Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Tọa đàm về đánh giá sự phù hợp và hiệu lực thực thi các chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng Tây Bắc

TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm đề tài tóm tắt các nghiên cứu đã thực hiện trong giai đoạn vừa qua
Ngày 22/9/2014, Ban chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu rà soát và đánh giá sự phù hợp, hiệu lực thực thi của các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tại vùng Tây Bắc giai đoạn 2001 - 2015” - Trường Đại học Kinh tế đã tổ chức tọa đàm “Tư vấn xây dựng khung phân tích và bảng hỏi khảo sát đánh giá sự phù hợp và hiệu lực thực thi các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại vùng Tây Bắc - KHCN-TB.03X/13-18”.


Buổi tọa đàm do Chủ nhiệm đề tài - TS. Nguyễn Quốc Việt chủ trì nhằm tăng cường trao đổi học thuật và tư vấn xây dựng khung phân tích và bảng hỏi khảo sát phục vụ cho dự án nghiên cứu nói trên. Tham dự buổi tọa đàm có GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS. Vũ Văn Tích - Thư ký khoa học Chương trình Tây Bắc; PGS.TS. Phạm Hồng Tung - Chánh Văn phòng Tây Bắc cùng các chuyên gia phản biện, nhà khoa học từ Vụ Địa phương Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổng hợp Vụ Chiến lược Phát triển; Ban Chỉ đạo Tây Bắc…
Mở đầu buổi tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức phát biểu khai mạc và nhấn mạnh tầm quan trọng của tọa đàm trong việc tìm ra khung phân tích thích hợp cho đề tài. TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm đề tài tóm tắt các nghiên cứu đã thực hiện trong giai đoạn 1, khẳng định mục tiêu của đề tài và tính phù hợp của khung phân tích đang dự kiến thực hiện. TS. Nguyễn Quốc Việt cũng đưa ra khung 5Gaps để đánh giá về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) thực hiện tại Tây Bắc cụ thể là khoảng cách giữa nhu cầu người dân (đối tượng hưởng thụ) với những gì mà CTMTQG mang lại, đồng thời đưa ra các tiêu chí dự kiến để đánh giá sự chồng chéo, sự phù hợp và hiệu lực thực thi. Sau phần trình bày những nghiên cứu trong giai đoạn vừa qua, ông Lê Viết Thái - Trưởng Ban Nghiên cứu Thể chế Chính sách - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trình bày kết quả đánh giá ban đầu tại địa phương dựa trên khung phân tích. TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Chủ nhiệm Khoa TCNH - Trường ĐHKT trình bày bảng hỏi dự kiến để khảo sát phỏng vấn sâu. Mục đích của phỏng vấn sâu sẽ tập trung kiểm tra chéo thông tin thứ cấp về sự phù hợp và hiệu lực thực thi của các chương trình mục tiêu quốc gia tại Tây Bắc, đặc biệt ở 2 tỉnh Lai Châu và Hà Giang. Tiếp đó, các chuyên gia phản biện, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan trực tiếp đến đề tài như về khung phân, các khía cạnh đánh giá sự phù hợp bao gồm đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, cơ chế, chính sách… đồng thời đóng góp nhiều ý kiến quý báu để nâng cao quá trình triển khai đề tài. Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Việt thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cảm các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác tích cực để đề tài đạt hiệu quả cao, có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu, khoa học tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho đề tài

 


Lương Thị Tuyến- Thùy Dung