Tiếp
nối bài viết của học viên cao học Hà Thị Thanh Hậu "Vài suy nghĩ về
giải pháp chính sách tài khoá của Việt Nam trong tình hình đại dịch
Covid-19", Diễn đàn Học thuật dành cho học viên của Khoa Kinh tế
Chính trị xin chia sẻ bài viết tiếp theo của tác giả Lý Thị Lệ Ninh, học viên
cao học lớp QLKT 02, QH-2018-E ở một góc nhìn khác: "Một vài khuyến
nghị về chính sách tiền tệ trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 đến
nền kinh tế Việt Nam".
1. Đánh giá
tác động của đại dịch Covid-19
đến nền kinh tế Việt Nam
Trong bối
cảnh kinh tế thế giới liên tiếp
đón nhận khó khăn: Giá dầu thô giảm mạnh; Chiến
tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn; Căng thẳng
ngoại giao và kinh tế gia tăng
giữa Mỹ và Iran; Đặc biệt là dịch viêm đường
hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên toàn
cầu dẫn đến Cục Dự trữ
Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất, nhiều nước Châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe
dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm
tiêu dùng. Việt Nam cũng là nước chịu tác động mạnh và trực
tiếp cả phía cầu và phía cung.
Theo số
liệu điều tra của Tổng cục Thống kê,
GDP quý 1 năm 2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng
tín dụng tăng 1,3% so với đầu năm, lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng
3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Như vậy, mặc dù kinh tế Việt Nam
trong quý 1 vẫn duy trì được mức tăng trưởng thấp nhưng theo đánh giá của các
chuyên gia kinh tế, thì nền kinh tế sẽ “ngấm đòn” sâu hơn nếu đình trệ kéo dài
từ 2 quý trở lên.
Theo nhận
định của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác
giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tại “Báo cáo đánh giá về tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế
Việt Nam”, với phương pháp luận và phân tích, nhóm tác giả đánh giá có đến 9 ngành kinh tế chịu tác động
mạnh với mức độ thiệt hại "lớn" gồm (i) dệt may, da giày, (ii) sản
xuất sản phẩm từ gỗ, (iii) sản xuất kinh doanh thép, (iv) khai khoáng dầu mỏ,
(v) du lịch, (vi) vận tải, kho bãi, (vii) bán lẻ, (viii) tài chính ngân hàng,
bảo hiểm, (ix) giáo dục đào tạo và 7 ngành chịu tác động ở mức độ "vừa
phải” gồm (i) nông lâm
nghiệp thủy sản, (ii) các ngành phụ trợ nông nghiệp (iii) sản xuất giấy, (vi)
khai khoáng than, (v) xây dựng, (vi) kinh doanh bất động sản (cho thuê mặt bằng
thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ), (vii) dịch vụ y tế.
Ngoài ra,
trong quý 1/2020 cả nước có 18.600 doanh
nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia
lực lượng lao động trong quý cũng giảm ở mức kỷ lục 10 năm gần đây. Nguyên
nhân do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, tổng cầu nền kinh tế
giảm. Tuy nhiên, một số ngành không bị tác động thậm chí có sự tăng trưởng do
có sự thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm, nông sản.
2. Phản ứng chính sách tiền tệ của các
quốc gia đối với đại dịch
Covid-19
Nhận thức
chung của các quốc gia là Covid-19 có tác động vô cùng lớn tới nền kinh tế, đòi
hỏi những phản ứng chính sách nhanh và quyết liệt để khắc phục. Các chính sách
kinh tế vĩ mô nói chung, chính sách tiền tệ nói
riêng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những mục tiêu sau: (i)
Đảm bảo nhân lực, vật lực cho công tác chống dịch; (ii) Đảm bảo những nhu cầu
thiết yếu cho đời sống của người dân; (iii) Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ
- đối tượng có tiềm lực tài chính hạn chế, dễ tổn thương do hoạt động sản xuất
bị ngưng trệ; (iv) Duy trì tính thanh khoản của hệ thống tài chính; (v) Hỗ trợ
một số ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách kiểm soát dịch bệnh như
hàng không, du lịch, bán lẻ... Chỉnh phủ các nước triển khai đồng thời chính
sách tài khóa và chính sách tiền tệ để duy trì được các hoạt động kinh tế, xã
hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia
tăng, khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua
đi.
