TS. Nguyễn Đức Bảo - Giảng viên khoa Kinh tế chính trị bên các sinh viên
Sau rất nhiều lần hẹn mà chưa gặp được do lịch công tác và giảng dạy dày đặc, cuối cùng một chiều cận tết Nguyên Đán Tân Sửu, chúng tôi (PV) cũng có cơ hội ngồi trao đổi với TS. Nguyễn Đức Bảo - giảng viên trẻ năng động Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN người vừa có bài báo khoa học lọt top Q1 được đăng trên tạp chí The World Economy năm 2020 với tiêu đề: “Financial intermediation, trade agreements and international trade”.
PV: Xin chào TS. Nguyễn Đức Bảo. Anh có thể giới thiệu sơ qua về bài báo của mình vừa được đăng trên Tạp chí The World Economy để độc giả có cái nhìn khái quát về công trình khoa học của mình không?
TS. Nguyễn Đức Bảo: Bài báo “Financial intermediation, trade agreements and international trade" của mình và Giáo sư Anne-Gaël Vaubourg (Đại học Poitiers, Cộng hoà Pháp) được xây dựng với mục đích xác định xem liệu tác động thuận lợi của trung gian tài chính đối với xuất khẩu có bị suy yếu khi tồn tại hiệp định thương mại tự do giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu. Và thực tế đã chứng minh rằng có sự xuất hiện của hiệu ứng này, chứng tỏ rằng khi hiệp định thương mại giữa 2 quốc gia thì trung gian tài chính đóng vai trò ít hơn trong việc thúc đẩy xuất khẩu.
Cụ thể hơn, thông qua mô hình trọng lực trên dữ liệu của 69 quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới trong giai đoạn 1986 - 2006, bài nghiên cứu này cho thấy hiệu ứng thúc đẩy thương mại từ trung gian tài chính ở nước xuất khẩu và nước nhập khẩu sẽ yếu hơn khi hai nước này cùng tham gia một hiệp đinh thương mại tự do. Nhóm nghiên cứu cũng xác nhận rằng tác động giảm thiểu được mô tả ở trên sẽ thể hiện ở một mức độ yếu hơn với các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp mà việc tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng đối với những mặt hàng này.
Máy tính và sổ tay luôn đi cùng TS. Nguyễn Đức Bảo để có thể ghi lại ý tưởng bất cứ lúc nào
PV: Điều anh tâm đắc nhất về bài báo là gì? Anh có thể chia sẻ một đoạn nội dung nổi bật?
TS. Nguyễn Đức Bảo: Theo mình bài báo thể hiện được rõ tính mới, độc đáo khi ý tưởng cũng như phương pháp nghiên cứu chưa từng được áp dụng trong một nghiên cứu khoa học nào trước đây về chủ đề này. Độc giả có thể tham khảo đoạn nội dung sau để hiểu hơn về bài báo: "To our knowledge, this study is one of the first to identify the impacts of the interaction term between a financial intermediation indicator with regional trade agreements on international trade within a panel data gravity model."
Dịch: "Theo hiểu biết của chúng tôi, nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên xác định tác động qua lại giữa trung gian tài chính và các hiệp định thương mại khu vực đối với thương mại quốc tế thông qua mô hình trọng lực".
Lớp học mở của TS. Nguyễn Đức Bảo - nơi giảng viên và sinh viên trao đổi kiến thức chứ không chỉ là nói và nghe
PV: Vì sao anh chọn chủ đề này cho công trình nghiên cứu của mình?
TS. Nguyễn Đức Bảo: Đây là bài báo phát triển từ luận án Tiến sĩ kinh tế của mình, đã bảo vệ thành công vào tháng 11/2019 tại Đại học Bordeaux, Pháp. Ý tưởng ban đầu của bài báo đã được hình thành cách đây gần 2 năm và sau đó những bước hoàn thiện, phản biện bài báo cuối cùng đã được mình thực hiện trong những ngày đầu về công tác tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đây cũng là một sản phẩm nghiên cứu khoa học thể hiện sự giao thoa giữa lý luận kinh tế quốc tế và tài chính quốc tế. Thêm vào đó, mình rất vinh dự được cùng tiến hành nghiên cứu này và xuất bản cùng Giáo sư đồng hướng dẫn luận án tiến sĩ của mình là Cô giáo, Giáo sư Anne-Gaël Vaubourg.
