Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tăng cường liên kết quốc tế trong nghiên cứu khoa học

Từ ngày 28 đến 30/5/2009, tại Bangkok (Thái Lan), nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, do Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn dẫn đầu đã tham dự hội thảo quốc tế với chủ đề: “Chuyển đổi kinh tế và những biến đổi xã hội ở khu vực tiểu vùng Châu Á”.


Thành phần tham dự Hội thảo là các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu ở Thái Lan (như Trường Đại học Thammasat, Chiang Mai, Chulalongkong, Khon Kaen…) và Việt Nam (Trường Đại học Kinh tế -ĐHQGHN; Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cùng các đại biểu là đại diện của các tổ chức nghiên cứu quốc tế tại Thái Lan (như: Japan Foundation, Japan Watch Project, China Watch Project).
Đây là hội thảo công bố các kết quả nghiên cứu giai đoạn I trong dự án hợp tác nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Thái Lan về “Chuyển đổi kinh tế và những biến đổi xã hội ở khu vực tiểu vùng Châu Á” do Quỹ Nghiên cứu Thái Lan (TRF) tài trợ. Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu của hai nước đã nghiên cứu những vấn đề riêng của mỗi nước nhưng được lựa chọn bởi cả hai bên (để tạo tiền đề cho nghiên cứu so sánh ở giai đoạn tiếp theo). Hơn 20 báo cáo đã được trình bày trong 4 tiểu ban của Hội thảo: (i) Phát triển kinh tế và công bằng xã hội; (ii) Chính sách tiền tệ và hệ thống tài chính - ngân hàng; (iii) Kinh tế và các vấn đề chính trị - xã hội; (iv) Biến đổi xã hội. Trong đó, có 5 báo cáo của các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cụ thể: 1) “Hệ thống ngân hàng của Việt Nam: Đánh giá chuyển đổi và Chiến lược cải cách” của PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn; 2) “Chính sách tiền tệ của Việt Nam” của TS. Nguyễn Ngọc Thanh; 3) “Bất bình đẳng trong giáo dục tại Việt Nam: bằng chứng từ khảo sát mức sống của các hộ gia đình Việt Nam” của TS. Vũ Quốc Huy; 4) “Thách thức về kinh tế và nguồn nhân lực tại các nước tiểu vùng sông Mekong: Tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập tại Việt Nam từ 1986 đến 2008” của TS. Bùi Đại Dũng và 5) “Phân cấp phân quyền trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam: nghiên cứu so sánh tại Đăk Nông và Hậu Giang” của TS. Nguyễn Quốc Việt.
Tại buổi khai mạc Hội thảo, thay mặt Trường Đai học Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã phát biểu cảm ơn TRF đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu của trường có thể hợp tác nghiên cứu với các nhà nghiên cứu Thái Lan, qua đó giúp cho các nhà nghiên cứu của cả hai nước có cơ hội trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu lẫn nhau về các vấn đề kinh tế và xã hội của mỗi nước nói riêng cũng như các nước khác ở tiểu vùng Châu Á nói chung.
Báo cáo của các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã được TRF và các nhà nghiên cứu Thái Lan đánh giá cao về chất lượng khoa học cũng như tính ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu. Thông qua những ý kiến bình luận, góp ý, thảo luận giữa các nhà nghiên cứu, đặc biệt là của các đối tác cùng nghiên cứu trong cùng chủ đề và lĩnh vực chuyên môn, các báo cáo sẽ được chỉnh sửa để đăng kỷ yếu hội thảo và được lựa chọn để đăng tải tại các tạp chí nghiên cứu quốc tế.
Trong quá trình tham dự Hội thảo, nhóm nghiên cứu của Việt Nam cũng đã thảo luận với đại diện của TRF và các nhà nghiên cứu đối tác của Thái Lan về giai đoạn hợp tác tiếp theo. Các bên đã thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu giai đoạn II, theo đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam và các đối tác Thái Lan sẽ tiếp tục cùng nghiên cứu về một chủ đề, trên cơ sở nghiên cứu đã được thực hiện nhưng sâu hơn, rộng hơn và mang tính so sánh giữa hai nước.
Hoạt động trên của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phản ánh định hướng nghiên cứu mang tính mở và là một trong những bước đi đầu tiên của trường nhằm từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới nghiên cứu khu vực và toàn cầu.


Đoàn Thúy