New Trang tin
 
Hội nhập kinh tế quốc tế: Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới

Hội thảo quốc tế CIECI 2022 lần thứ 10 với chủ đề “Hội nhập Kinh tế Quốc tế: Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới” được tổ chức vào ngày 25/11/2022 tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với mục đích tăng cường trao đổi học thuật và thực tiễn, cung cấp diễn đàn cho các học giả, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói riêng.



Hội thảo là kết quả phối hợp tổ chức giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam (FNF Việt Nam), Trường Đại học Adelaide (Australia), Trường Đại học Rangsit (Thái Lan), Trường Đại học Kinh tế - Luật – ĐHQGH TP.HCM, Trường Đại học Ngoại Thương và Trường Đại học Sofia (Bulgaria). 

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng. Đại diện các đơn vị đối tác đồng tổ chức hội thảo có sự tham gia của GS. Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam; GS. Peter Draper - Giám đốc Viện Thương mại Quốc tếTrường Đại học Adelaide, Úc; GS. Narong Petprasert, Trưởng Khoa Kinh tế - Đại học Rangsit, Thái Lan; PGS. TS. Huỳnh Thị Thúy Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM; PGS. TS. Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương; GS. Marcellin Yovogan, Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Sofia, Bulgaria. Bên cạnh đó, Hội thảo còn đón tiếp và nhận được sự chia sẻ của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp: Ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Đình Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hanel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam. Hội thảo còn thu hút sự tham gia của gần 300 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo 

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng. Đại diện các đơn vị đối tác đồng tổ chức hội thảo có sự tham gia của GS. Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam; GS. Peter Draper - Giám đốc Viện Thương mại Quốc tếTrường Đại học Adelaide, Úc; GS. Narong Petprasert, Trưởng Khoa Kinh tế - Đại học Rangsit, Thái Lan; PGS. TS. Huỳnh Thị Thúy Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM; PGS. TS. Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương; GS. Marcellin Yovogan, Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Sofia, Bulgaria. Bên cạnh đó, Hội thảo còn đón tiếp và nhận được sự chia sẻ của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp: Ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Đình Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hanel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam. Hội thảo còn thu hút sự tham gia của gần 300 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo

Hội thảo được chia thành hai phiên thảo luận chính. Trong phiên buổi sáng, bài tham luận của GS. Peter Draper tập trung phân tích những nhân tố chủ chốt dẫn đến sự thay đổi mô hình thương mại quốc tế. Từ những đánh giá về thách thức và hạn chế mà WTO phải đối mặt trước những thay đổi nói trên, sự tham gia của các quốc gia vào các FTA, phạm vi và nội dung bao trùm trong các FTA, GS. Draper khẳng định các FTA thế hệ mới là lựa chọn thay thế phù hợp cho các quốc gia theo đuổi chiến lược mở cửa kinh tế. Bài tham luận của PGS. TS. Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh sự tích cực và năng động của Việt Nam trong đàm phán tham gia và thực hiện các FTA cũng như sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào thương mại toàn cầu. Trước những cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTAs, bài tham luận làm nổi bật vai trò quan trọng của tạo thuận lợi cho thương mại nhằm giảm các chi phí và rủi ro, đồng tời tận dụng cơ hội gia tăng tiếp cận thị trường. Các biện pháp tạo thuận lợi hóa cho thương mại được Việt Nam thực hiện trong thời gian qua, bao gồm đơn giản hóa thủ tục, quy định, chứng từ hải quan liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa; tăng cường đối thoại, phối hợp, hội nhập của các cơ quan quản lý thương mại qua biên giới; tăng cường năng lực cơ quan quản lý thương mại qua biên giới; và hiện đại hóa các biện pháp quản lý thương mại xuyên biên giới để thúc đẩy dòng chảy thương mại tự do là trọng tâm của bài tham luận.

GS. Peter Draper, Giám đốc điều hành Viện Thương mại Quốc tế - Đại học Adelaide (Australia) trình bày bài tham luận
PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày bài tham luận

Nối tiếp các bài tham luận trong phiên buổi sáng, cuộc thảo luận bàn tròn về (i) Sự hình thành và triển vọng của các FTA thế hệ mới và (ii) Việt Nam thực thi các FTA thế hệ mới với sự tham gia của các tác giả phát biểu đề dẫn và đại diện từ các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam như Bộ Công Thương, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Điện tử Việt Nam cùng các chuyên gia của các trường đại học trong nước và quốc tế. Các diễn giả tập trung đánh giá những biến động của nền kinh tế thế giới như đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng, căng thẳng chính trị và những xu thế mới như cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bùng nổ của thương mại điện tử sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành và phát triển của FTA thế hệ mới; những điểm mới của các FTA trong tương lai so với hiện tại. Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến tiến trình tham gia vào các FTA thế hệ mới của các nước phát triển và đang phát triển, những khó khăn và thách thức nhìn từ góc độ của các nhóm nước khác nhau đã được thảo luận. Tác động của các FTA đến dòng thương mại, đầu tư, dịch chuyển lao động, hoàn thiện pháp luật thế chế; mức độ doanh nghiệp tận dụng các FTA; những vướng mắc của doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới của Việt Nam cũng được chia sẻ tại các phiên thảo luận bàn tròn. 

