Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội do TS Phạm Thị Hồng Điệp làm chủ nhiệm, khoa KTCT chủ trì, thực hiện từ 07/2011 đến 04/2012
1. Giới thiệu chung
Về lý luận, mô hình nhà nước phúc lợi đã được quan tâm nghiên cứu trong kinh tế chính trị ở nhiều nước phát triển từ sau chiến tranh thế giới thứ hai cho đến nay trên các khía cạnh như đặc điểm hệ thống chính sách phúc lợi xã hội (bảo hiểm nghề nghiệp, thất nghiệp, y tế, giáo dục, lương hưu…) và vai trò của nhà nước phúc lợi đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Về thực tiễn, mô hình nhà nước phúc lợi gắn liền với sự phát triển của một số nước Tây-Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản nhiều thập kỷ qua đã đem lại sự đầy đủ, thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế bền vững cho các nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều vấn đề về hiệu quả kinh tế và tính khả thi của các mô hình nhà nước phúc lợi đang đặt ra ngay tại các nước phát triển. Ở Việt Nam, vấn đề quan hệ phân phối và chính sách phúc lợi xã hội đã và đang được quan tâm trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt ra cấp thiết. Vì vậy, nghiên cứu “Sự phát triển của các mô hình nhà nước phúc lợi: lịch sử và lý thuyết” là cần thiết cho việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nhà nước phúc lợi trên thế giới, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phân phối và xây dựng hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay.
2. Mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài
Làm rõ cơ sở lý luận về nhà nước phúc lợi; phân tích quá trình phát triển và những đặc trưng cơ bản của các mô hình nhà nước phúc lợi trên phương diện lý thuyết.
3. Kết quả nghiên cứu
Phần thứ nhất, với tiêu đề « Lịch sử hình thành của nhà nước phúc lợi », đề tài đã khái quát một số vấn đề lý luận về nhà nước phúc lợi như khái niệm, quá trình hình thành nhà nước phúc lợi, đề cập đến một số tiêu chí phân loại nhà nước phúc lợi và đặc điểm các mô hình nhà nước phúc lợi. Đồng thời, đề tài cũng chỉ ra vai trò và thành quả của nhà nước phúc lợi ở một số quốc gia trong thế kỷ XX.
Trên cơ sở tiêu chí phân loại và các đặc điểm điển hình của các mô hình nhà nước phúc lợi, phần thứ hai tiếp tục phân tích biểu hiện cụ thể của các mô hình nhà nước phúc lợi qua các trường hợp nghiên cứu là các quốc gia đặc trưng của ba mô hình nhà nước phúc lợi. Các quốc gia được lựa chọn là: Mỹ - đại diện cho mô hình nhà nước phúc lợi tự do; Đức - đại diện cho mô hình nhà nước phúc lợi bảo thủ; và Thuỵ Điển – đại diện cho mô hình nhà nước phúc lợi dân chủ xã hội. Căn cứ vào những vấn đề rút ra từ việc nghiên cứu quá trình phát triển các nhà nước phúc lợi trên thế giới, sau khi đánh giá những ưu, nhược điểm của mỗi mô hình nhà nước phúc lợi, đề tài đề xuất một số gợi ý cho Việt Nam về xây dựng chế độ phúc lợi xã hội như: cần lựa chọn những đặc điểm phù hợp từ các mô hình nhà nước phúc lợi để vận dụng vào Việt Nam; cần mở rộng nhanh chóng phạm vi và đối tượng thụ hưởng an sinh xã hội theo phương thức tự nguyện, cần nhanh chóng hoàn thiện các luật về an sinh xã hội, cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đóng góp vào hệ thống phúc lợi xã hội. Các đề xuất của đề tài góp phần tìm ra những biện pháp và bước đi thích hợp nhất cho Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”
4. Các công bố liên quan đến kết quả đề tài :
Những thách thức với các nhà nước phúc lợi châu Âu trong thế kỷ XXI, Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh, tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 28 (2012), tr 60-67.
5. Kết quả đào tạo của đề tài :
Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế chính trị: Bảo hiểm xã hội Nhật Bản và một số gợi ý về chính sách cho Việt Nam, Hoàng Thị Hạnh, QH2009-E.CH (KTCT)
6. Kết quả ứng dụng của đề tài :
Đề tài được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và học tập môn Kinh tế chính trị quốc tế, hệ cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kinh tế chính trị ; Các chuyên đề Kinh tế chính trị, hệ cao học chuyên ngành Kinh tế chính trị và Quản lý kinh tế của trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Kết quả nghiệm thu đề tài
Đề tài đã nghiệm thu theo quyết định số 786/QĐ-ĐHKT ngày 20 tháng 4 năm 2012 của trường Đại học Kinh tế, xếp loại Tốt.