TS. Nguyễn Đức Bảo: "Tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục học hỏi, đó chính là cách mà tôi chọn để cống hiến"
PV: Vì sao sau một quá trình tu nghiệp khá lâu tại nước ngoài, anh lại chọn Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm điểm dừng chân? Đã trải qua một thời gian làm việc tại UEB, anh nhận thấy môi trường tại đây thế nào?
TS. Nguyễn Đức Bảo: Trước khi về nước, mình có tìm hiểu được rằng UEB là một môi trường vô cùng năng động, có độ mở cao trong hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và giảng dạy. Các thầy cô trong khoa và trong trường, từ những ngày đầu, đã tích cực hỗ trợ mình, bảo ban, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hoà nhập với môi trường làm việc của khoa, trường và các công tác giảng dạy, nghiên cứu. Thêm vào đó, mô hình của UEB và ĐHQGHN đối với mình giống như ngôi trường mà mình đã từng học tập và nghiên cứu tại Pháp. University of Bordeaux cũng là một ngôi trường của vùng, có mô hình liên kết rất mạnh giữa các khoa viện và các trường đại học trực thuộc. Mình rất mong muốn được tham gia và cống hiến nhiều hơn nữa vào hoạt động nghiên cứu khoa học của trường thông qua những dự án nghiên cứu khoa học hợp tác cùng các thầy cô, đồng nghiệp, học viên và sinh viên của trường.
TS. Nguyễn Đức Bảo: "UEB tạo cảm giác như ngôi trường mà tôi đã từng theo học tại Pháp".
PV: Xin TS. Bảo chia sẻ một số thông tin về định hướng sắp tới về giảng dạy và nghiên cứu của mình tại UEB ạ?
TS. Nguyễn Đức Bảo: Trước mắt mình sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ được nhà trường và khoa giao phó. Mình rất hy vọng sẽ có những sản phẩm nghiên cứu có chất lượng tốt hợp tác cùng các đồng nghiệp trong khoa, trong trường, định hình được một hướng nghiên cứu trong dài hạn, dựa trên những nền tảng chuyên môn của mình và mở rộng thêm những hợp tác giao lưu khoa học, nghiên cứu đa ngành trong hệ sinh thái VNU. Đặc biệt, mình hy vọng sẽ tiếp tục có cơ hội được nghiên cứu với các thầy cô, đồng nghiệp quốc tế mà mình đã có dịp học hỏi, hợp tác trong quá trình học tập-nghiên cứu tại nước ngoài.
Bên cạnh việc là 1 giảng viên, TS. Bảo còn đóng vai trò là cố vấn học tập cho UEBers PV: Để đưa được một bài báo lên một tạp chí quốc tế uy tín như The World Economy hẳn là một hành trình dài và vất vả, anh có chia sẻ gì về quãng thời gian này của mình?
TS. Nguyễn Đức Bảo: Thực sự khi viết một bài báo khoa học chúng ta chưa thể biết trước được kết quả. Bởi vậy mình đã luôn duy trì những suy nghĩ về bài báo đó xem có thể cải thiện được gì, có thể nhờ ai định hướng, đồng nghiệp nào có thể chia sẻ để giải quyết vấn đề và không ngại phản biện. Thời gian thực hiện một bài báo từ khi còn là ý tưởng cho tới khi hình thành rõ nét và công bố ra thế giới không chỉ tính bằng tháng mà là bằng năm, bởi vậy phải dành rất nhiều tâm huyết vào đó. Và hiện tại, mình cảm thấy rằng Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đang hỗ trợ rất nhiều mặt cho hoạt động nghiên cứu của mình nói riêng và các nhà khoa học trẻ nói chung.
PV: Cám ơn TS. Nguyễn Đức Bảo về buổi trao đổi hôm nay. Chúc anh có thêm nhiều công trình nghiên cứu đóng góp cho nền khoa học nước nhà và nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy tại UEB.
Tạp chí The World Economy là một nguồn lực quan trọng cho các nhà nghiên cứu, phân tích và cố vấn chính sách quan tâm đến chính sách thương mại và các vấn đề kinh tế mở khác bao gồm: Thương mại quốc tế và Môi trường, Tài chính quốc tế, Thương mại và Phát triển. Tạp chí cũng xem xét các lĩnh vực liên quan như các nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và kinh tế phát triển, trở thành tài liệu tham khảo cần thiết để có kiến thức chuyên sâu và cập nhật về quan hệ kinh tế quốc tế. |