Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Seminar “Khủng hoảng cho vay cầm cố dưới chuẩn: Nguyên nhân, ảnh hưởng và một số giải pháp”

Sáng 2/4/2010, tại hội trường 406 E4, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề: “Khủng hoảng cho vay cầm cố dưới chuẩn: Nguyên nhân, ảnh hưởng và một số giải pháp”.


Khách mời và diễn giả chính của seminar là PGS.TS. Christopher Gan, nhà nghiên cứu tài chính ngân hàng và giảng viên của Đại học Lincoln (New Zealand). Đông đảo cán bộ giảng viên, học viên cao học và sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị đã tham dự seminar.
Mặc dù những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã được thảo luận và trao đổi trên nhiều khía cạnh, nhưng PGS.TS. Christopher Gan vẫn đem đến seminar nhiều số liệu cập nhật, nhiều nhận định mới mẻ, có sức hấp dẫn và gợi mở cho thảo luận. Những câu hỏi như: nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là gì? Phương thuốc tiềm năng nào cho cuộc khủng hoảng? Phải mất bao lâu để cứu chữa? Và điều gì cần thiết trong tương lai để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra?... đã được bàn luận sôi nổi tại seminar. Các ý kiến trao đổi cũng nhất trí rằng, một trong những nguyên nhân xảy ra khủng hoảng là sự buông lỏng vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường tài chính, và cần thiết phải có một khung thể chế quốc gia và quốc tế cho sự hợp tác, giám sát loại thị trường đặc biệt này trong tương lai. Cuộc thảo luận cũng tập trung phân tích các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, một nền kinh tế chuyển đổi trong quá trình phát triển thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng.
Đây là lần thứ hai PGS.TS. Christopher Gan, Đại học Lincoln (New Zealand) sang trao đổi học thuật và tham dự seminar tại Khoa Kinh tế Chính trị. Các buổi thảo luận của khoa luôn được duy trì thường xuyên với những chủ đề thời sự của kinh tế Việt Nam và thế giới, với những khách mời là chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đã góp phần cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết và gợi mở các hướng nghiên cứu mới cho giảng viên, học viên cao học và sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Phạm Thị Hồng Điệp (Khoa KTCT)