Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Nghiên cứu khoa học Khoa Kinh tế Quốc tế: Một năm nhìn lại

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học là một chương trình công tác lớn của Khoa Kinh tế Quốc tế bởi đây là nhiệm vụ chính gắn chặt với công tác đào tạo, là điều kiện để tồn tại, phát triển và nâng cao uy tín vị thế của Khoa trong xã hội.


Năm học 2008 - 2009 vừa qua, tập thể cán bộ khoa học của Khoa đã đăng ký và được chủ trì thực hiện một số lượng đáng kể các đề tài KHCN. Với 06 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN, 4 đề tài NCKH cấp Trường với tống số kinh phí thực hiện là 280 triệu đồng (Phụ lục 01). Đặc biệt, trong năm 2009 các cán bộ khoa học của Khoa đã được phê duyệt, giao nhiệm vụ thực hiện 02 đề tài cấp Nhà nước, trong các chương trình KX.01, KX.03 với tổng kinh phí thực hiện trên 3,8 tỷ đồng. Đề tài cấp nhà nước KX 01.18/06-10 “Cơ sở khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020” thuộc Chương trình cấp trọng điểm cấp Nhà nước KX01.06/10 “Những vấn đề cơ bản của phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì và đề tài cấp nhà nước KX 03.03/06-10 “Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế” thuộc Chương trình cấp trọng điểm cấp Nhà nước KX03.06/10 - "Xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế"do PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ chủ trì dự kiến được nghiệm thu trong năm 2010. Đây là hệ 2 đề tài cấp nhà nước trong tổng số 3 đề tài cấp nhà nước của toàn Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
Bên cạnh đó, cán bộ khoa học của trường còn đề xuất, đăng ký và được giao thực hiện 01 đề án trọng điểm của ĐHQGHN - Phát triển văn hóa cộng đồng và xây dựng kế hoạch chiến lược thương hiệu của Đại học Quốc gia Hà Nội - do PGS.TS Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Đề án với những mục tiêu tổng thể nhằm xây dựng luận cứ khoa học và các giải pháp cụ thể nhằm phát triển văn hóa cộng đồng và xây dựng, phát triển chiến lược thương hiệu của ĐHQGHN là một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa trong năm học vừa qua. Thêm vào đó, Khoa Kinh tế Quốc tế còn đi đầu trong việc xây dựng và triển khai một đề án trọng điểm khác của ĐHQGHN - “Xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn và quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO (Conceive, Design, Implement and Operate) và áp dụng cho ngành Kinh tế đối ngoại Chất lượng cao tại ĐHQGHN” - do TS. Vũ Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế chủ trì. Đề án đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc và đang tiến hành các bước tiếp theo để áp dụng triển khai vào thực tế cho chương trình cử nhân Chất lượng cao ngành Kinh tế đối ngoại.

Buổi nghiệm thu Đề án “Xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn và quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO và áp dụng cho ngành Kinh tế đối ngoại Chất lượng cao tại ĐHQGHN”

Buổi nghiệm thu Đề án “Xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn và quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO và áp dụng cho ngành Kinh tế đối ngoại Chất lượng cao tại ĐHQGHN”

Ngoài ra, một số nhóm cán bộ KHCN của Khoa còn nhận được một số dự án, đề tài nghiên cứu từ một số tổ chức nước ngoài (ADB), các cơ quan bộ ban ngành trong nước (Vụ thương mại dịch vụ), công ty, tập đoàn lớn. Các hoạt động nghiên cứu đã thu hút mạnh mẽ sự tham gia của cán bộ giảng viên, sinh viên, học viên đồng thời là điều kiện căn bản để thu hút vào đào tạo của Khoa và trường. Trong năm học vừa qua, Khoa có tổng cộng 19 bài báo được đăng ở các tạp chí chuyên ngành trong nước và 02 bài báo được đăng ở tạp chí chuyên ngành quốc tế (Phụ lục 02). Bên cạnh đó, các cán bộ của Khoa cũng đã tích cực tham gia hiệu quả các hội nghị, hội thảo KHCN quốc tế (Phụ lục 03). Số báo cáo tại các hội thảo quốc tế và trong nước tăng liên tục và đáng kể theo các năm, trong đó nhiều báo cáo có chỉ số ảnh hưởng đáng chú ý. Với tính chủ động cao, Khoa cũng rất tích cực trong việc tham dự các Hội thảo cấp trường cũng như trực tiếp tổ chức các hội nghị khoa học cấp Khoa, các hội nghị sinh hoạt chuyên môn, các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm học tập và nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên, trong đó có điểm nhấn là chùm các hội thảo dành cho hệ sinh viên khối chất lượng cao ngành kinh tế đối ngoại với nhiều chủ đề đa dạng.
Song song với các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, Khoa cũng rất chú trọng đến việc phát triển và nâng cao chất lượng sinh viên nghiên cứu khoa học. Năm học 2008 - 2009 đánh dấu điểm mốc thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế. Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Khoa với 26 đề tài nghiên cứu thu hút được đông đảo và đầy đủ sinh viên các khóa trong toàn Khoa tham gia (
Phụ lục 04). Hội nghị đã lựa chọn được 01 công trình tham dự Hội nghị NCKHSV cấp Trường. Đặc biệt hơn nữa, công trình này đoạt giải nhất cấp Trường và xuất sắc hơn cả khi giành giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Bộ. Đó là đề tài “Đo lường quy mô khu vực kinh tế ngầm Việt Nam, 1994 - 2004” do TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương hướng dẫn, được thực hiện bởi nhóm sinh viên Nguyễn Đình Minh Anh, Nguyễn Mai Anh, Hoàng Xuân Diễm - Lớp QH 2006E CLC.

Năm 2009, sinh viên Khoa KTQT đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học.

Năm 2009, sinh viên Khoa KTQT đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học.

Cùng với thế mạnh về nghiên cứu, Khoa cũng tập trung phát triển đội ngũ giảng viên cũng như các nhà khoa học. Trong năm vừa qua, Khoa đón tin vui về tổ chức khi có 2 cán bộ (TS. Nguyễn Xuân Thiên và TS. Hà Văn Hội) được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư qua đó làm gia tăng đội ngũ Phó Giáo sư của Khoa lên 4 người trên tổng số 15 cán bộ giảng dạy của Khoa. Thế mạnh về đội ngũ của Khoa còn được thể hiện qua sự phát triển mạnh của lực lượng đông đảo của các giảng viên trẻ mà đại đa số tốt nghiệp từ các đại học tiên tiến trên thế giới. Lực lượng cán bộ khoa học này đã được tổ chức và có hoạt động tốt tại các bộ môn thực hiện được đầy đủ các mục tiêu nghiên cứu do Khoa đặt ra.
Trong năm học tới, Khoa Kinh tế Quốc tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tiếp tục phát huy tập trung đẩy mạnh hoạt động NCKH gắn với chiến lược, kế hoạch khoa học công nghệ của Trường Đại học Kinh tế dựa trên phương châm xây dựng định hướng cụ thể về nghiên cứu chuyên môn, tăng cường kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu thực tiễn, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước về đào tạo nghiên cứu. Ngoài ra, Khoa cũng sẽ tập trung phát triển 1 nhóm nghiên cứu mạnh nhằm mục tiêu tăng cường tính tập trung, có trọng điểm trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, tập trung khai thác được tất cả mọi nguồn lực một cách hợp lý phục vụ cho mục tiêu phát triển của Khoa và Nhà trường.


Khoa Kinh tế Quốc tế Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN