rất khó khăn cũng đã có cơ hội cầm trên tay chiếc vé về quê để được hưởng một cái Tết trọn vẹn niềm vui và đầy ắp nghĩa tình bên gia đình, người thân.
Chắc hẳn đối với những sinh viên miền Trung, Tết không chỉ là ngày lễ đoàn viên để được ăn bữa cơm gia đình sum vầy, nồng ấm, được đón giao thừa trong niềm hân hoan, nao nức, Tết còn là thời điểm để tất cả cùng nhìn lại một năm đã qua, ôn lại tình cảm thầy, cô, bè bạn trong chính những ngày tháng xa quê, để thêm trân trọng những điều đang có và gửi gắm nhiều ước mong, hy vọng vào một năm mới - Năm Ất Mùi 2015 này.


Thu Thủy - Mai Hương (CLB Truyền thông) Ảnh: Sưu tầm