Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nỗ lực giúp sinh viên hiện thực hóa ước mơ

Sinh viên ĐHKT được nhận nhiều học bổng lớn
Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2016 đang đến gần. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKT - ĐHQGHN) để tìm hiểu về công tác tuyển sinh của trường năm nay.


- Thưa ông, xin ông cho biết, kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2016 của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có gì mới so với các năm trước không?

Trong năm 2016, điểm thay đổi lớn nhất trong tuyển sinh của Trường ĐHKT đó chính là việc đăng ký xét tuyển và tổ chức xét tuyển. Bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQGHN để xét tuyển như năm 2015, thí sinh đăng ký xét tuyển vào hai chương trình Chất lượng cao: Quản trị Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế của trường cần đăng ký dự thi môn tiếng Anh cùng trong kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN.

Trong năm 2016, thí sinh chỉ có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến tại cổng thông tin “Đăng ký xét tuyển ĐHCQ” của ĐHQGHNTrường Đại học Kinh tế. Bên cạnh đó, trong xét tuyển đợt 2, nếu còn chỉ tiêu, Trường ĐHKT có thể xem xét tuyển các thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia theo các tổ hợp môn (i)Toán, Lý, Anh hoặc (ii) Toán, Văn, Anh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

- Thưa ông, được biết năm nay Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có tuyển sinh đại học chính quy 6 ngành với 9 chương trình đào tạo, vậy ông có thể nói cụ thể hơn về những chương trình này?

Năm 2016, Trường ĐHKT tuyển sinh 6 ngành đào tạo bao gồm Kinh tế, Kinh tế Quốc tế, Kinh tế Phát triển, Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng và Kế toán. Bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn của các ngành nói trên, Trường còn có 3 chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế Quốc tế, Quản trị Kinh doanh và Tài chính - Ngân hàng); trong đó 2 chương trình chất lượng cao Kinh tế Quốc tế, Quản trị Kinh doanh được xây dựng theo Thông tư 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.

Ngoài ra, Trường ĐHKT cũng tuyển sinh chương trình đào tạo liên kết quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh do Đại học Troy (Hoa Kỳ) cấp bằng.

- Thưa ông, năm nay Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN xét tuyển thí sinh dựa trên những tiêu chí/kết quả thi nào?

Là đơn vị thành viên của ĐHQGHN, Trường ĐHKT xét tuyển dựa trên kết quả bài thi ĐGNL do ĐHQGHN tổ chức. Như trên đã đề cập, nếu còn chỉ tiêu, trong xét tuyển đợt 2, Trường ĐHKT có thể xem xét lấy thêm kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Kết quả xét tuyển dựa trên 1 trong 2 tổ hợp môn: (i) Toán, Lý, Anh hoặc (ii) Toán, Văn, Anh.


Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được học tập trong một môi trường hiện đại và thân thiện

- Vậy để vào được các chương trình chất lượng cao của trường, thí sinh cần phải vượt qua những kỳ thi/ kiểm tra  nào?

Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào chương trình Chất lượng cao ngành Quản trị Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế cần phải dự thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN, kết quả xét tuyển sẽ được xem xét trên cơ sở kết quả cả bài thi ĐGNL và bài thi Tiếng Anh. Riêng chương trình Chất lượng cao ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐHKT sẽ tổ chức xét tuyển thông qua xét hồ sơ và phỏng vấn bằng tiếng Anh cho những thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐHKT và đạt ngưỡng xét tuyển vào ngành TCNH.


Giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đa số là tiến sĩ, GS, PGS và được đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới

- Sinh viên trúng tuyển sẽ có những thuận lợi gì khi học tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN?

Tham gia các chương trình đào tạo đại học tại Trường ĐHKT, bên cạnh việc được học tập trong môi trường học tập thân thiện và hiện đại với đội ngũ giảng viên là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, sinh viên còn có cơ hội học thêm bằng đại học chính quy thứ 2 ngành Ngôn ngữ Anh (của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN), hoặc Công nghệ Thông tin (Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN), hoặc Luật Kinh doanh (Khoa Luật - ĐHQGHN). Sinh viên ngành Kinh tế và ngành Kinh tế Phát triển của trường được học thêm ngành Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế Quốc tế (Trường ĐHKT - ĐHQGHN).

Trong quá trình học tập, sinh viên ĐHKT còn có rất nhiều cơ hội tham gia các chương trình học tập, hội thảo, trao đổi quốc tế phong phú và đa dạng với các trường đại học đối tác như Đại học Waseda, Đại học Osaka City, Đại học Thương mại Chiba, Đại học Quốc gia Yokohama, Đại học Oita, Đại học Quốc tế Akita (Nhật Bản); Đại học Quốc gia Đài Loan; Đại học Quốc gia Malaysia; Đại học Sydney (Úc); Đại học Uppsala (Thụy Điển); Đại học Nam Đan Mạch; Đại học Rennes (Pháp); Đại học Regensburg (Đức); Đại học Troy, Đại học Portland State (Hoa Kỳ)...

Thêm vào đó, sinh viên của còn có cơ hội nhận học bổng lớn (có suất lên tới 100 triệu đồng) từ Công ty Cổ phần Đầu tư IMG; Tập đoàn Tharkral Insewa, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Gami, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank),…

Tham gia học tập trong các chương trình của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN còn có các sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia…


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có rất nhiều câu lạc bộ kỹ năng cho sinh viên lựa chọn như: Kinh tế trẻ, Truyền thông, Âm nhạc, Tiếng Anh, S-Dancing, Karatedo…


- Cơ hội việc làm đối với sinh viên của trường trong những năm gần đây ra sao thưa ông?

Kết quả khảo sát của Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục của Trường trong những năm gần đây cho thấy, có đến gần 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp sau 1 năm tốt nghiệp. Có thể nói đây là một kết quả phản ánh nỗ lực của Trường ĐHKT chúng tôi trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tập, thực tế.

Nếu có năng lực, sinh viên ĐHKT còn có cơ hội có việc làm ngay trong quá trình học tập thông qua thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế là đối tác của Trường.


Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị trong quá trình học tập

- Kỳ thi tuyển sinh đại học đang đến gần, ông có nhắn nhủ gì tới các thí sinh - sinh viên tương lai của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN?

Tôi chỉ có một câu đó là: Tôi và toàn thể cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ nỗ lực hết mình để giúp các bạn sinh viên hiện thực hóa những lựa chọn và ước mơ của mình. Về phía mình, các bạn sinh viên cần nỗ lực học tập trước hết cho bản thân mình, sau đó là cho gia đình, cho cộng đồng và đất nước.

Chúc các thí sinh ôn tập tốt và đạt được kết quả cao nhất trong mùa thi 2016. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn mở rộng cánh cửa để chào đón các bạn.

- Xin cảm ơn ông!

Xem bài gốc >>


Lưu Nguyễn - Anh Tuấn (thực hiện)