New Trang tin
 
Bối cảnh trong nước và quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với thương mại và đầu tư khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long

Cùng với cả nước, khu vực Đồng bằng song Cửu Long vừa tích cực hội nhập, phát triển kinh tế, vừa căng mình chống chịu với những thiên tai, dịch bệnh cùng với những ảnh hưởng không nhỏ từ những biến động của thế giới và khu vực.



Tuy là một khu vực kinh tế với nhiều tiềm năng như địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hoà, nguồn lao động dồi dào... nhưng hiện nay khu vực này còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như chất lượng tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao, năng suất lao động thấp, chất lượng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu... Điều này dẫn đến nhiều hạn chế trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành kinh tế của khu vực.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Bối cảnh trong nước và quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với thương mại và đầu tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam và Trường Đại học Trà Vinh tổ chức tại Trà Vinh vào ngày 30/9/2022 đã thu hút trên 300 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, học viên và sinh viên trong và ngoài Trường Đại học Trà Vinh; lãnh đạo tỉnh Trà Vinh; đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh Trà Vinh; các doanh nghiệp lớn và có nhiều đóng góp với tỉnh Trà Vinh.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã chỉ ra các cơ hội, thách thức trong việc phát triển kinh tế – xã hội nói chung cũng như hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành kinh tế của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực như: Giải quyết vấn đề chất lượng tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao, năng suất lao động thấp, chất lượng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu…

TS. Vũ Thanh Hương trình bày Báo cáo Những biến động trong nền kinh tế thế giới hiện nay và hàm ý cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Đặc biệt, một số khuyến nghị đã được rút ra cho Chính phủ, các cơ quan quản lý thương mại trong nước và doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển kinh tế của ĐBSCL nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng trong bối cảnh mới của kinh tế thế giới và của Việt Nam.

Đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

  • Hàm ý về phát triển theo nhóm ngành để đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng giá trị gia tăng các ngành truyền thống như lúa gạo, thuỷ sản và trái cây. Những biến động trên thế giới về lạm phát và xu hướng tăng giá lương thực tạo cơ hội cho ĐBSCL. Bên cạnh việc tăng lượng xuất khẩu nông sản, cần nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng của các nông sản xuất khẩu để tăng cường lợi ích thu được từ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, tận dụng những biến động trên thị trường thế giới. 

Thứ hai, ĐBSCL cần tạo ra các lĩnh vực xuất khẩu mới để kịp thời bù đắp cho việc giảm thu nhập từ ngành sản xuất thâm dụng lao động. Các lĩnh vực xuất khẩu tiềm năng mới có thể bao gồm nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, dịch vụ thông tin, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nghệ thuật. Các lĩnh vực xuất khẩu mới này nhìn chung sẽ đòi hỏi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ kỹ thuật số. Bên cạnh đó, ĐBSCL có thể tận dụng lợi thế địa lý để phát triển du lịch, xuất khẩu năng lượng tái tạo, nông nghiệp giá trị cao. 

Thứ ba, ĐBSCL cần tận dụng các FTA và tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển dịch vụ và thu hút chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp. Kinh tế của vùng ĐBSCL với thế mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản sẽ được hưởng lợi nhiều từ quá trình Việt Nam tham gia sâu rộng các FTA. Cơ hội phát triển ngành sản xuất và chế biến nông sản, nhất là theo hướng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thực phẩm chất lượng, an toàn, có nguồn gốc của tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng ở cả trong nước và quốc tế. 

Thứ tư, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mêkông và cộng đồng quốc tế hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Hợp tác trao đổi với các quốc gia trong Ủy hội sông Mêkông và Trung Quốc về các vấn đề như chia sẻ thông tin, khai thác nguồn nước của sông Mêkông; với các quốc gia có kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán như Hà Lan, Israel, Australia cũng như các tổ chức quốc tế để có được sự hỗ trợ từ các tổ chức này. 

  • Hàm ý về thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ nhất, ĐBSCL cần hướng tới xây dựng chiến lược phát triển dựa trên kỹ thuật số với sự dẫn dắt của Nhà nước thông qua việc đầu tư cho R&D, ban hành chính sách pháp luật và phản ứng nhanh nhạy, thích ứng linh hoạt với các xu hướng trong chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về chuyển đổi số. Cần tạo lập nền tảng để xuất khẩu các dịch vụ công nghệ trung bình như mã hoá và quản lý dữ liệu lớn, đồng thời ứng dụng và đẩy mạnh quản trị điện tử trong các hoạt động quản lý nhà nước cũng như sản xuất, kinh doanh như dịch vụ công điện tử, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ điện tử, tài chính điện tử, thanh toán điện tử, thương mại điện tử…Nghiên cứu triển khai thí điểm các chương trình đào tạo về công nghệ số cho lực lượng lao động hoặc xây dựng, cải tiến các chương trình đạo tạo phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế số.