Phiên thảo luận bàn tròn về sự hình thành và triển vọng của các FTA thế hệ mới
Phiên thảo luận bàn tròn về Việt Nam thực thi các FTA thế hệ mới

Với đặc điểm nổi bật là các FTA mang tính toàn diện, có tính đột phá, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do thương mại hàng hóa nên nội dung trình bày của các diễn giả tại các phiên thảo luận song song không chỉ tập trung vào tác động của FTA đến dòng thương mại, mà mở rộng sang mối liên hệ của các FTA thế hệ mới với phát triển bền vững, phát triển đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tài chính, logistics, thương mại điện tử. Sự góp mặt của đông đảo các diễn giả đến từ các trường đại học trong và ngoài nước như Australia, Ấn Độ, Thái Lan, Bulgaria… đã giúp cho các vấn đề trong phiên buổi sáng được phân tích sâu sắc hơn, đồng thời tăng cường liên kết học thuật đa quốc gia.

Một số hình ảnh vè các phiên thảo luận song song

Theo các diễn giả, trong bối cảnh hệ thống thương mại đa biên đang đối mặt với những hạn chế nhất định thì hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTA thế hệ mới đóng vai trò quan trọng cho mục tiêu mở cửa hội nhập cho các quốc gia. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động ký kết và tận dụng các lợi thế của FTA mang lại sự tăng trưởng của các dòng thương mại và đầu tư quốc tế, mở rộng đối tác, thị trường, thúc đẩy gia nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu. Việc thực thi các FTA mang lại cả cơ hội và những thách thức cho Việt Nam. 

Hội thảo đã đưa ra một số hàm ý chính sách đối với Chính phủ và doanh nghiệp để hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới. 

Hàm ý đối với Chính phủ

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luận chính sách phù hợp với các cam kết hội nhập trong các FTA. Các cơ quan cần thường xuyên rà soát điều chỉnh những quy định không phù hợp với cam kết quốc tế, tiếp tục xây dựng chính sách nhặm thực hiện đầy đủ các cam kết theo lộ trình đã đề ra.

Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch bình đẳng, dễ dự đoán của chính sách thông qua việc phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý, có sự phối hợp thực hiện chính sách của các bên liên quan, có cơ chế giám sát chặt chẽ việc xây dựng và thực thi chính sách.

Các cơ quan nhà nước cần phối hợp thực hiện các cam kết trong các FTA, rà soát đánh giá việc thực hiện cũng như tác động của các FTA trên nhiều lĩnh vực. Phối hợp các cơ quan bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp các cấp trong việc cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi các FTA. Đồng thời, cần có những đánh giá về tác động của FTA, những cơ hội tiềm năng cũng như những khó khăn nảy sinh từ hiệp định, giúp doanh nghiệp có những bước chuẩn bị sẵn sàng. Đàm phán FTA thế hệ mới là những đàm phán kinh tế quốc tế “có qua có lại”, bản thân mỗi quốc gia cần xác định những điều khoản phù hợp với sự phát triển của họ.

Nâng cao nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp đối với các FTA thế hệ mới. Tổ chức các hội thảo, tuyên truyền thông tin về các FTA đã ký kết để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các nội dung cam kết, tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế trong các FTA, tăng cường luồng hàng hóa xuất nhập khẩu theo hiệp định.

Tích cực kết nối doanh nghiệp trong nước với các thị trường đối tác nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu. Cơ quan đại diện thương mại, đại diện nông nghiệp cần tích cực quảng bá các sản phẩm ở thị trường nước ngoài, thu thập các thông tin thị trường (thị hiếu, nhu cầu, các điều kiện lưu hành sản phẩm); theo dõi sát sao những biến động của thị trường thế giới để đưa ra những dự báo chính xác về tác động đến hoạt động xuât nhập nhập của Việt Nam; lập các danh sách khách hàng nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm trong nước.

