Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Khoa Kinh tế Quốc tế tổ chức Seminar cho 2 đề tài NCKH cấp ĐHQG

Ngày 28/12/2009, Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT đã tổ chức seminar cho 2 đề tài NCKH cấp ĐHQGHN: Đề tài “Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” do PGS.TS. Hà Văn Hội chủ trì; và đề tài “Hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Campuchia và Lào” do PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên chủ trì.


Tham dự buổi Seminar có đại diện lãnh đạo Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển, Ban chủ nhiệm cùng đông đảo cán bộ, giảng viên của Khoa KTQT.
Mở đầu buổi seminar, PGS.TS. Hà Văn Hội đã thuyết trình các vấn đề chủ yếu trong đề tài, qua đó xin ý kiến đóng góp, nhận xét của các cán bộ, giảng viên. PGS. TS. Hà Văn Hội nhấn mạnh đến việc phân tích cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu của logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời đưa ra một số giải pháp phát triển logistics tại Việt Nam. Đề tài đã nhận được sự đánh giá cao của các cán bộ giảng viên về tính cấp thiết và sự phù hợp cũng như về mặt cơ sở lý luận. Đa số các cử tọa có mặt đều nhất trí đây là một đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam.
Trong phiên thứ hai của buổi seminar, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên đã trình bày tóm lược những kết quả nghiên cứu của đề tài, bao gồm sản phẩm bài báo về Quan hệ thương mại Việt Nam - Campuchiacùng với những vấn đề nghiên cứu xoay quanh thực trạng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Lào, thành tựu cũng như cơ hội và thách thức trong thời gian tới giữa quan hệ hợp tác 3 bên... Xoay quanh nội dung của đề tài nghiên cứu, trong phần góp ý, TS. Nguyễn Thị Kim Anh - Giảng viên Khoa KTQT nhấn mạnh chủ trì đề tài nên tập trung phân tích những nhân tố mới tác động tới quá trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.
Phát biểu ý kiến tại buổi seminar, ThS. Lê Thị Thanh Xuân - Phó trưởng Phòng NCKH&HTPT đã đồng tình với những ý kiến đóng góp của các cán bộ và giảng viên trong Khoa, đồng thời nhấn mạnh đây là 2 đề tài khoa học cấp ĐHQG được nghiên cứu sâu, có ý nghĩa về mặt lý luận và thiết thực đối với Việt Nam.
Qua buổi seminar, hai chủ trì đề tài đã nhận được những ý kiến đóng góp hết sức hữu ích của cán bộ giảng viên giúp cho việc hoàn thiện một số nội dung nghiên cứu của đề tài. Theo kế hoạch dự kiến, 2 đề tài trên sẽ được nghiệm thu vào cuối tháng 5/2010.


Bảo Ngọc (K.KTQT)


Các tin khác