Thứ hai, ĐBSCL cần thu hút và đa dạng hoá các nguồn đầu tư đáp ứng đủ nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số. Nguồn vốn phục vụ việc xây dựng hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến, phát triển cơ sở hạ tầng cho số hoá và nền kinh tế số như sở hạ tầng cho viễn thông, 5G, phần cứng và phần mềm kỹ thuật số. Đó không chỉ là nguồn vốn từ Nhà nước, mà còn từ tư nhân trong nước và quốc tế, kết hợp đầu tư theo hình thức đối tác công tư. 

  • Hàm ý về phát triển nguồn nhân lực 

Thứ nhất, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho các ngành nghề, lĩnh vực mới tiềm năng trong nền kinh tế số và đào tạo các kỹ năng số là điều quan trọng để thích nghi được với các biến động trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Những ngành và công việc mới tiềm năng trong thời kỳ chuyển đổi số sẽ liên quan đến công nghệ thông tin, phát triển và triển khai công nghệ mới hay những việc làm liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế số.. 

Thứ hai, tận dụng nguồn nhân lực tại ĐBSCL đã từng đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Theo thống kê, số lượng nguồn nhân lực này tương đối lớn tại khu vực ĐBSCL. Đặc điểm của nhóm lao động này là có kinh nghiệm làm việc tại các nước phát triển, và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Đây sẽ là cơ hội của các nhà đầu tư khi đầu tư vào khu vực ĐBSCL để tận dụng được lợi thế của nguồn nhân lực nay. 

Thứ ba, các cơ sở giáo dục đào tạo cần tập trung phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Việc xây dựng các chương trình đào tạo ứng dụng giúp sinh viên ngay khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay và rút ngắn thời gian đào tạo lại ban đầu ở các doanh nghiệp. Các trường ĐH, cơ sở giáo dục nên phối hợp cùng các doanh nghiệp để cùng tham gia vào quá trình đào tạo tại trường học. 

Thứ tư, Nhà nước nên có sự quan tâm đầu tư vào các cơ sở đào tạo từ chính sách đến cơ sở hạ tầng. Việc tuyển sinh ở các trường tại khu vực ĐBSCL tương đối khó khăn do đây là khu vực thuần nông, mức độ thu hút lao động chất lượng cao kém. Do đó, Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ học bổng cho các sinh viên tham gia học vào một số ngành cần đẩy mạnh nguồn nhân lực. Hơn nữa, chính phủ cần đầu tư hạ tầng số tại các khu vực còn đang kém phát triển để nhanh chóng tiếp cận và bắt kịp các khu vực phát triển.

  • Hàm ý về phát triển cơ sở hạ tầng logistics

Thứ nhất, tận dụng cơ hội từ FTAs thế hệ mới để thu hút nguồn vốn FDI vào đầu tư phát triền đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics. Hiện nay, tại ĐBSCL hệ thống đường giao thông liên vùng từ tỉnh này qua tỉnh kia vẫn chưa đảm bảo kết nối đồng bộ. Hệ thống đường tỉnh lộ hầu hết đều nhỏ hẹp, trong khi đó các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh, thành với trung tâm dịch vụ thương mại, logistics là Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới hình thành được đoạn đầu. Do đó, cần huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng. 

Thứ hai, khu vực ĐBSCL cần vận dụng khai thác lợi thế dùng chung các nguồn lực trong hệ thống logistics của khu vực. Khi nguồn lực có hạn, không nên phân tán ở nhiều nơi, nên ưu tiên đầu tư trọng điểm tại các khu vực có lợi thế cạnh tranh trước. Cụ thể, ưu tiên đầu tư phát triển mở rộng các sân bay lớn, cảng lớn ở các tỉnh trung tâm có lợi thế mạnh và sử dụng chung cho tất cả các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL. 