Tiếp tục triển khai các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và đầu tư thông qua đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tăng cường đối thoại hợp tác, đặc biệt là đẩy nhanh hài hòa hóa các tiêu chuẩn quốc gia với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, môi trường… Tạo thuận lợi hóa thương mại cần đảm bảo 3 khía cạnh: (i) Các chiến lược, chính sách bao gồm các cam kết quốc tế về xúc tiến thương mại, chiến lược quốc gia và phát triển vùng; (ii) Các tổ chức xúc tiến thương mại; và (iii) Lộ trình tạo thuận lợi hóa thương mại.

Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế gắn với điều kiện của các vùng, đồng thời tận dụng cơ hội từ các FTAs thế hệ mới. Phát triển các ngành kinh tế quan trọng mà các vùng có ưu thế, ví dụ như công nghiệp chế biến, chế biến nông lâm sản…

Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ mới có tác động lan tỏa kết nối với chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, các dự án đầu tư năng lượng sạch và năng lượng tái tạo nhằm khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và tri thức cho Việt Nam hoặc tạo nền tảng để Việt Nam phát triển theo hướng bền vững. Những dự án đầu tư vào công nghệ chế biến cũng cần được ưu tiên, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản.

Hàm ý cho doanh nghiệp

Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi các FTA và tiếp cận các nguồn tài nguyên thông tin mà các biện pháp thuận lợi hóa thương mại mang lại. Khi tham gia thương mại quốc tế, đặc biệt xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường nước ngoài có ký kết FTA với Việt Nam, các doanh nghiệp không chỉ phải quan tâm tới mức thuế quan mà còn các quy định phi thuế quan khác như nguồn gốc xuất xứ, phí và lệ phí, các quy định tiếp cận thị trường và tiêu chuẩn hàng hóa… Nếu doanh nghiệp chủ động tiếp cận những thông tin trên, họ sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tích cực tận dụng các cơ hội tham vấn trước khi các chính sách, quy phạm pháp luật liên quan tới thương mại được ban hành.Việc tham gia giai đoạn lấy ý kiến, tham vấn ý kiến của các văn bản quy phạm pháp luật giúp doanh nghiệp có cơ hội bày tỏ ý kiến và đưa ra phản hồi về các quy định tiềm năng. Điều này giúp các cơ quan chức năng có cơ hội điều chỉnh dự luật theo hướng phù hợp với thực tiễn và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

Chú trọng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực công nghệ thông tin và nhân lực để có thể bắt nhịp được với xu hướng thực hiện thuận lợi hóa thương mại số như cơ chế một cửa, trao đổi chứng từ điện tử, sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử..

Tận dụng sự hỗ trợ đào tạo từ các cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế về các thủ tục quản lý thương mại xuyên biên giới. Hiện tại, các website chứa các khóa học trực tuyến về tìm kiếm thị trường, thủ tục hải quan, SPS, TBT khá phổ biến. Các cơ quan đầu mối tại Việt Nam về hỗ trợ tiếp cận thị trường, xác định rào cản phi thuế quan cũng đang hoạt động tích cực nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần tập dụng tốt những nguồn hỗ trợ này để mở rộng cơ hội và đa dạng đẩy nhanh hài hòa hóa các tiêu chuẩn quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới.

Hội thảo đã trở thành diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA thế hệ mới. Trong bối cảnh hệ thống thương mại đa biên gặp phải những khó khăn nhất định, phát triển kinh tế hợp tác song phương, đa phương thông các các FTA có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu mở cửa kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư đa phương trên phạm vi toàn cầu. Do vậy, những hàm ý đối với Chính phủ và doanh nghiệp được thảo luận tại Hội thảo sẽ thúc đẩy Việt Nam tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn, thâm nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu sâu rộng hơn. 

 

Tin tức về Hội thảo

Vietnam Televisions

Tham gia FTA, không chỉ là giảm thuế

Hội nhập kinh tế quốc tế: Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới

Tài chính kinh doanh trưa (from 5.20 minute) 

Tài chính kinh doanh sáng (from 6.23 minute) 

VITV Tổng Hợp (from 25.40 minute)

Website

Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới gắn với quá trình hội nhập

Hội nhập kinh tế là đòn bẩy giúp Việt Nam phát triển bất chấp biến động

Hội nhập Kinh tế Quốc tế: Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới

Hội nhập Kinh tế Quốc tế: Hành trình đi tới các FTA thế hệ mới – Vấn đề “nóng” tại CIECI 2022 và hàm ý chính sách cho Việt Nam


Trường Đại học Kinh tế


Các tin khác