New Trang tin
 
Kết nối để lan tỏa giá trị tốt đẹp

Với tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên được tổ chức bài bản, nhiệt huyết cùng với lợi thế có 17 câu lạc bộ sinh viên sẽ là nguồn lực to lớn để lan tỏa thông tin truyền thông về Trường. Đây là phát của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê tại cuộc họp online về truyền thông tối ngày 18/4/2020.



Tham dự cuộc họp có trên 70 thành viên gồm cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, đại diện các Câu lạc bộ sinh viên, các cán bộ - giảng viên thuộc Phòng Truyền thông và Tổ truyền thông của Trường ĐHKT.

Phải để sinh viên làm chủ sự kiện, chương trình

Mở đầu cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng phát biểu: Đoàn TN – Hội SV luôn là đơn vị đầu tàu, gắn kết các hoạt động của Đoàn, của SV trong trường. Kế hoạch các hoạt động sắp tới của Đoàn, Hội có rất nhiều điểm sáng tạo. Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông của Trường và của Đoàn TN, các hoạt động xã hội gắn kết chưa tốt. Thông tin từ Nhà trường chưa đến được với toàn thể sinh viên. Sinh viên chưa thực sự chủ động tìm kiếm thông tin. Nguyên nhân do lực lượng nhân sự làm truyền thông còn mỏng, kiêm nhiệm, một phần do triển khai chưa tốt, các hoạt động chưa gắn kết với nhau. Các hoạt động truyền thông của Trường, của Đoàn TN và các đơn vị gắn kết chưa tốt.

 Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khẳng định sinh viên là chủ ngôi trường, vì vậy các sự kiện nên để sinh viên làm chủ, phát huy sức sáng tạo để lan tỏa thông tin

Thừa nhận thực trạng này, sinh viên Bùi Đức Thắng - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường cho biết nhiều sinh viên phản ánh không hề biết thông tin về các học bổng và bỏ lỡ một cách đáng tiếc. Một số sự kiện sinh viên và Nhà trường đồng tổ chức như Ngày hội việc làm, Ngày hội sách, Hiến máu tình nguyện… sinh viên thấy mình chưa được làm chủ, phát huy sức sáng tạo, thường phải đi theo mô típ cũ do các đơn vị đề ra. 

Sinh viên Bùi Đức Thắng

Hiệu trưởng Trường ĐHKT mong muốn rằng các hoạt động truyền thông của Đoàn gắn liền với chiến lược truyền thông của Trường ĐHKT - ĐHQGHN, làm sao phải tăng mức độ truyền tải thông tin từ Nhà trường đến sinh viên.

Khi các chiến dịch sự kiện - truyền thông ra đời, Đoàn - Hội và sinh viên là một phần không thể tách rời khỏi các chiến dịch. Sinh viên đề xuất các nội dung mình cần được tiếp cận, các giải pháp đột phá giúp hoạt động của Nhà trường gần gũi, thiết thực với sinh viên hơn, đồng thời gắn kết chặt chẽ với hoạt động Đoàn - Hội. Xây dựng đội ngũ nòng cốt từ chính sinh viên, các CLB, Đoàn - Hội; Những vấn đề còn băn khoăn, trước hết sinh viên cần đưa thông tin tới các kênh chính thức của Nhà trường để được hỗ trợ - giải đáp, không nên đưa lên Confession hoặc những kênh không chính thức ở ngoài trường. Đoàn Thanh niên cần đẩy mạnh hoạt động Confession chính thức để tạo môi trường cho sinh viên chia sẻ (do chính sinh viên quản lý); Nhà trường khuyến khích sinh viên tham gia vào kênh youtube, fanpage chính thức của trường và nên nhiệt tình share, subscribe… để lan tỏa thông tin” PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khẳng định.

Cần thay đổi tư duy, cách làm truyền thông

Tại cuộc họp, các sinh viên đã sôi nổi trao đổi, thảo luận và góp ý để thông tin của Trường được gần gũi, thiết thực và lan tỏa tới đối tượng nhận tin hơn.

Sinh viên Trần Văn Thành - Bí thư chi đoàn Khoa Kinh tế Phát triển cho biết, một số sinh viên đã tham gia định hướng thông tin trên Confession bằng cách giải đáp các thắc mắc của cá nhân, nhưng hiện tại Confession cũ do các anh chị đã ra trường quản lý nên nhiều khi thông tin không được chính xác, Đoàn trường cần có biện pháp thu hồi quyền quản trị đó.

Còn Nguyễn Thị Hiền - Chủ nhiệm CLB Truyền thông MCC thì có kiến nghị cần gắn kết hoạt động của Nhà trường với sinh viên, các hoạt động có sự tham gia của sinh viên trong khâu tổ chức và lan tỏa thông tin thì sẽ thu hút được nhiều sinh viên khác tham gia hơn. “Một số chủ đề Nhà trường đưa ra rất cần thiết nhưng không phải tất cả sinh viên đều tiếp cận được. Nếu sinh viên cùng tham gia vào tổ chức, lan tỏa truyền thông tin ra bên ngoài trường, đến trường THPT và xã hội; đồng thời khi hoạt động của trường có ý nghĩa và có sức lan tỏa đủ lớn thì các đối tượng ngoài trường hoàn toàn có thể tự tiếp cận đến. Ngoài ra có thể hợp tác với các CLB của các trường THPT để lan tỏa thông tin vì các em rất giỏi và năng động” Thu Hiền nói.

 Sinh viên Nguyên Thu Hiền đại diện cho Câu lạc bộ MCC phát biểu tại cuộc họp

Còn với Nguyễn Thị Tâm - Chủ nhiệm CLB UEBtv thì đề xuất một cách tiếp cận truyền thông khác “Bên cạnh việc truyền thông lên website, Nhà trường nên đẩy mạnh truyền thông trên Fanpage. Và để làm được như vậy thì content cần giật title, hợp trend. Sinh viên không sẵn sàng gắn kết dài hạn với đội truyền thông của Nhà trường vì quyền lợi sinh viên nhận được chưa đủ hấp dẫn”.

Còn với kinh nghiệm từng quản lý Fanpage của trường THPT và hiện tại quản lý page của Trường, Bùi Đức Anh nêu quan điểm: “CLB Tình nguyện BHVC có thể kết hợp với các CLB tình nguyện của các trường THPT để làm tình nguyện và lan tỏa truyền thông với các em học sinh THPT. Theo em, Nhà trường nên đầu tư đăng bài trên các báo có lượng tương tác cao. Cần làm cho Content của Fanpage hấp dẫn hơn với sinh viên, học sinh”

Bạn Nguyễn Thu Trà  - Phó Bí thư Liên chi Khoa Kinh tế Chính trị chia sẻ: Trường đang gói bộ phận truyền thông thành 1 nhóm nhỏ, trong khi chính sinh viên là lại lực lượng truyền thông đông đảo và hiệu quả, mỗi cá nhân là 1 đầu mối truyền thông. Các chương trình quy mô nhỏ, manh mún, nguồn lực truyền thông của Khoa, Hội, Đoàn chưa được tận dụng hết. Sinh viên hầu như rất ít tham gia hoạt động Đoàn - Hội. “Sở dĩ sinh viên hay lên confession là vì chưa tìm được nơi chia sẻ từ phía Nhà trường...”.Cũng về Confession, Nguyễn Hồng Anh - Chủ nhiệm CLB EEKC nói: Các bạn thích sử dụng confession hơn vì có thể chia sẻ các vấn đề chung, có nhiều người đồng cảm và bình luận. Khi gặp các vấn đề cá nhân thì các bạn mới gửi về Tổ 24/7. Nên có 1 group dành riêng cho sinh viên UEB, là group phản hồi ẩn danh, sinh viên của trường đông nhưng số lượng tham gia vào hoạt động truyền thông rất ít. Cần bồi dưỡng, đào tạo thêm kỹ năng cho sinh viên trong trường để có nguồn nhân lực hỗ trợ cho hoạt động truyền thông.

Sinh viên Nguyễn Thu Trang - Bí thư chi đoàn Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế rất tâm huyết chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của sinh viên đối với Nhà trường

Đột phá để xứng tầm thương hiệu

Trước những ý kiến đóng góp, trao đổi từ phía sinh viên, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê rất trăn trở và yêu cầu đội ngũ truyền thông của Nhà trường cũng như các đơn vị thay đổi tư duy làm việc, đặt sinh viên làm trung tâm và để sinh viên làm chủ trong các hoạt động, sự kiện. Kết thúc cuộc họp, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê kết luận và khẳng định “ĐHKT sẵn sàng tâm thế trao cho sinh viên vai trò làm chủ các chương trình mà Nhà trường tổ chức. Nhà trường cam kết hỗ trợ cho Đoàn - Hội - CLB sinh viên. Các đội truyền thông của cán bộ - giảng viên cần tập hợp sinh viên Nhà trường để phối hợp hành động. 

Phòng Truyền thông - Quản trị thương hiệu và Tổ truyền thông của trường sẽ tổng hợp các ý kiến của sinh viên để tham khảo, rút kinh nghiệm. Tổ Truyền thông của Trường sẽ hỗ trợ sinh viên bằng các khóa đào tạo kỹ năng làm truyền thông, học bổng… Sinh viên cần chủ động chuyển tải thông tin, thắc mắc tới Nhà trường đúng kênh để được giải đáp - hỗ trợ.

“Sinh viên cần lưu tâm đến các kênh truyền tải tâm tư tình cảm của sinh viên trong trường, nhanh chóng cung cấp cho trường thông tin về các vấn đề còn tồn tại để kịp thời xử lý. Sinh viên cần chủ động đưa ra các ý tưởng, giải pháp và quyết liệt thực hiện, nhẹ nhàng đeo bám các mục tiêu. Đồng thời, nhiệm vụ truyền thông quan trọng: Phải lan tỏa thông điệp truyền thông đến tất cả các đối tượng trong và ngoài trường."

Buổi làm việc kết thúc trong không khí thân mật, thấu hiểu giữa lãnh đạo Nhà trường với các cán bộ Đoàn, Hội và các câu lạc bộ. Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng cùng với các giải pháp truyền thông hữu ích, tích cực, đổi mới - công tác truyền thông của Trường ĐHKT sẽ bước sang một trang mới, nâng tầm thương hiệu Nhà trường xứng tầm với những gì đã và đang xây dựng.