Chính
sách tiền tệ của các nước tập trung vào giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dữ trữ bắt
buộc, sử dụng các gói hỗ trợ tín dụng thông qua công cụ tái cấp vốn, nghiệp vụ
thị trường mở và các giải pháp hỗ trợ tín dụng khác như giãn nợ, giảm lãi suất,
cho vay ưu đãi… Ví dụ như
Chính phủ Mỹ liên tục cắt giảm lãi suất xuống còn 0% - 0,25%, thưc hiện gói hỗ trợ 700 tỷ USD mua trái phiếu, chứng
khoán được đảm bảo, các NHTW Châu Âu giảm lãi suất, mua trái phiếu, mua tài
sản. NHTW Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, sử dụng gói tái cấp vốn 800 tỷ
RMB… hay các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia giảm tỷ lệ
dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất…
3. Chính sách tiền tệ
của NHNN Việt Nam ứng phó
với đại dịch Covid-19
Trong quý
1 năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành linh hoạt các công cụ chính
sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, trong đó tập trung vào kiểm soát lạm
phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và toàn bộ
nền kinh tế.
Trong
công tác điều hành tỷ giá, NHNN đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó
với các tác động quốc tế cũng như diễn biến trong nước. Trong 3 tháng đầu năm,
tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá đồng Việt Nam biến động trong biên độ khoảng 1,3 - 1,5%; có thể nói là ổn định so với sự biến động rất mạnh của
tỷ giá các đồng tiền một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thị trường
ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu
ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng.
Để đối
phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, NHNN
cũng đã chỉ đạo, có các giải pháp rất mạnh về lãi suất, ban hành các quy định
đầy đủ. Về lãi suất, từ cuối năm 2019 và đặc biệt từ tháng 3/2020, NHNN đã chủ
động kịp thời điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở mức giảm khá mạnh từ
0,5-1% các mức lãi suất điều hành. Bên cạnh việc tập trung đáp ứng vốn tín dụng
cho người vay vốn, NHNN đã chủ động thực hiện một số các biện pháp ngay để hỗ
trợ doanh nghiệp và người dân, đặc
biệt là ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020, chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020
tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ kể cả
khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ trong thời gian từ ngày
23/1/2020 là ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch cho đến sau 03 tháng kể từ
ngày Thủ tướng công bố hết dịch mà không bị chuyển nợ quá hạn, không phải trả gốc, lãi trong giai đoạn này và vẫn tiếp tục
được vay mới. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) công khai minh bạch các thủ tục, điều kiện với khách hàng và định kỳ báo cáo kết quả thực
hiện. Đây là những giải pháp quan trọng, cần thiết để hỗ trợ dòng tiền và thanh
khoản cho doanh nghiệp và khách hàng vay vốn
tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh còn
đang diễn biến hết sức phức tạp.
4. Khuyến nghị đối với chính
sách tiền tệ của Việt Nam trong
thời gian tới
Trong
giai đoạn phòng chống dịch:
Trong bối
cảnh nguồn lực luôn có hạn, tổng cầu nền kinh tế suy giảm, để thận trọng khi sử
dụng các công cụ của chính sách tiền tệ cần
quan tâm đến các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp
tục tập trung hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi
dịch Covid-19 đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm chi phí sản xuất,
kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối
với các khoản nợ đến hạn, giảm lãi suất, các loại phí, giá dịch vụ, hỗ trợ cho vay mới vốn lưu động nhằm giảm chi phí sản xuất,
kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì được
khả năng thanh khoản và không lâm vào tình trạng phá sản.
