GS. Sakyo Yoshidahonmachi (thứ 2 từ trái sang) đang thuyết trình trước cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa KTCT
Tiếp nối những hoạt động hợp tác giữa Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Nghiên cứu Kinh tế, Trường Đại học Kyoto - Nhật Bản (KIER), ngày 14/9/2009, Giáo sư Satoshi Mizobata đã có buổi thuyết trình tại Trường ĐHKT với chủ đề “Hệ thống kinh tế Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng toàn cầu: Sự thay đổi và tiếp tục”. Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của các cán bộ, giảng viên và cả các sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị.
Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Satoshi Mizobata đã chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng toàn cầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Nhật Bản mặc dù nó chỉ gây ra đổ vỡ nhẹ trong lĩnh vực ngân hàng. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ còn để lại những hậu quả lâu dài tới cấu trúc và hệ thống kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản hiện vẫn tiếp tục tăng trưởng, dù với tỉ lệ thấp, thông qua những sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống kinh tế. Đồng thời, Giáo sư cũng nhấn mạnh, sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản là chưa rõ ràng mà chỉ là một dạng “bình minh giả tạo” và cần phải có những bước đi thận trọng hơn. Từ đó, Giáo sư đi đến kết luận rằng, tình hình hiện nay “buộc Nhật Bản phải tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của mình. Kết quả là, hệ thống kinh tế ngày càng trở nên pha trộn giữa hiện trạng với mô hình Mỹ. Hệ thống kinh tế Nhật Bản đang duy trì những đặc điểm cốt lõi của nó nhờ văn hóa của đào tạo kỹ năng truyền thống và sự đặc biệt của thị trường lao động (như cơ chế khen thưởng)”. Cuối cùng, Giáo sư cũng đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam trong bối cảnh “hậu khủng hoảng”, trong đó quan trọng nhất là phải giữ được các giá trị truyền thống của mình.
Bài thuyết trình mang tính chuyên môn cao và có ý tưởng hay, được trình bày một cách sinh động và xúc tích. Những vấn đề của Nhật Bản mà Giáo sư đã nêu trong bài thuyết trình đã được những người tham gia buổi tọa đàm quan tâm đặt câu hỏi, trao đổi và thảo luận hết sức sôi nổi.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, buổi tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp, tạo đà cho việc phát triển các hoạt động trao đổi học thuật và nghiên cứu khoa học giữa Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với Viện Nghiên cứu Kinh tế nói riêng và với Đại học Kyoto nói chung trong thời gian tới.