Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Mục tiêu của Trường ĐHKT là nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo Trường ĐHKT
Năm học 2010 - 2011 đã bắt đầu. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về mục tiêu cũng như định hướng trong hoạt động đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm học này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo của trường. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:


PV: Thưa ông, bắt đầu từ năm 2010, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có tuyển sinh thêm 1 ngành mới. Xin ông cho biết đôi điều về ngành học mới này?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh:  Năm nay, Trường ĐHKT mở thêm ngành đào tạo mới là Kế toán. Đây là ngành khá “hot” hiện nay. Chương trình đào tạo của ngành này được xây dựng một cách bài bản từ việc điều tra nhu cầu đào tạo, tham khảo khung chương trình hiện đại của các trường đại học ở nước ngoài và điều kiện thực tế ở Việt Nam. Khi ra trường sinh viên có kiến thức kế toán hiện đại, trình độ ngoại ngữ thành thạo tương đương 5.0 IELTS và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp, có thể làm việc tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp có các vị trí công tác liên quan đến kế toán, kiểm toán…
Bên cạnh ngành đào tạo mới này chúng tôi cũng cho phép sinh viên ngành Kinh tế Chính trị, Kinh tế Phát triển sau năm thứ nhất có điểm trung bình chung (TBC) tích lũy từ 2.0 trở lên có cơ hội học thêm ngành kép Tài chính - Ngân hàng trong nội bộ trường. Đây cũng là cơ hội mới cho sinh viên 2 khoa này có thể học thêm ngành mới, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xã hội.

PV: Nhu cầu theo học các ngành kinh tế luôn tăng cao theo từng năm. Vậy năm nay Trường ĐH Kinh tế có xét tuyển nguyện vọng 2 không thưa ông?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh:  Năm nay Trường có 29 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho 2 ngành Kinh tế Chính trị và Kinh tế Phát triển. Những thí sinh không trúng tuyển vào nguyện vọng 1 có điểm thi đại học từ 21 điểm trở lên (khối A và D1) có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Kinh tế Chính trị, thí sinh có điểm thi đại học từ 22 điểm (khối A) và 21,5 điểm (khối D1) có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Kinh tế Phát triển.

PV: Được biết, năm học 2009 - 2010, Trường ĐHKT đã rất thành công với việc liên kết đào tạo bằng kép với Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Xin ông cho biết sơ qua về kết quả đã đạt được trong việc liên kết đào tạo bằng kép này?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Chương trình liên kết đào tạo bằng kép với Trường  Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) - ĐHQGHN bắt đầu được triển khai từ năm học 2008 - 2009 và đã tuyển được 196 sinh viên. Năm học 2009 - 2010, số sinh viên trúng tuyển và nhập học chương trình là 315 sinh viên, tham gia 3 chương trình đào tạo cử nhân là ngành Kinh tế Đối ngoại, Quản trị Kinh doanh và Tài chính - Ngân hàng.

Qua thời gian tổ chức thực hiện đào tạo được 7 học kỳ, sinh viên nhận được nhiều lợi ích thiết thực từ chương trình: được sử dụng cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị hiện đại; khung chương trình về cơ bản được thiết kế hợp lý, khoa học, đảm bảo sự liên thông liên kết giữa các ngành đào tạo của các khoa và với các chương trình đào tạo cử nhân khác của Trường, phù hợp với năng lực và trình độ của sinh viên, phát huy được khả năng tiếng Anh tốt của sinh viên Trường ĐHNN…

Việc tổ chức đào tạo theo hình thức tín chỉ, sinh viên được cố vấn học tập tư vấn đăng ký học phù hợp với kế hoạch học tập của cá nhân khi tham gia học tập ở cả hai trường; được tham gia các hội nghị, hội thảo, các hoạt động hỗ trợ vay vốn, được cấp học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên có kết quả học tập tốt và tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường.

Số lượng sinh viên tham gia tuyển sinh vào chương trình ngày càng đông, qua đó Trường ĐHKT ngày càng tuyển được sinh viên có chất lượng tốt hơn và sinh viên đã nhận thức được lợi ích thiết thực từ việc tham gia chương trình bằng kép để có thêm cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

PV: Việc triển khai đào tạo các chương trình bằng kép rõ ràng đã đem lại cho sinh viên nhiều cơ hội học tập hơn. Vậy năm nay nhà trường có chương trình bằng kép nào mới không? Cụ thể các chương trình này thế nào?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Như tôi đã nói, năm nay Trường ĐHKT triển khai chương trình đào tạo bằng kép ngành Tài chính - Ngân hàng cho đối tượng là sinh viên hệ chính qui ngành Kinh tế Chính trị, Kinh tế Phát triển của Trường. Ngoài ra, hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng các chương trình đào tạo bằng kép ngành Kinh tế Đối ngoại - Luật Kinh doanh với Khoa Luật - ĐHQGHN, ngành Kinh tế Phát triển - Quản lý tài nguyên thiên nhiên với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN.

PV: Ông có thể cho biết thêm về lượng thí sinh tham gia xét tuyển bằng kép vào các ngành của Trường ĐH Kinh tế năm học 2010 - 2011?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Số sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN tham gia xét tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế Đối ngoại là 527, trong khi đó chỉ tiêu của chúng tôi chỉ có 300 sinh viên. Số sinh viên ngành Kinh tế Phát triển, Kinh tế Chính trị tham gia xét tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng là 86 sinh viên, trong khi đó số chỉ tiêu chỉ là 50 sinh viên. Số thí sinh tham gia xét tuyển vào các chương trình bằng kép đông, phản ánh nhu cầu học tập cũng như đảm bảo chất lượng đầu vào của các chương trình.

PV: Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐHKT đã triển khai kiểm định chất lượng đào tạo. Ông cho thể cho biết những đánh giá sơ bộ về việc kiểm định chất lượng của nhà trường không?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Việc đảm bảo chất lượng được nhà trường đặc biệt coi trọng. Chúng tôi đã kiểm định Trường năm 2007 và hiện đang thực hiện tự đánh giá giữa chu kỳ để rà soát những việc đã làm được, những việc chưa làm được nhằm xác định hướng đi tiếp theo. Năm 2009, Đại học Kinh tế là một trong những đơn vị đầu tiên kiểm định chương trình đào tạo (chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại) trong ĐHQGHN. Chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại được Hội đồng kiểm định chất lượng của ĐHQGHN đánh giá cao (đạt cấp độ I với trên 80% các tiêu chí đạt mức 2 trở lên) và hiện nay chúng tôi đang thực hiện kiểm định chương trình này theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - AUN-QA.

Kiểm định, ngoài việc cho chúng tôi biết những điểm mạnh, còn chỉ ra những hạn chế để chúng tôi có thể đưa ra các giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như các hoạt động khác của Trường.

PV: Với những gì mà nhà trường đã đạt được và những mục tiêu đang hướng tới, ông kỳ vọng gì ở năm học 2010 - 2011 này?

TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Mục tiêu của Trường ĐHKT - ĐHQGHN là nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vì vậy năm 2010 là năm cuối cùng chúng tôi tuyển sinh hệ vừa học vừa làm. Chúng tôi dành nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược (chương trình đẳng cấp quốc tế, chất lượng cao) và mở rộng qui mô đào tạo sau đại học.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng, chỉnh sửa và bổ sung chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực của xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!

Tuấn - Anh - Thư (Thực hiện)