Ngày 29/03/2018, Khoa Kinh tế Chính trị tiếp đón Hội đồng biên soạn giáo trình môn Kinh tế Chính trị Mác - Lênin của Bộ GD&ĐT do PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa –Chủ tịch Hội đồng làm trưởng đoàn cùng các thành viên trong Hội đồng. Về phía Khoa KTCT có PGS.TS Trần Đức Hiệp – Phó Chủ nhiệm phụ trách, Khoa Kinh tế Chính trị, TS. Trần Quang Tuyến – Phó Chủ nhiệm Khoa KTCT cùng toàn thể các thầy cô giáo Khoa KTCT.
Với tư cách chủ nhà, PGS. TS Trần Đức Hiệp đã phát biểu chào mừng Đoàn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Khoa Kinh tế Chính trị trong việc đổi mới Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin. PGS. TS Trần Đức Hiệp động viên và giao trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên của Khoa – một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu Kinh tế chính trị hàng đầu của đất nước - trong việc góp ý cho biên soạn Giáo trình mới và bày tỏ hy vọng Giáo trình mới sẽ đáp ứng được các kỳ vọng.
Tiếp đó, PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa giới thiệu các mục tiêu mà Giáo trình mới cần đạt được; cách thức tổ chức để thực hiện các mục tiêu đó; kết cấu, đề cương chi tiết của Giáo trình và những công việc mà Hội đồng đã thực hiện trong thời gian vừa qua. PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa cũng bày tỏ hy vọng được lắng nghe các ý kiến đóng góp của các thày, cô Khoa Kinh tế Chính trị, nơi có bề dày về đào tạo và nghiên cứu khoa học Kinh tế chính trị.
Ngay sau đó, các thày, cô Khoa Kinh tế Chính trị đã có rất nhiều ý kiến trên các phương diện liên quan đến Giáo trình mới. PGS.TS Đinh văn Thông có bài phát biểu dài, vừa mang tính tổng thể, từ mục tiêu đến kết cấu, tính lô gich của Giáo trình mới đến từng chương, mục của Đề cương Giáo trình. Sau khi có nhận xét tổng thể về Đề cương Giáo trình, PGS. TS. Phạm Thị Hồng Điệp đã chỉ ra những nội dung trùng lặp trong Đề cương. Tiếp đó là những trao đổi ngắn nhưng rất sôi nổi của PGS. TS Trần Đức Hiệp, TS. Lê Thị Hồng Điệp, TS. Nguyễn Thùy Anh… với các thành viên của Hội đồng. Hội nghị góp ý giáo trình KTCT diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ. Việc tổ chức giảng dạy Kinh tế chính trị theo Giáo trình mới cũng được các Thầy cô Khoa KTCT đưa ra từ những kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm cho các thế hệ sinh viên các hệ đào tạo khác nhau của Khoa…
Kết thúc buổi trao đổi, PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa cảm ơn các ý kiến đóng góp rất có giá trị của các thày, cô Khoa Kinh tế Chính trị. Nhiều góp ý sẽ được tiếp thu trong quá trình biên soạn Giáo trình mới. Mọi người chia tay trong không khí vui vẻ và hy vọng.