Diễn giả Nguyễn Tiến Trung – chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực khởi nghiệp
Nằm trong chuỗi nhiệm vụ mũi nhọn năm học 2021-2022 thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao bậc cử nhân, các môn học thuộc khối V (kiến thức ngành) cho khoá QH-2019-E CLC Ngành Kinh tế của Khoa Kinh tế Chính trị hướng tới có sự tham gia của các Guest Speaker. Nhằm giúp các bạn sinh viên có cái nhìn sâu rộng và gần với thực tiễn, trong khuôn khổ học phần Toàn cầu hoá và Phát triển Kinh tế, chiều ngày 8/11/2021, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Buổi tọa đàm với chủ đề: “Tư duy khởi nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hoá và kỷ nguyên số”.
Tại buổi tọa đàm, các bạn sinh viên
có cơ hội giao lưu với diễn giả Nguyễn Tiến Trung - nhà đồng sáng lập Songhan
Incubator, nhà sáng lập National Start up & Consulting Investment Jsc, thành viên hội đồng thẩm định
Shark Tank Việt Nam, người có rất nhiều năm kinh nghiệm làm hội đồng cố vấn,
hội đồng tư vấn và thẩm định, giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài
nước. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Phó trưởng
Khoa Kinh tế Chính trị - PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu
Hoài, giảng viên phụ trách học phần Toàn cầu hoá và Phát triển
Kinh tế cùng với các giảng viên của Khoa. Đặc biệt
là sự có mặt của đông đảo các bạn sinh viên đang tham gia các lớp học phần Toàn cầu hoá và Phát triển Kinh tế cùng nhiều sinh viên lớp khác nhau thuộc Ngành Kinh
tế, Khoa Kinh tế Chính trị quan tâm, yêu thích chủ đề toạ đàm này.
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp
gửi lời cảm ơn đến thầy Trung đã dành thời gian quý báu của mình để chia
sẻ kiến thức và truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên
trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cô cũng cho biết: “Nhà trường và
Khoa đang cố gắng tạo điều kiện cho sinh viên để tổ chức các buổi giao lưu và
kết nối với các nhà hoạt động thực tiễn, các anh chị đã có bước đi thành công trong
mảng hoạt động kinh tế nhằm truyền niềm đam mê cống hiến và phục vụ cho xã hội
sau này”. Bên cạnh đó, cô cũng mong thầy
Trung có thể đến Khoa và Trường tiếp tục giao lưu với các em sinh viên trong
những hoạt động khác.
PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
Để khởi nghiệp, diễn giả đã chia sẻ với sinh viên về việc
cần xác định mục tiêu
một cách rõ ràng và cụ thể là bước đầu tiên và quan trọng. Phải có mục tiêu thì
chúng ta mới xây dựng cho bản thân những bước đi và kế hoạch để thực hiện nó.
Dựa trên nguyên tắc S-M-A-R-T, các nhà khởi nghiệp phải đặt ra những mục
tiêu phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn. Về kinh nghiệm bản thân, ông cũng đã chia sẻ những mục
tiêu khi còn là sinh viên của mình. Em vô cùng ấn tượng với cách mà ông tự đặt
ra mục tiêu cho mình. Mỗi mục tiêu ông muốn đạt đó đều được ông viết lên bàn học của mình - một nơi dễ thấy và
luôn nhắc nhở chính bản thân mỗi ngày. Điều đó đã làm nên con người thành công
như ngày hôm nay.
Đặt mục tiêu theo nguyên tắc S-M-A-R-T
Ông nhấn mạnh “Thế giới đã thay đổi”, chúng ta đã bước
vào thế kỷ XXI, một thế kỷ được mệnh danh là kỷ nguyên của toàn cầu hoá, kỷ
nguyên số hay còn gọi là thời đại văn minh trí tuệ. Toàn cầu hóa cũng đem lại
cho chúng ta rất nhiều những cơ hội nhưng cũng đem lại cho chúng ta không ít
khó khăn.
Chia sẻ của diễn giả về bối cảnh của thế giới hiện nay
Cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư đã đem lại những đổi thay, phủ một tấm áo mới cho thế giới
nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi mà đi đâu ta cũng nghe thấy cụm từ “trí
tuệ nhân tạo”, “big data”, “robot thông minh”… Những thứ đó đang
dần thay thế con người trong mọi công việc. Những câu chuyện kinh doanh khởi
nghiệp thú vị như: câu chuyện cây xăng, khởi nghiệp từ
ứng dụng đặt lịch cắt tóc trên điện thoại tiện lợi và nhanh gọn hay là nhà máy
không có công nhân.
Câu chuyện về Công ty May Việt Thắng trong bối cảnh toàn cầu hóa và áp
dụng máy móc trong phân xưởng
Khởi nghiệp là một quá trình khắc nghiệt mà hầu hết những nhà khởi nghiệp cần phải vượt qua trong suốt quá trình start-up
của mình. Trong quá trình khởi nghiệp, đôi lúc bạn sẽ lạc lối giữa vô vàn sự
lựa chọn. Nếu dấn thân vào con đường khởi nghiệp, nhà khởi nghiệp sẽ phải cần
tư duy và suy nghĩ sao cho phù hợp với đặc thù của môi trường khởi nghiệp. Tư
duy đúng sẽ giúp bạn đứng vững trên thương trường, đưa ra những hướng đi và
quyết định chính xác cho start-up non trẻ. Khi đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp
bạn phải có đầy đủ năng lực, có kiến thức và kỹ năng vững vàng. Đó là kinh nghiệm mà diễn giả muốn chia sẻ với thế hệ trẻ.
Là một sinh viên
tham gia buổi toạ đàm, điều làm em thích thú nhất là những chia sẻ về
5 hướng tư duy hướng đến hiệu quả: Bird in hand (khai
thác triệt để thế mạnh của mình và tự kiến tạo tương lai), Affordable Loss
(thiệt hại với chi phí chấp nhận được), Crazy Quilt (tấm chăn cảo được chắp vá
từ nhiều mảnh), Lemonade (Biến mọi khó khăn thành cơ hội) và Pilot in the Plane
(Hãy hành động, tương lai của bạn do chính bạn quyết định). Với những kiến thức
mà ông chia sẻ chúng em tin rằng các bạn sinh viên đã học hỏi được rất nhiều và
có hướng đi đúng đắn.
Các bạn sinh viên cũng rất cởi mở,
chủ động tương tác, đặt ra những câu hỏi rất thú vị gửi đến diễn giả góp phần
tạo nên bầu không khí vô cùng sôi động. Sự nhiệt tình của các bạn sinh viên và
sự tâm huyết của diễn giả, các thầy cô đã góp phần tạo nên thành công của buổi
tọa đàm trực tuyến.
Sinh viên rất cởi mở đặt câu hỏi với diễn giả Nguyễn Tiến Trung
Trong khoảng thời
gian 2 tiếng ngắn ngủi, chúng em đã học thêm rất nhiều kiến thức bổ ích. Chúng em
đã có được cái nhìn bao quát và tổng thể về bối cảnh toàn cầu hóa cũng
như có thêm tư duy mới mẻ về lĩnh vực khởi nghiệp. Trong tương lai sắp
tới, mỗi sinh viên chúng em thấy mình cần phải học hỏi và trau dồi thêm nhiều
kiến thức cũng như kỹ năng để có thể nâng cao năng lực bản thân và xây dựng
được một kế hoạch khởi nghiệp như mong muốn.