Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Năm 2017: ĐHQGHN không tổ chức riêng kì thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học chính quy

Trong 2 năm 2015 và 2016, kì thi đánh giá năng lực (viết tắt là ĐGNL) phục vụ công tác tuyển sinh bậc đại học hệ chính qui của ĐHQGHN đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục và được xã hội đánh giá cao.


Năm 2017, ĐHQGHN quyết định không tổ chức kì thi ĐGNL như 2 năm trước, mà sử dụng kết quả các bài thi THPT quốc gia phục vụ công tác xét tuyển bậc đại học.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN về một số nội dung liên quan:

- Thưa ông, lí do nào để ĐHQGHN không tổ chức riêng kì thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh đại học chính qui trong năm 2017?

Triển khai các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2013, Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã giao ĐHQGHN làm đơn vị thí điểm đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, ) cho ngành. Thực hiện chỉ đạo về việc đổi mới ấy, ĐHQGHN đã nghiên cứu và áp dụng thành công việc sử dụng bài thi tổng hợp để ĐGNL thí sinh thông qua các kì thi trong 2 năm 2015, 2016 nhằm phục vụ công tác tuyển sinh đại học hệ chính qui. Thi ĐGNL là một bài thi tổng hợp dùng các câu hỏi chuẩn hóa, được thực hiện trên máy tính, mỗi thí sinh một đề riêng, thí sinh thi xong biết kết quả ngay.

Chúng tôi đã xây dựng lộ trình đổi mới với nhiều giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất thiết kế bài thi đánh giá tổng hợp chung mang tính sàng lọc. Giai đoạn hai, hoàn thiện việc kết hợp các hình thức đánh giá, gồm đánh giá năng lực chung và đánh giá năng lực chuyên biệt cho các ngành đặc thù có nhu cầu riêng. Lộ trình này cần được triển khai phù hợp và hô ứng với tiến trình đổi mới của cả ngành nói chung. Thời gian hai năm qua mới triển khai được giai đoạn thứ nhất của quá trình đổi mới tuyển sinh. 

Mặc dù phương thức ĐGNL còn rất mới ở Việt Nam, nhưng thông qua kì thi do ĐHQGHN tổ chức, những đặc tính ưu việt nổi trội của phương thức này đã tạo được sự tin cậy của đông đảo phụ huynh và học sinh, đồng thời thu hút sự cộng hưởng của công luận và xã hội. Phương thức ĐGNL hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tránh học lệch/học tủ, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như thời gian qua.

ĐHQGHN xác định công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là liên tục và lâu dài. Với sứ mệnh là đơn vị nòng cốt và tiên phong trong đổi mới của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN đã, đang và tiếp tục có những bước đi “mới” trong hành trình ấy, trước mắt là đối với lộ trình đổi mới tuyển sinh bậc đại học.

Khác với 2 năm trước đây, năm 2017, ĐHQGHN không tổ chức riêng một kì thi ĐGNL để phục vụ công tác xét tuyển bậc đại học cho mình và nhóm trường đăng kí sử dụng kết quả của kì thi này. ĐHQGHN sẽ xét tuyển đại học chính qui dựa trên kết quả các bài thi THPT quốc gia năm 2017.

Sở dĩ chúng tôi có lựa chọn này bởi những đổi mới trong phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lí của đổi mới tuyển sinh ở bài thi ĐGNL chung mà ĐHQGHN đã triển khai trong thời gian vừa qua.

Trong bối cảnh như vậy, ĐHQGHN nhận thấy rằng, việc tập trung thêm nguồn lực (lượng câu hỏi), nhân lực và các điều kiện khác để triển khai tốt kì thi THPT quốc gia của Bộ là một việc cần thiết, quan trọng và mang tính quốc gia. Điều này cần ưu tiên hơn việc tổ chức riêng kì thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh của ĐHQGHN và nhóm các trường đã đăng kí xét tuyển theo kết quả của kì thi này, tránh cho thí sinh không phải thi hai kỳ thi có nhiều điểm giống nhau. Không tổ chức kì thi riêng, ĐHQGHN có điều kiện tập trung thực hiện các bước đổi mới tiếp theo, đi vào chiều sâu, theo lộ trình đã hoạch định trước đây và tiếp tục đóng góp vào công cuộc đổi mới của ngành trên chặng đường mới.

