Ngày 26/2/2010, Khoa Kinh tế Quốc tế đã tổ chức hội thảo về chủ đề “Đánh giá tiến trình đổi mới của Việt Nam và bài học kinh nghiệm” với sự tham dự của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế.
Mở đầu cuộc hội thảo, PGS.TS Lê Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, đã báo cáo 5 nội dung cơ bản về đối mới kinh tế của Việt Nam, gồm: Chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Từng bước hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Chuyển một nền kinh tế khép kín, nhập khẩu là chủ yếu sang nền kinh tế mở, chủ động hội nhập, hướng mạnh về xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế và có hiệu quả; Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội vì mục tiêu phát triển con người; Từng bước đổi mới hệ thống chính trị.
Tiếp đó TS. Nguyễn Thị Kim Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Quan hệ Kinh tế Quốc tế đã chia sẻ những quan điểm trong quá trình đổi mới toàn diện và đồng bộ, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong điều kiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế trí thức; nâng cao chất lượng hiệu quả của giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hội thảo cũng nghe chia sẻ của PGS.TS. Hà Văn Hội và TS. Nguyễn Thị Kim Chi - giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, vai trò của văn hoá trong phát triển xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, mở rộng quan hệ đối ngoại vì sự phát triển đất nước.
Ngoài những vấn đề nêu trên, các cán bộ và sinh viên tham dự Hội thảo còn bàn luận, chia sẻ những hiểu biết về bối cảnh thế giới, bối cảnh khu vực, bối cảnh mới của Việt Nam trong tiến trình đổi mới cũng như các vấn đề khác xoay quanh nội dung thoát khỏi “bẫy phát triển trung bình”, tình trạng ô nhiễm, cải cách thể chế cũng như việc lựa chọn đối tác chiến lược trong tiến trình phát triển mới,... Những nhận thức, thông tin, kinh nghiệm được chia sẻ từ hội thảo sẽ góp phần nâng cao hiểu biết về những mục tiêu của Việt Nam trong tiến trình đổi mới; song song với việc bảo vệ môi trường, khai thác năng lượng hợp lý, đảm bảo phát triển bền vững quốc gia. Buổi hội thảo đã tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên của Khoa trao đổi học thuật, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đặc biệt góp phần quan trọng cho việc nâng cao trình độ của sinh viên ngành Kinh tế Đối ngoại.