Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Tham nhũng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Bằng chứng kinh tế lượng mới từ phân tích các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam



Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQG có tên do TS Trần Quang Tuyến làm chủ nhiệm, mã số QG. 15.40, thời gian từ tháng 2/2014 tới tháng 2/2016. Các thành viên khác của đề tài là TS Vũ Văn Hưởng ( Học Viện Tài Chính); TS Đoàn Thanh Tịnh ( Đại học Waikato, New Zealand); TS Trần Đức Hiệp và TS Lê Thị Hồng Điệp ( Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội).

 

1. Giới thiệu chung về đề tài:

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) được coi là cỗ máy tạo nhiều việc làm và thu nhập cho một bộ phận lớn dân số, góp phần quan trọng cho việc phát triển và ổn định kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này đã và đang gặp phải các vấn đề khó khăn, trong đó có vấn đề về tham nhũng. Do đặc điểm thể chế ở Việt Nam, các doanh nghiệp Nhà nước thường có quan hệ chặt chẽ và lợi ích đôi bên gắn kết với các quan chức chính phủ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này có thể chịu ít tác động tiêu cực hơn từ tham nhũng so với các SMEs (Nguyen & Van Dijk, 2012). Trong thập kỷ qua, Việt Nam chưa đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao chất lượng thể chế và giảm thiểu tham nhũng (Sơn & Tuyến, 2013). Do vậy, hiệu quả hoạt động của SMEs có thể bị tác động đáng kể bới chất lượng thể chế nói chung và tham nhũng nói riêng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tác động của tham nhũng tới hoạt động của SMEs có ý nghĩa học thuật và ý nghĩa thực tiễn chính sách quan trọng.

 

Cho tới nay, đã có một số công trình nghiên cứu với phương pháp kinh tế lượng của học giả Việt Nam và quốc tế về tham nhũng và SMEs. Rand và Tarp (2012) đã nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng tới hành vi hối lộ ( trả các khoản phi chính thức) của các SMEs và những thay đổi đó thời gian qua. Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyen and Van Dijk (2012) đã đo lường tác động của tham nhũng và chất lượng quản trị công tới tăng trưởng doanh nghiệp tư nhân và và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, cho tới nay chưa có nghiên cứu nào đo lường tác động của tham nhũng tới hiệu quả hoạt động của SMEs ở Việt Nam. Chính vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi được kỳ vọng sẽ có những đóng góp quan trọng về khoa học và thực tiễn chính sách trong lĩnh vực nghiên cứu này. Đây cũng là một nhánh nghiên cứu năm trong chủ đề nghiên cứu về “Năng suất và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam” đã được chúng tôi tiến hành trong hai năm qua và đã công bố 1 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI và hai bài đã gửi tới hai tạp chí (ISI) và đang chờ kết quả phản biện.

 

2. Mục tiêu:

·         Mục tiêu chung:

Nghiên cứu được kỳ vọng sẽ cung cấp những những bằng chứng kinh tế lượng để làm rõ về vai trò của chất lượng thể chế: đó là mức tham nhũng cả mức độ tỉnh và mức độ doanh nghiệp đến hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Từ đó, những kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn cho những khuyến nghị chính sách góp phần nâng cao chất lượng thể chế để từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp.

·         Mục tiêu cụ thể:

a.       Làm rõ sở lý luận và thực tiễn về tham nhũng và sự tác động của tham nhũng đối với sự hoạt động của SMEs.

b.      Phân tích bối cảnh và quá trình phát triển của SMEs ở Viêt Nam giai đoạn 2000 – 2011.

c.       Tiến hành phân tích thống kê mô tả và phân tích kinh tế lượng về tác động của tham nhũng đến hiệu quả của SMEs

d.      Đề xuất một số kiến nghị cho doanh nghiêp và các địa phương để thúc đẩy hiệu quả  của SMEs.

e.       Cung cấp thêm các tư liệu học thuật về việc sử dụng phương pháp định lượng trong nghiên cứu tham nhũng và hiệu quả của doanh nghiệp .

3. Nội dung KH&CN chủ yếu cần giải quyết:

·         Cung cấp một bức tranh tổng quan về hoat động của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam qua các giai đoạn 2000-2011.

·         Phân tích và đánh giá tác động của tham nhũng nhiều mức độ đối với hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam giai đoạn 2005-2011, bằng cả hai phương pháp thống kê mô tả và phân tích kinh tế lượng nhằm cung cấp những bằng chứng đầu tiên  về tác động của tham nhũng đến hiệu quả doanh nghiệp.

·         Dựa trên kết quả phân tích tin cậy, đề tài sẽ đề xuất những giải pháp và kiến nghị cho chính quyền địa phương và cho doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

4. Phương pháp nghiên cứu:

Đề tài sẽ sử dụng kết hợp giữa phân tích thống kê mô tả và phương pháp kinh tế lượng với dữ liệu mảng và phương pháp biến công cụ để đánh giá tác động của tham nhũng ở cấp độ doanh nghiệp cũng như cấp địa phương tới hiệu quả của SMEs ở Việt Nam.

5. Sản phẩm:

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được đăng tải trên một chí trong danh mục ISI ( SSCI) và một tạp chí trong danh mục Scopus. Ngoài ra sẽ đăng tải hai bài báo ở tạp chí chuyên ngành ở trong nước.


Khoa KTCT