 
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn trả lời phỏng vấn chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam ngày 12/12/2016 về việc dừng kỳ thi riêng đánh giá năng lực tại ĐHQGHN
 

- Vậy nhân lực thuộc mảng công tác “khảo thí” sẽ làm gì khi ĐHQGHN không tổ chức kì thi ĐGNL năm 2017, thưa ông?

Như tôi đã nêu ở trên, ĐHQGHN xác định công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là liên tục và lâu dài. Theo lộ trình đã xây dựng, việc đổi mới công tác tuyển sinh chia ra nhiều giai đoạn: có giai đoạn đầu thiết kế đề thi chung, sau đó thiết kế bài thi chuyên biệt, …

Khoa học kiểm tra, đánh giá chỉ ra rằng, có rất nhiều phương thức cùng đánh giá năng lực của các cá nhân để tuyển sinh học đại học như: bài thi ĐGNL chung, bài thi ĐGNL chuyên biệt, xét hồ sơ, phỏng vấn, thư giới thiệu. Trong điều kiện ban đầu, chỉ dùng bài thi ĐGNL chung là phù hợp, nhưng tiếp theo cần có bài thi chuyên biệt cho một số ngành có nhu cầu.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn trả lời phỏng vấn của các nhà báo trong kỳ thi ĐGNL năm 2016

Với những trải nghiệm thực tiễn từ 2013 - 2016, ĐHQGHN đã thực hiện thành công hình thức cơ bản nhất - bài thi ĐGNL - nhằm sàng lọc, đánh giá năng lực chung của thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh bậc đại học.

Phương án thi THPT quốc gia năm 2017 cùng với các đề thi mẫu mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố cho thấy phương thức thi trắc nghiệm khách quan ĐGNL với các bài thi tổ hợp các môn, nhằm đánh giá năng lực của người học sẽ được triển khai rộng khắp trong cả nước.

Mặc dù còn một số điểm khác biệt nhưng về cơ bản, Bộ Giáo dục & Đào tạo áp dụng và mở rộng trong phạm vi quốc gia với phương thức đổi mới tuyển sinh mà Bộ đã giao cho ĐHQGHN thực hiện thí điểm thành công thời gian qua.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khảo thí của ĐHQGHN tiếp tục tập huấn và huy động nhân lực để thiết kế các bài thi sàng lọc cho các kì thi chuyên biệt, phục vụ các chuyên ngành có đòi hỏi năng lực chuyên biệt và sẽ áp dụng vào một thời điểm thích hợp, sẽ tiếp tục đổi mới việc thi tuyển sinh bậc sau đại học; ĐGNL thí sinh để chọn vào các chương trình chất lượng cao, tài năng, tiên tiến,...

Công cụ đánh giá chuyên biệt này chỉ sử dụng sau khi thí sinh đã tiến hành bài thi ĐGNL chung. Điều đó có thể áp dụng mở rộng cho các đơn vị với các loại đối tượng khác nhau. Đây là một trong những khâu để hoàn thiện khoa học kiểm tra, đánh giá trong giáo dục, phục vụ tuyển sinh theo thông lệ quốc tế. Việc áp dụng bài thi đánh giá chuyên biệt sẽ được cân nhắc vào thời điểm thích hợp trong những năm sắp tới.

Phương thức thi ĐGNL trên máy và ngân hàng câu hỏi đã xây dựng trước đây, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh sử dụng cho năm 2017 trên phương diện xét tuyển vào học các chương trình đào tạo đặc biệt hiện có ở ĐHQGHN như chất lượng cao, tài năng, tiên tiến,…

- Thưa ông, còn hạ hầng cơ sở và máy móc sử dụng trong các kì thi ĐGNL trước đây, nay sẽ dùng vào việc gì?

Phải nói ngay rằng, trong 2 năm 2015 và 2016, ĐHQGHN đã huy động từ 6.000 đến 7.000 máy tính phục vụ thi, tuy nhiên số này chủ yếu sử dụng nguồn có sẵn của các phòng máy dùng vào nhiều mục đích giảng dạy và học tập thường xuyên của ĐHQGHN và của các trường tham gia tổ chức thi, như Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường (trên 1.000 máy), Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (trên 500 máy) cùng nhiều trường khác có số máy tính lớn. Số máy chuyên dùng cho việc làm đề thi, thử nghiệm câu hỏi và tổ chức thi của Trung tâm Khảo thí chỉ là con số rất nhỏ: 300 máy tính.

