Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
EVFTA - Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam dưới góc nhìn sinh viên ngành kinh tế

Sau 9 năm đàm phán, ngày 1/8/2020 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thứ hai có hiệu lực, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp 2 bên, từ đó đã mở ra những cơ hội, triển vọng to lớn cũng như cả những thách thức cho Việt Nam để có thể thực sự tận dụng được những lợi ích mà EVFTA có thể mang lại cho chúng ta


Cơ hội và triển vọng từ EVFTA

Thứ nhất, xóa bỏ 99% dòng thuế. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Thứ hai, bình đẳng thị trường 500 triệu dân EU và gần 100 triệu dân Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu). Ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường của một quốc gia thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với dân số gần 100 triệu người.

Thứ ba, cơ hội thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch hơn. Những cam kết về quản trị nhà nước sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU nói riêng.

Thứ tư, cú hích thu hút dòng vốn đầu tư ngoại. EVFTA bắt đầu có hiệu lực được kỳ vọng giúp Việt Nam đón thêm dòng vốn đầu tư chất lượng từ các nhà đầu tư EU. Đáng chú ý, sau dịch Covid-19, các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh tập trung vào một thị trường đơn lẻ. Việt Nam hoàn toàn có lợi thế hơn so với các nước khu vực trong việc thu hút vốn từ thị trường này.

Thách thức và khó khăn

Với EVFTA, cơ hội mở ra rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức như sau:

Một là, các rào cản TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại), SPS (các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật). EU là một thị trường khó tính, khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.

Hai là, sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU. Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.

Ba là, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng. Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

Bốn là, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại. Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Và EU cũng là một trong những thị trường có "truyền thống" sử dụng các công cụ này.

Cơ hội mới và trách nhiệm của sinh viên nhìn từ EVFTA

Hiệp định EVFTA đem lại rất nhiều lợi ích và cơ hội cho đất nước chúng ta, cho các doanh nghiệp, người dân và chính những sinh viên đại học. Dưới góc nhìn của một sinh viên ngành kinh tế, có thể nhận thấy những cơ hội cũng như những yêu cầu, trách nhiệm mà mỗi sinh viên cần quan tâm từ EVFTA là:

Thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập vì nhờ có EVFTA và giao lưu thương mại rộng mở, các cơ hội công việc tốt sẽ đến với những người trẻ trong những năm tới sẽ nhiều hơn, những sinh viên có trình độ và kỹ năng tốt sẽ có cơ hội chiếm lĩnh công việc trong chuỗi thương mại Việt Nam và EU.

Sinh viên cũng có cơ hội sở hữu ô tô và nhiều tài sản có giá trị lớn sớm hơn. “Chuẩn bị mua ô tô với giá rẻ thôi” là câu nói mà chúng ta thường nghe thấy trong thời gian gần đây khi Việt Nam chính thức ký kết EVFTA. Để hiểu rõ hơn hãy xem ví dụ sau: 1 chiếc ô tô BMW 320i nhập nguyên từ Đức đang phải chịu thuế 70% có giá giá bán hiện nay khoảng 1,65 tỷ đồng thì khi EVFTA có hiệu lực, trung bình mỗi năm thuế giảm khoảng 7,7% và sẽ giảm về 0% sau 9 năm với mức giá chỉ còn 1,1 tỷ đồng chưa kể thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế giá trị gia tăng giảm xuống.

 

Sinh viên Ngành Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tự tin thể hiện bản thân

Sinh viên cần chuẩn bị kiến thức và sẵn sàng trong giai đoạn hội nhập mới của đất nước:

Không ngừng nâng cao và hoàn thiện năng lực bản thân (tiếp thu kiến thức và vận dụng kiến thức vào mỗi công việc nhỏ ngay khi có thể, rèn luyện để hình thành kỹ năng, học tiếng Anh mỗi ngày…).

Nhận thức về các ngành mà Việt Nam được hưởng lợi lớn và trực tiếp từ EVFTA để học tập và lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, theo thứ tự ưu tiên về thuế suất đó là: Cà phê, túi xách, ví, vali, mật ong tự nhiên, nông sản, sản phẩm gốm sứ, thủy tinh, nhựa, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm điện tử máy vi tính và linh kiện, nhóm ngành dệt may, da giày, thủy sản...

Thể hiện tinh thần tự hào dân tộc thông qua việc tự tin hội nhập với môi trường làm việc quốc tế, học hỏi, tiếp thu và vận dụng sáng tạo với điều kiện Việt Nam.

Nhưng để vững vàng vươn ra biển lớn, con thuyền phải vững chắc từ vật liệu làm ra nó. Đó là con người Việt Nam hội nhập với bản sắc riêng. Sẽ rất sai lầm khi nghĩ rằng hội nhập với thế giới thì phải ráng làm như người Anh, người Pháp...

Cuối cùng, hãy chủ động nắm bắt cơ hội cho bản thân.“Hãy nắm lấy cơ hội! Tất cả cuộc đời là cơ hội. Người tiến xa nhất thường là người sẵn sàng hành động và chấp nhận thách thức”.


Phạm Minh Thuý Sinh viên Lớp QH-2019 Kinh tế CLC5