Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Tọa đàm về phương pháp giảng dạy: “Thử nghiệm mới của một giảng viên trẻ”

Tọa đàm về phương pháp giảng dạy
Phương pháp giảng dạy là một phần rất quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức tới cho người học. Vừa qua, ngày 24/05/2021, Khoa Kinh tế Chính trị tổ chức tọa đàm trao đổi về các phương pháp học tập, hình thức Online. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành trình bày về các phương pháp mới do thầy đã thử nghiệm và nhận phản hồi từ sinh viên trong kỳ học vừa qua, tại lớp Kinh tế học về Chi phí Giao dịch.


Đầu tiên, người giảng viên cần nhận thức rõ sự khác biệt, đặc thù của thực tế hiện tại so với truyền thống. Sinh viên thuộc thế hệ Z có những sự khác biệt so với thế hệ các thầy cô. Sinh viên nhạy cảm hơn, cập nhật nhanh hơn, thực tế hơn, nhưng khả năng đọc, nghiên cứu sâu lại giảm hơn. Cùng với đó, ngoại cảnh thay đổi theo thời gian: Cách mạng 4.0 ảnh hưởng nhiều đến cách học hiện tại; dịch bệnh khiến nhiều lớp học phải chuyển sang online. Đây là những thách thức lớn đối với việc giảng dạy.

“Từ thích thú đến thích học” là nguyên tắc nền tảng thầy Thành sử dụng để thu hút sinh viên. Bài giảng của Thầy luôn bắt đầu bằng những chủ đề thời sự như “Kênh đào Suez mắc kẹt, ảnh hưởng gì đến chi phí giao dịch toàn cầu” hay những chủ đề sát sườn với sinh viên “Môi trường làm việc em kỳ vọng khi đi làm như thế nào?”. Phần motivation (động lực) luôn được thầy Thành dành nhiều thời gian để tăng sự hấp dẫn của lớp học và tăng liên hệ thực tế. Bên cạnh đó, tạo ra một không khí cởi mở, thảo luận dành cho sinh viên là rất quan trọng. Nhiều câu hỏi mở, câu hỏi liên hệ thực tế được gợi mở cho sinh viên trong lớp học. Sinh viên sẽ tìm thấy sự tò mò trong chính những điều xẩy ra xung quanh mình. Đặc biệt, thầy Thành tăng tương tác lớp bằng cách áp dụng các cơ chế thưởng đối với những bạn tương tác nhiều. Chỉ một chiếc kẹo nhỏ khi trả lời đúng câu hỏi hoặc đưa câu hỏi phản biện hay giúp không khí lớp trở lên sôi nổi hơn.

“Phá vỡ tư duy truyền thống” bắt đầu từ hành động rất cụ thể: thay đổi trật tự lớp học. Trật tự lớp học truyền thống tạo một sự xa cách giữa giảng viên và sinh viên. Rất nhiều sinh viên thường ngồi từ dưới lên, giữ khoảng cách xa mới giảng viên. Trật tự lớp mới do thầy Thành thử nghiệm giúp khoảng cách từ giảng viên tới sinh viên xa nhất giảm còn 1/3 so với trước. Thầy và trò trở nên gần nhau hơn. Các sinh viên cũng quan sát nhau dễ dàng hơn. Trong giờ thuyết trình, trật tự lớp cũng được thay đổi. Sân khấu thuyết trình rộng hơn. Sinh viên được đề nghị đứng, ngồi lên bàn, tự do di chuyển, chọn chỗ để nghe thuyết trình thay vì ngồi tại bàn học. Trật tự phá cách này ngay lập tức tạo ra một cảm giác mới lạ cho lớp học. Cảm giác không thân thuộc với trật tự bàn ghế bình thường. Cảm giác của sự “ra khỏi vùng an toàn”, điều này buộc sinh viên phải chủ động tham gia lớp học hơn, “cảnh giác” hơn với môi trường mới. Qua phản hồi, nhiều đồng ý với các trật tự mới.



Trật tự lớp học thay đổi, tạo cảm giác mới mẻ cho người học

“Làm chủ smart phone, không để smart phone làm chủ mình”. Vấn đề có cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học hay không luôn là chủ đề gây tranh cãi. Đặc biệt là trong môi trường công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc tăng cường sử dụng, khai thác lợi thế của điện thoại được khuyến khích. Tuy nhiên, qua dự giờ, quan sát, thạc sĩ Thành thấy rằng đa phần sinh viên bị mất tập trung, mất tự chủ khi có điện thoại bên cạnh. Do đó, 2/3 tiết của thầy Thành, sinh viên được yêu cầu không dùng điện thoại. Kết quả phản hổi ghi nhận 78.7% các em cảm thấy đồng ý với quyết định này. Ngược lại, smart phone là một công cụ tuyệt vời cho việc tự học, nếu biết sử dụng đúng cách. Sinh viên được yêu cầu dùng smart phone để quay lại buổi thuyết trình của mình. Qua đó, sinh viên sẽ xem lại, t đặt mình vào vị trí của người nghe, tự trải nghiệm chất lượng bài thuyết trình và tự tìm ra lỗi, sáng tạo cách làm mới, làm hiệu quả hơn bài thuyết trình của mình. Hơn 90% sinh viên đồng ý rằng mình đã học hỏi thêm được rất nhiều về kĩ năng thuyết trình