Các máy tính này cùng với hạ tầng công nghệ thông tin sau kì thi ĐGNL, tiếp tục phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy công nghệ thông tin, kiểm tra, đánh giá định kì cho các môn học và nhiều hoạt động khác trong đào tạo và nghiên cứu của các đơn vị. Chúng tôi cũng đang triển khai áp dụng rộng rãi việc kiểm tra thường xuyên và kết thúc các môn học chung, môn cơ sở trên máy tính với bài thi trắc nghiệm khách quan.

Ngân hàng câu hỏi, phần mềm và hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được khai thác, phục vụ cho những hoạt động nghiên cứu, triển khai của Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN trong thời gian sắp tới.

Nhân đây, ĐHQGHN kiến nghị với Bộ Giáo dục & Đào tạo cân nhắc thêm một điểm: bên cạnh việc tổ chức kì thi THPT quốc gia thì nên có thêm các kì thi được tổ chức thường xuyên trong năm mà các đơn vị trong hệ thống giáo dục - với quyền tự chủ của mình - có thể sử dụng kết quả kì thi ấy như là một hình thức để tuyển sinh riêng.

- Kì thi ĐGNL do ĐHQGHN tổ chức năm 2015, 2016 đã thu hút sự tham gia của nhiều trường ĐH, CĐ trong cả nước và nhiều trường đã đăng kí sử dụng kết quả của kì thi năm 2017. Ông nói gì về điều này?

Cách đây vài tháng, ĐHQGHN vẫn dự định tiến hành kì thi ĐGNL phục vụ cho công tác tuyển sinh bậc đại học năm 2017. Song, qua quá trình tham gia góp ý và xây dựng phương án cho kì thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, ĐHQGHN thấy rằng, Bộ đang tích cực đổi mới và có nhiều điểm gần gũi với kì thi ĐGNL mà ĐHQGHN đã tổ chức trước đây.

“Tiên phong, đổi mới” là triết lí mà ĐHQGHN đeo đuổi và luôn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan. Trong hành trình ấy, ĐHQGHN đã luôn kiên định thực hiện và thuyết phục được xã hội cũng như nhiều đơn vị trong ngành giáo dục cùng thực hiện.

Thay mặt cho lãnh đạo ĐHQGHN, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các đơn vị đào tạo đại học đã phối hợp cùng ĐHQGHN trong những kì thi ĐGNL thực hiện thời gian vừa qua và các đơn vị đã đăng kí sử dụng kết quả của kì thi ĐGNL do ĐHQGHN tổ chức, phục vụ công tác tuyển sinh đại học trong năm 2017 như mới công bố gần đây.

ĐHQGHN sẽ có thông báo chính thức gửi các đơn vị để có những điều chỉnh kịp thời. ĐHQGHN sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh với các đơn vị và cam kết cùng giải quyết những phát sinh liên quan.

- ĐHQGHN có vai trò gì đối với phương án kì thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, thưa ông?

ĐHQGHN đã chuyển giao mô hình, công nghệ, nguyên tắc và một phần ngân hàng đề (phục vụ kì thi ĐGNL) cho Bộ theo thỏa thuận, nhiệm vụ được giao.

Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực khảo thí, kiểm tra, đánh giá cùng nhiều nhân lực của ĐHQGHN đã và đang cùng tham gia một số việc theo sự phân công, huy động theo yêu cầu của Bộ.

- Thưa ông, ĐHQGHN trù tính thế nào đối với các thí sinh đang bảo lưu kết quả của kì thi ĐGNL 2016 trong đợt xét tuyển của năm 2017?

Với thí sinh có kết quả đạt chuẩn, chưa nhập học vào bất kỳ trường nào sau kì thi 2016 - chúng tôi sẽ xem xét sử dụng kết quả của thí sinh này để phục vụ tuyển sinh năm 2017 một cách phù hợp và có thông báo cụ thể.

Trân trọng cảm ơn Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn về cuộc trao đổ

>>> Tin liên quan:

- VTV: Đại học Quốc gia Hà Nội dừng tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực

>>> Xem bài gc


PV - VNU Media


Các tin khác