Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Lan tỏa tri thức với UEB Research and Sharing: Tọa đàm số 3 - Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh cho hộ kinh doanh Việt Nam - Khảo sát mới nhất năm 2021

Các thách thức và khó khăn mà hộ kinh doanh (HKD) gặp phải trong tương quan với doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh chính thức là gì? Các rào cản nào về thể chế, chính sách và tiếp cận vốn tín dụng cho HKD và khó khăn mới nảy sinh đối với hộ kinh doanh trong đại dịch COVID-19? Giải pháp ra sao để tạo thuận lợi kinh doanh và tháo gỡ khó khăn tiếp cận tín dụng cho HKD trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép năm 2021? Tất cả đã được giải đáp trong tọa đàm UEB Reseach and Sharing số 3 của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.


Báo cáo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BTRI); Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam phối hợp thực hiện.

Với chủ đề “Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh cho hộ kinh doanh Việt Nam”, tọa đàm được tổ chức trực tuyến đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hơn 40 chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước cùng nhiều giảng viên của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Đơn vị tổ chức cũng khuyến khích sinh viên tham gia, đặc biệt là các sinh viên năm cuối cần nắm bắt thông tin thực tế các vấn đề kinh tế, thị trường hiện nay.
 Báo cáo Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh cho hộ kinh doanh Việt Nam được nhóm nghiên cứu thực hiện với những khảo sát mới nhất năm 2021
 Qua phần trình bày của các diễn giả: TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS.Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS.Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch tập đoàn Kim Nam, những vấn đề đang rất được quan tâm của các HKD như rào cản về thể chế, chính sách để tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giải pháp tháo gỡ khó khăn của các HKD, đặc biệt trong thời kỳ dịch COVID-19... đã được thảo luận và có những phát hiện cũng như khuyến nghị chính sách.
Kết quả nghiên cứu khảo sát năm 2021 của VEPR - BIDV - FNF chỉ ra rằng bên cạnh hỗ trợ từ phía nhà nước về thủ tục pháp lí, miễn giảm thuế, tác động từ môi trường bên trong doanh nghiệp, mức độ của tính tương đương giữa các hình thức kinh doanh, thì khả năng tiếp cận vốn, tín dụng cũng là một nhân tố hết sức quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Do đó, vấn đề thiết yếu hiện nay chính là làm thế nào để tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng của nhà nước, ngân hàng, tổ chức tài chính cho các hộ kinh doanh, từ đó đẩy mạnh được hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
 
 Báo cáo được đánh giá cao trên cơ sở các khảo sát và việc sử dụng mô hình nghiên cứu định lượng để làm căn cứ khẳng định cho những phân tích định tính.
Từ những phát hiện về điểm thuận lợi, sự khác biệt nhất về hiệu quả kinh doanh, các rào cản chính sách khi tiếp cận vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng ảnh hưởng ngược chiều đến tăng doanh thu của HKD,... báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị chính sách đối với các cơ quan liên quan. Đó là cần tăng cường hỗ trợ HKD nâng cao lợi thế kinh doanh; Tăng cường các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác; Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích HKD tiếp cận với các cơ quan quản lý hành chính; Mở rộng các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ khó khăn cho các HKD trong bối cảnh mới; Thúc đẩy và cải tiến các điều kiện khuyến khích, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp kinh doanh…
Nhóm thực hiện Báo cáo nghiên cứu “Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất – kinh doanh cho hộ kinh doanh Việt Nam” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự tọa đàm. Ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao tâm huyết của nhóm nghiên cứu khi tiến hành khảo sát và sử dụng mô hình nghiên cứu định lượng để làm căn cứ khẳng định cho những phân tích định tính. Báo cáo sẽ hoàn thiện hơn nếu cập nhật thêm những mô hình kinh doanh mới hiện nay trong nền tảng công nghệ 4.0 và có những phân tích thỏa đáng về lợi thế chi phí của HKD cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước cho đối tượng này.

Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, báo cáo sẽ được hoàn thiện trong vòng 1 tháng và dự kiến công bố chính thức tại Hội thảo tổ chức vào tháng 8/2021.

UEB Reseach and Sharing là chuỗi chương trình nằm trong kế hoạch mũi nhọn về hoạt động Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển năm 2021 của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, được tổ chức định kỳ hàng tháng.

Mời Quý vị quan tâm theo dõi các chủ đề tiếp theo của UEB Research & Sharing Series trên website và fanpage của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

 
Tin bài liên quan:


Thùy Dung - UEB Media


Các tin khác