Thứ hai, mở
rộng thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp thuộc
ngành vẫn còn tăng trưởng, có lợi thế kinh doanh tương đối gồm kinh doanh
online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân
nhiệt do nhu cầu tiêu dùng trong nước và nước ngoài tăng cao. Phát triển ngay
các gói sản phẩm ngân hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng này với các chương
trình hỗ trợ vay vốn: tín dụng hạn mức, L/C, thanh toán cho nhân viên… với các
dịch vụ ưu đãi kèm theo như bảo hiểm doanh nghiệp, bảo hiểm cho nhân
viên… để một mặt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mặt khác khuyến
khích xuất khẩu sang nước ngoài thu ngoại tệ bù đắp vào dự trữ ngoại hối quốc
gia khi nguồn ngoại tệ thu từ xuất khẩu dầu thô và khối FDI sụt giảm, góp phần
ổn định tỷ giá trong điều kiện các NHTW đồng loạt hạ lãi suất.
Thứ ba, chương
trình ưu đãi cho vay đối với khối doanh nghiệp FDI thông qua nới lỏng điều kiện
cho vay nhằm giảm thiểu dòng vốn đầu tư rút khỏi Việt Nam, ảnh hưởng đến dự trữ
ngoại hối, tỷ giá hối đoái và môi trường đầu tư. Mặt khác, thu hút các nguồn
vốn FDI đang có xu hướng rút khỏi Trung Quốc có thể chảy vào Việt Nam.
Thứ tư, tăng
cường giao dịch điện tử của hệ thống ngân hàng đảm bảo an toàn và thuận lợi cho khách hàng.
Thứ năm, thực
hiện các gói tín dụng tái cấp vốn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các NHTM
nhằm duy trì năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế khi khả năng thanh khoản của
ngân hàng sụt giảm vì lý do giãn nợ, giảm lãi và thiếu nguồn vốn huy động trong
xã hội và giảm nguy cơ suy yếu của hệ thống NHTM.
Thứ sáu, tăng
cường các biện pháp ổn định tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn trên cơ sở cung cấp
thanh khoản quốc tế trong phạm vi cho phép về nguồn lực trên thị trường ngoại
hối nội địa.
Thứ bẩy, chia
sẻ thông tin và hợp tác với các NHTW của các quốc gia trong khu vực để chủ động
ứng phó khi chính sách tiền tệ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới
có sự thay đổi.
Trong
giai đoạn phục hồi sau dịch:
Dịch
Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với
các nền kinh tế trên thế giới nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu
biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn
cầu do dịch gây ra. Việt Nam cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành,
lĩnh vực, nền kinh tế đất ước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác
định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền
kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển
và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng...
Theo kế
hoạch năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900
nghìn tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%. Vì
vậy, sau dịch Covid-19, NHNN cần phải đẩy mạnh các giải pháp:
Thứ nhất, thực
hiện tái cấp vốn để các NHTM cho các tập đoàn lớn, đầu tàu vay để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.
Thứ hai, phát
triển chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc các gói cho vay ưu đãi với
mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, định hướng sản xuất kinh doanh mới.
Thứ ba, phát
triển và mở rộng chương trình cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân để kích cầu
nền kinh tế.
Thứ tư, phát
triển gói tín dụng ưu đãi cho các đối tượng có thu nhập thấp như gói tín dụng
mua nhà ở, sản xuất kinh doanh nhỏ… vì
đây là thị phần khách hàng rất tiềm năng ở Việt Nam đồng thời khuyến khích đầu
tư sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, phát
triển ngân hàng điện tử, ngân hàng số, xác thực điện tử (e-KYC) để khách hàng
không phải đến ngân hàng giao dịch trực tiếp đồng thời rút ngắn thời gian của
các giao dịch thanh toán qua hệ thống ngân hàng, tăng tính thanh khoản toàn hệ
thống ngân hàng.
Trong bất
cứ tình huống nào, NHNN cũng cần có phương án để điều hành hoạt động ngân hàng
đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống
dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn nhằm tạo cơ hội, tạo đà cho các doanh nghiệp, hộ
gia đình và cá nhân hồi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống và từ đó
thúc đẩy nền kinh tế nước ta tăng trưởng trở lại.
Tài liệu
tham khảo:
1. Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền
kinh tế và các khuyến nghị chính sách của Trường Đại học kinh tế Quốc dân.
2. http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/15243-dai-dich-covid-19-tac-dong-manh-den-nganh-kinh-te-nao-cua-viet-nam
DOWNLOAD bài
viết: