Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Xây dựng và phát triển Nhóm nghiên cứu: Hướng đi đúng đắn của Trường Đại học kinh tế

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2010
Chủ trương xây dựng Nhóm nghiên cứu đã được hình thành và phát triển rất sớm ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Nhiều nhóm đã hoạt động rất tốt và đạt được kết quả nghiên cứu cao. Hình thức tổ chức các nhóm rất đa dạng, theo các hướng nghiên cứu chuyên sâu khác nhau. Vào đầu năm 2010 tại Tam Đảo-Vĩnh Phúc, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển Nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và các báo cáo tham luận có chất lượng. Hội thảo này một lần nữa khẳng định kết quả và tính đúng đắn của việc xây dựng Nhóm nghiên cứu.


Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) là đơn vị thành viên của ĐHQGHN - trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Trường hướng tới mục tiêu trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, được xếp hạng ngang tầm với một số đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, được kiểm định theo Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Do vậy, ngay từ khi thành lập, Trường ĐHKT đã chú trọng xây dựng và phát triển các Nhóm nghiên cứu theo các chuyên ngành đặc thù, các Nhóm nghiên cứu hoạt động dưới hai hình thức: Nhóm nghiên cứu phi thể chế và Nhóm nghiên cứu dạng thể chế.
Nhóm nghiên cứu phi thể chế là nhóm hoạt động có tính chất tạm thời, ngắn hạn và không bị ràng buộc với nhau bởi các điều kiện về thể chế. Điển hình là Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Kinh tế Phát triển. Nét nổi bật của Nhóm nghiên cứu này là tổ chức thường kỳ 01 tháng/lần Diễn đàn về Chính sách Công với sự tham gia của các chuyên gia chuyên sâu cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực này. Nhóm nghiên cứu của Khoa rất tích cực tham gia việc đấu thầu các dự án nghiên cứu quốc tế. Điển  hình  là kết quả đấu thầu thành công dự án gần đây về “Những vấn đề kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam” do Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) tài trợ.
Nhóm nghiên cứu dưới dạng thể chế: Điển hình là Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trung tâm nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS). Đây là các Trung tâm nghiên cứu tự hạch toán, có cơ chế tự chủ, thể chế hoạt động ổn định... Các trung tâm này đã thu hút và tập hợp được nhiều nguồn nhân lực, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hàng đầu ở trong và ngoài nước tham gia các hoạt động khoa học. Với VEPR, NNC đã mở rộng hợp tác, liên kết nghiên cứu khoa học với các nhóm chuyên gia trong cùng lĩnh vực nghiên cứu ở nước ngoài như: Nhóm nghiên cứu ở ĐH Paris 1 (Pháp); Nhóm nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia GRIPS (Nhật Bản) và các đối tác khác; Có mối liên kết chặt chẽ các đơn vị trong nước. Ngoài ra, còn có đội ngũ nghiên cứu sinh và sinh viên, lực lượng nghiên cứu trẻ tham gia trợ lý nghiên cứu.
VEPR được thành lập và hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng kịp thời và đúng đắn của lãnh đạo trường ĐHKT, kết hợp với thế mạnh riêng của mình, trung tâm đã thu được những kết quả nghiên cứu bước đầu. Bên cạnh việc trực tiếp thực hiện một số các chương trình nghiên cứu, VEPR là một trong những thành viên chính xây dựng các chương trình nghiên cứu trọng điểm của ĐHKT, thu hút được các nhà nghiên cứu trình độ cao cả trong và ngoài nước tham gia.
Kết quả nổi bật nhất trong lĩnh vực nghiên cứu mang tính học thuật về kinh tế của nhóm là việc thực hiện và xuất bản thành công Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam. Báo cáo gây được sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu và các cơ quan hoạch định chính sách trong nước. Sau thành công Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2009 với chủ đề Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới, năm 2010 trung tâm tiếp tục công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010 với chủ đề: Ổn định vĩ mô để tăng trưởng bền vững. Công trình được nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách tham gia phản biện và đánh giá cao; tính định lượng, phương pháp nghiên cứu và sử dụng các công cụ nghiên cứu hiện đại.
Với những thành công ban đầu như vậy, có thể  khẳng định rằng chiến lược Xây dựng và phát triển Nhóm nghiên cứu là một hướng đi rất đúng đắn của  ĐHKT-ĐHQGHN góp phần thực hiện thành công mục tiêu của  ĐHKT là trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, xếp hạng ngang tầm với các trường hàng đầu trong khu vực trong tương lai gần.

ThS.Nông Sơn Bình Phòng NCKH&HTPT