  • Hàm ý về phát triển liên kết vùng kinh tế

Cần thay đổi tư duy về liên kết vùng kinh tế tại khu vực ĐBSCL để đẩ nhanh quá trình hình thành và phát triển. Cụ thể, không nên chú trọng nhiều đến việc hình thành liên kết vùng dựa trên các văn bản pháp lý, mà cần chú trọng hơn đến liên kết thực tế giữa các ngành, các lĩnh vực dưới góc độ chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp trong từng ngành khác nhau trong khu vực có thể liên kết với nhau thành các mắt xích nối dài trong chuỗi cung ứng để gia tăng sự tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành này là nhà cung cấp đầu vào của ngành kia, hoặc ngành này là nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ (tài chính, logistics, công nghệ thông tin,…) của ngành kia. 

Đối với tỉnh Trà Vinh

  • Hàm ý cho doanh nghiệp để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh

Thứ nhất, doanh nghiệpcần nâng cao năng lực quản trị thông qua nâng cao hiểu biết, nhận thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tầm quan trọng và kỹ năng sử dụng cơ sở dữ liệu và thông tin hữu ích cho chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tầm quan trọng của chuyển đổi số và ứng dụng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tham gia học tập kinh nghiệm về quản lý, tiếp cận các mô hình, kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh các mô hình hay; Tham gia các cuộc xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để tiếp cận các nhà đầu tư trong ngành để học tập, trao đổi thêm kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh.

Thứ hai, doanh nghiệpcần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính từ khả năng tiếp cận tài chính đến tận dụng kết nối các nguồn quỹ khác nhau cho doanh nghiệp. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần hoàn thiện mô hình kinh doanh/chiến lược/kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và dừa để cải thiện tình hình tiếp cận hiện quả các nguồn quỹ của tỉnh: Quỹ Đầu tư phát triển; Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ; Quỹ Khuyến công của tỉnh. Chủ động kết nối và tiếp cận nguồn tài chính từ các tổ chức tín dụng, Ngân hàng thương mại; nhất là các gói tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ trọng cải thiện và nâng cao trình độ lao động. Chủ doanh nghiệp cần xác định nhu cầu đào tạo lao động có tay nghề; chương trình, nội dung đào tạo tại doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt hàng tổ chức đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp; Kết nối, liên kết các cơ sơ đào tạo nghề, đào tạo lao động để đào tạo cho lao động hoặc thực hiện tự đào tạo cho lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đưa lao động đi đào tạo các chương trình đào tạo nghề của Trung ương tại tỉnh như Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hay chương trình, đề án về việc làm cho thanh niên.

Thứ tư, doanh nghiệp cần tập trung cải thiện và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất. Đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn; Tranh thủ các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp để đầu tư nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất từ các Quỹ của tỉnh như Quỹ Đầu tư Phát triển; Quỹ Khuyến công tỉnh nhất là Quỹ Phát triển khoa học công nghệ để thực hiện các dự án hiện đại hóa công nghệ, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm mới…Chủ động tăng cường kết nối với các cơ sở khoa học để chuyển giao và tư vấn cải tiến hay nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  • Hàm ý đối với Nhà nước để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trà Vinh

Thứ nhất, tiếp tục rà soát cải thiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật triển khai chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cấp công thông tin điện tử của tỉnh để mở rộng danh mục dịch vụ trực tuyến với dịch vụ công của tỉnh. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận “một cửa” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh nhằm giảm thời gian và các loại chi phí của DNVVN. Củng cố và cải thiện hoạt động các network của các Sở, ban ngành, địa phương về hỗ trợ DNVVN. Thường xuyên tổ chức tọa đàm gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DNVVN; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho DNVVN những nội dung vượt thẩm quyền của tỉnh.

Thứ hai, cải thiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNVVN từ hệ thống thông tin dữ liệu hỗ trợ đến ưu tiên các nguồn quỹ của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo nghề. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua cải tiến hay nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất,… Tăng cường công tác kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng, ngân hàng để cải thiện và nâng cao năng lực tài chính, nâng cao công nghệ và mở rộng sản xuất.

Thứ ba, cải thiện hạ tầng cơ sở phục vụ DNVVN thông qua đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Định An, Cụm công nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận sản xuất. 

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học uy tín

Tóm lại, hội thảo là nơi trao đổi học thuật và thực tiễn về các vấn đề liên quan đến thương mại, đầu tư nói riêng và phát triển kinh tế nói chung tại khu vực ĐBSCL. Đồng thời đây là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội, các nhà quản trị doanh nghiệp thảo luận về những cơ hội, thách thức đối với phát triển kinh tế của ĐBSCL, những phản hồi đối với chính sách của Nhà nước, chính quyền địa phương, cũng như của các doanh nghiệp trong bối cảnh mới của kinh tế thế giới và của Việt Nam.


Trường Đại học Kinh tế


Các tin khác

<123>