Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
TẠI SAO NĂNG SUẤT QUAN TRỌNG – CẦN GÓC NHÌN VÀ PHÂN TÍCH SÂU HƠN

GS. Lê Văn Cường
Ngày 24/12/2020 vừa qua, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo trực tuyến (webinar) với chủ đề “Tại sao năng suất quan trọng” với sự tham dự của các đại biểu, các giảng viên và nghiên cứu sinh.


Diễn giả của hội thảo là GS. TS. Lê Văn Cường, Giáo sư danh dự (Emeritus Chair) tại Trường Kinh tế Paris (PSE), Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne; Giám đốc nghiên cứu danh dự (Directeur de Recherche émérite) tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS); Giám đốc Trung tâm đào tạo và nghiên cứu nâng cao về Kinh tế và Khoa học dữ liệu (Center for Advanced Studies in Economics and Data Science - CASED) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN, Hà Nội, Việt Nam).

 

Các đại biểu tham gia hội thảo trực tuyến

Theo GS. Lê Văn Cường năng suất là yếu tố cốt lõi để Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở năng suất lao động thì đó là một sự thiếu sót. Theo ông, hiện mọi người nói rất nhiều về năng suất lao động nhưng lại quên đi năng suất vốn và năng suất tổng hợp. Cũng không thể tách độc lập vấn đề năng suất vốn và năng suất lao động mà cần phải có sự kết hợp hợp lý của hai năng suất này để phát triển bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam còn cần quan tâm đến yếu tố thứ ba là năng suất tổng hợp (TFP). Năng suất các yếu tố tổng hợp là một vấn đề được đề cập nhiều trong mục tiêu của các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hay các địa phương gần đây như quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có nêu mục tiêu cụ thể sau: Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity – TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 30% vào năm 2015 và lên ít nhất 35% vào năm 2020.

 

Chia sẻ từ PGS. TS. Phạm Văn Dũng

Bên cạnh đó, GS. Cường cũng đề cập đến một vấn đề quan trọng đó là phần biến số không được xác định "overhead" ẩn giấu trong tiết kiệm của quốc gia và được dùng như thu nhập của cá nhân ở một số quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Để giải quyết các vấn đề trên, GS. Cường cho rằng cần xem xét cụ thể về nhu cầu về nhân sự cũng như công nghệ của các công ty; cải cách hệ thống giáo dục; minh bạch chi phí "overhead" để đo chính xác được năng suất... thông qua đó, giúp Việt Nam có sự phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

 

Món quà Giáng sinh từ nhà khoa học đáng kính với thày cô giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị

Buổi hội thảo được diễn ra đúng vào dịp Lễ Giáng sinh như một món quà tinh thần ý nghĩa mà nhà khoa học đáng kính GS. TS. Lê Văn Cường - người mang 2 quốc tịch Pháp và Việt - đã dành cho các giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị và các đại biểu tham dự hội thảo.


Hương Lan