78.7% sinh viên trong lớp đồng ý “không dùng điện thoại trong giờ”


Hơn 90% sinh viên học hỏi được kỹ năng và kiến thức từ những bài thuyết trình

Trong thời kỳ bệnh dịch, lớp học online đang có một vị trí quan trọng, là yếu tố khiến giảng viên phải chuyển mình mạnh mẽ trong phương pháp giảng dạy. “Lấy người học làm trung tâm” là trọng tâm trong lớp học Online 4.0 do thầy Thành đề xuất và thử nghiệm. Lớp học Online truyền thống thường rơi vào cảnh “thầy độc thoại với màn hình máy tính”, bởi người học đang hấp thụ kiến thức một cách thụ động.  Do đó, lớp học Online 4.0 lật ngược vị thế của thầy và trò: lớp được tổ chức vì trò muốn tìm kiếm thông tin từ lớp, trò chủ động yêu cầu thầy dạy, trò có “quyền khai thác kiến thức của thầy”. Để làm được điều này, thầy cần hướng dẫn, cung cấp cho sinh viên tài liệu, kỹ năng đọc, nghiên cứu trước tài liệu ở nhà. Chủ đề học, topic cần khơi dậy sự tò mò, hào hứng cho sinh viên trước khi đến lớp. Bên cạnh đó, sinh viên được yêu cầu bật camera, vừa giúp tăng tương tác giữa các bên, vừa thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị trong việc học. Đặc biệt, lớp học hoàn toàn có thể dừng khi sinh viên không còn câu hỏi, không còn hứng thú với chủ đề. Quyết định sử dụng thời gian lớp học như thế nào cho hiệu quả thuộc về sinh viên.

Thực tế phản hồi của sinh viên trải nghiệm với lớp học Online 4.0 khá tích cực: 85.1% sinh viên thấy được sự cần thiết của tài liệu đọc ở nhà. Gần 2/3 lớp cho rằng lớp học này là thú vị. Đặc biệt, thái độ đối với việc dùng camera của sinh viên đã thay đổi. Trong lớp học Online truyền thống, chỉ có 1/3 lớp đồng tình về việc bật camera, 1/3 lớp phản đối việc này. Trong lớp học Online 4.0, 2/3 lớp đã đồng tình về việc này, số lượng không đồng ý cũng giảm đi một nửa so với lớp học Online truyền thống.


Góp phần vào buổi thảo luận, các giảng viên nhiều kinh nghiệm của khoa Kinh tế Chính trị cởi mở chào đón phương pháp mới, đồng thời không quên nhấn mạnh các yếu tố sư phạm truyền thống, “Sáng tạo trong khuôn khổ”. Giảng viên cần nắm vững kiến thức, nắm vững quy phạm môn học về các điều kiện cần do trường, hệ thống giáo dục đưa ra như điểm số, cấu trúc thi cử, đánh giá học viên để đảm bảo chất lượng đầu ra đồng đều. Đặc biệt, áp dụng phương pháp giảng dạy tân tiến, thú vị là đáng hoan nghênh, nhưng giảng viên cần ghi nhớ rằng “chiều sâu kiến thức là cốt lõi của giáo dục”. Giảng viên cần phải đảm bảo việc truyền đạt kiến thức hiệu quả tới đối tượng học. Thường xuyên trao đổi, trau dồi kiến thức chuyên môn là nhiệm vụ hàng đầu của các giảng viên. Bên cạnh đó, đặc thù của giáo dục là phát triển con người, “thầy là người lái đò”, giúp sinh viên đi xa hơn giới hạn bản thân. Do đó, một số kỹ năng dù sinh viên không thích, nhưng người thầy vẫn cần mạnh mẽ bắt buộc như đọc sách, chuẩn bị bài trước ở nhà. Việc đưa vào một số hoạt động thể chất giúp tăng sức khỏe, giảm sức ỳ cho sinh viên cũng là hợp lý.

Lời kết, phương pháp giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong truyền đạt kiến thức cho học viên. Khoa Kinh tế Chính trị luôn tạo điều kiện và khuyến khích các giảng viên thử nghiệm các phương pháp mới, trong khuôn khổ cho phép. Khoa cũng thường xuyên có những buổi trao đổi về phương pháp giữa các giảng viên khác nhau, thuộc các thế hệ, độ tuổi, trải nghiệm sống khác nhau. Mỗi thầy cô sẽ dần hình thành phong cách riêng của mình, phù hợp với yêu cầu của nhà trường, phong cách của bản thân, tạo ra sự đa dạng cho Khoa và cho các sinh viên.


(Bảng khảo sát được thực hiện sau khi kết thúc thời gian giảng dy học phần, nhận được 47 phản hồi / 55 sinh viên, hoàn toàn ẩn danh)

 


Nguyễn Xuân Thành


Các tin khác